Duyên Dáng Việt Nam

Những khó khăn trong quản lý tài chính của các gia đình trẻ

Cẩm Tú • 12-05-2020 • Lượt xem: 1673
Những khó khăn trong quản lý tài chính của các gia đình trẻ

Quản lý tài chính không tốt là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất hòa trong gia đình. Dù thu nhập cao hay thấp, nếu quản lý đồng tiền bất ổn sẽ có lúc thu không bù đủ chi, “giật gấu vá vai”.

Tin, bài liên quan:
“Nuôi con nghèo, dạy con giàu” cách giới siêu giàu dạy con khôn lớn

Vợ chồng không đồng thuận

Khó khăn trong quản lý tài chính đầu tiên đó là thiếu sự thống nhất về chi tiêu giữa hai vợ chồng. Điều này khá phổ biến ở những cặp chồng trẻ hiện nay.

Khi mới cưới, họ lựa chọn việc tự do chi tiêu để tránh mâu thuẫn về mặt kinh tế trong gia đình. Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi người vợ mang thai. Những khoản chi tiếu lớn ập đến,  khó khăn trong quản lý tài chính bắt đầu xuất hiện.

Do không có kế hoạch tài chính rõ ràng, giữa vợ chồng sẽ nảy sinh những mâu thuẫn trong cách chi tiêu. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là hai vợ chồng hãy trao đổi thẳng thắn với nhau về các khoản chi tiêu chung và riêng.

Hãy lập ra kế hoạch kinh tế cho gia đình theo từng mốc thời gian nhất định và phải là một kế hoạch dài hạn. Hạn chế tối đa xảy ra những mâu thuẫn trong cách quản lý tài chính mà ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Các khoản chi ngoài dự đoán

Ngay cả khi đã có kế hoạch chi tiêu, các gia đình trẻ cũng có những khoản chi bị bỏ sót hoặc không dự trù được. Với những gia đình trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều, họ thường không dự phòng được những chi phí trong quá trình nuôi dạy con, không có quỹ tài chính riêng cho con.

Nuôi dưỡng một đứa bé đến tuổi trưởng thành không chỉ bao gồm các khoản ăn uống, dinh dưỡng đơn thuần. Các chương trình học tập và đào tạo để con bạn nên người và thành đạt mới là vấn đề thực sự đáng lo ngại. Khoản chi tiêu này sẽ ngốn một khoản tiền không hề nhỏ.

Bởi vậy, hãy lập ra quỹ học vấn riêng cho con bạn ngay từ khi mới cưới. Đó có thể là những khoản tiền nhàn rỗi của hai vợ chồng qua việc tiết kiệm, đầu tư hay một công việc làm thêm. Không thể chỉ dựa vào một nguồn thu, đặc biệt là khi đã lập gia đình. Dù kiếm được tiền ít hay nhiều thì cũng hãy nên tìm cho mình một công việc ngoài giờ.

Rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào

Thêm một vấn đề gây khó khăn trong quản lý tài chính ở những gia đình trẻ đó là không lập ra quỹ dự phòng rủi ro. Quỹ dự phòng đa phần được sử dụng cho các vấn đề như: y tế, các biến cố bất ngờ như thất nghiệp, giảm thu nhập, sửa sang nhà cửa…

Các khoản tiền từ quỹ rủi ro sẽ là tấm phao cứu sinh của gia đình bạn trong những lúc khó khăn. Bạn có thể chia ra theo mức thu nhập của cả hai vợ chồng để trích ra 10 – 20% thu nhập cho quỹ này. Điều này sẽ có lợi ích tuyệt vời giúp bạn giải quyết được những khó khăn trong quản lý tài chính đấy. Và hãy nhớ tuyệt đối không được sử dụng quỹ này vào bất kỳ mục đích nào khác.

Chi tiêu tùy hứng

Rõ ràng, việc chi tiêu theo hứng là tâm lý chung trong phần lớn giới trẻ hiện nay. Các cặp vợ chồng trẻ vẫn còn dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho việc mua sắm và ăn chơi ngoài dự tính.

Việc chi tiêu tùy hứng xảy ra khi mua sắm những thứ chúng ta “muốn” chứ không mua những thứ chúng ta “cần”. Nếu dành thời gian để kiểm lại đồ dùng trong gia đình, chắc rằng bạn sẽ ngỡ ngàng vì có nhiều đồ dùng chưa sử dụng đến, hoặc chỉ sử dụng  một vài lần rồi “xếp xó”.

Việc lạm dụng tiêu tiền theo sở thích cực kỳ nguy hiểm. Nguồn tài chính của gia đình bạn sẽ dần kiệt quệ và xảy ra những bất đồng không mong muốn.

Quy tắc vàng trong quản lý tài chính gia đình

Theo Larry Winget - tác giả cuốn sách “Học cách tiêu tiền” cho biết để khắc phục được những khó khăn trong quản lý tài chính mỗi gia đình phải lập ra bản kế hoạch tài chính cụ thể. Biết được mình đang thuộc nhóm thu nhập thấp, trung bình hay cao. Từ đó có một kế hoạch chi tiêu hợp lý để có thể vươn lên một tầng lớp cao hơn.

Ngoài ra, hãy học cách bình tĩnh khi thảo luận về tiền bạc. Tuyệt đối không nóng nảy để rồi đâu lại vào đó, tiền chồng chồng xài, tiền vợ vợ xài.

Có rất nhiều quy tắc, công thức cho việc quản lý tài chính gia đình. Bạn có thể tham khảo quy tắc  50/20/30 (50% cho chi phí thiết yếu, 20% mục tiêu tài chính, 30% chi tiêu cá nhân) hay công thức "6 cái lọ": 55% chi phí thiết yếu, 10% học vấn (con cái, bản thân), 10% vui chơi, giải trí, 10% tiết kiệm, 5% cho đi và 10% cho đầu tư.

Việc áp dụng các công thức, quy tắc trong quản lý tài chính không nhất thiết phải rập khuôn. Chúng ta có thể linh động dựa trên thu nhập của mình.

Khi thu nhập còn khiêm tốn nên lập một danh sách cùng nhau thống nhất những khoản bắt buộc phải chi, những thứ thiết yếu nhất định phải mua để tránh mua sắm thừa thãi lãng phí. Tuy nhiên, dù thu nhập cao hay thấp vẫn nên có quỹ tài chính riêng để phòng ngừa rủi ro.

Lập gia đình là một vấn đề không hề dễ dàng và việc quản lý chi tiêu gia đình lại càng khó khăn hơn. Đối với những bạn chuẩn bị lập gia đình thì đây sẽ là những bước chuẩn bị cần thiết nhất cho một mái ấm hạnh phúc trong tương lai.