ĐỜI SỐNG

Những ngôi nhà độc đáo của người Mông trên cao nguyên đá

Bài và ảnh: Hà Thành • 08-02-2023 • Lượt xem: 1327
Những ngôi nhà độc đáo của người Mông trên cao nguyên đá

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đẹp và quyến rũ không chỉ bởi vũ điệu ngút ngàn của những khối đá, của cảnh thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ; mà còn bởi nền văn hóa đặc sắc lâu đời của đồng bào dân tộc, mà tiêu biểu là dân tộc Mông nơi đây.

Nói tới văn hoá của người Mông, không thể không nói đến kiến trúc ngôi nhà truyền thống. Ngôi nhà truyền thống là một phần văn hóa của người Mông. Ngôi nhà là thước đo để thể hiện sự giàu có, địa vị, và cả thời gian định cư trong vùng. Thiên nhiên, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt... của vùng cao nguyên đá có ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà người Mông nơi đây. Từ yếu tố địa lý, môi trường và những quan niệm sống, phong tục tập quán; đã hình thành nên sự độc đáo, đặc sắc trong văn hoá kiến trúc của người Mông trên cao nguyên đá.

Kiến trúc của nhà người Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ, giàu hay nghèo. Ngôi nhà chính có 3 gian 2 cửa (gồm một cửa chính và một cửa phụ), tối thiếu có 2 cửa sổ. Ngôi nhà có thể có 1 hoặc 2 chái nhà, nhưng không liên quan trực tiếp đến 3 gian nhà chính. Ở nhà chính, 3 gian được bố trí theo nguyên tắc: Gian giữa - thường rộng nhất là gian thờ và cũng là nơi tiếp khách, ăn uống, sinh hoạt chung của gia đình; gian bên trái đặt bếp nấu và là buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách.

Nhà người Mông luôn có sàn gác để làm nơi chứa đồ đạc, các loại nông sản như lúa, ngô sau thu hoạch. Các loại lương thực này được cất giữ ở đây nhờ khói bếp mà tránh được ẩm mốc, sâu mọt. Sàn gác cũng là nơi ngủ khi nhà đông khách. Điều đặc biệt là phụ nữ không được phép ngủ trên gác.

Ngôi nhà truyền thống của người Mông là nhà trình tường lợp ngói trên hệ khung mái bằng gỗ. Với những loại vật liệu này, ngôi nhà ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Người Mông rất chú trọng chuyện chọn đất làm nhà, coi đây là một công việc đại sự. Sau khi chọn được đất, là tiến hành làm nhà, bắt đầu từ quy trình san nền, kê móng rồi bắt đầu trình tường. Trình tường là một công đoạn quan trọng, kéo dài và vất vả, được thực hiện khá công phu. Để trình tường, bà con người Mông phải làm những khuôn gỗ có kích thước dài 1,5m, rộng 0,45-0,5m – là chiều dày tường nhà. Đất dùng để trình tường phải là đất tốt, được loại bỏ hết tạp chất như rác, rễ cây, sỏi đá... Đất được đổ vào trong khuôn định vị theo cấu trúc nhà, rồi được nện chặt bằng vồ. Lúc trình tường, người ta thường huy động thanh niên trai tráng trong bản đến giúp. Khi tường cao tới cữ dự kiến thì kết thúc công đoạn trình tường, chuyển sang lợp mái.

Gia chủ lại chọn ngày tốt, để vào rừng chặt hạ hai cây cột cái ở gian giữa và đòn nóc. Trong bộ khung cột, mái của ngôi nhà người Mông, thì đây là 3 cấu kiện quan trọng nhất, rất có ý nghĩa. Gia chủ phải thắp hương, khấn thần rừng để xin cây gỗ về làm nhà. Họ cho rằng làm như thế thì thần rừng mới không quở mắng, làm nhà mới suôn sẻ, nhà cửa yên vui, mọi người trong gia đình khoẻ mạnh, ăn nên làm ra... Những cấu kiện này được chọn lựa kỹ càng. Cây cột cái và đòn nóc phải là những cây gỗ tốt, không bị sâu, thối, cụt ngọn. Cây đòn nóc sau khi chặt xong được đưa thẳng từ rừng về, không đặt xuống đất mà đưa lên nóc ngay.

Sau khi hoàn thành hệ khung mái thì tiến hành lợp mái. Mái của nhà truyền thống người Mông được lớp ngói hoặc tranh. Những nhà khá giả thường lợp ngói âm dương. Nhà trình tường lợp ngói âm dương là hình ảnh tiêu biểu của kiến trúc nhà người Mông trên cao nguyên đá. Kế bên ngôi nhà chính có thể có nhà kho hay chuồng trâu bò. Chuồng trâu bò thường không có tường, không thưng vách nhưng cũng có thể được lợp ngói như ngôi nhà chính.

Cửa chính của ngôi nhà luôn mở vào trong, cánh cửa được làm bằng gỗ tốt. Then cửa cũng được làm bằng gỗ, không làm bằng sắt hay kim loại khác. Người Mông cho rằng nếu then cửa làm bằng sắt thì sẽ lạnh, thiếu tình cảm, thiếu sự ấm áp. Trong những chi tiết trang trí cho ngôi nhà, người Mông hay dùng hình tượng con dơi, để cầu mong sự phúc đức, an lành.

Một điểm đặc sắc khác trong cấu trúc nhà người Mông là hàng rào đá. Hầu như ngôi nhà nào cũng có hàng rào đá bao quanh. Việc dựng hàng rào đá là việc thứ hai sau khi dựng nhà. Không ai biết hàng rào đá có từ bao giờ, bắt ầu từ đâu, nhưng rào đá là một yếu tố quan trọng với ngôi nhà người Mông. Hàng rào đá được “xây cất” công phu không kém việc dựng nhà. Để có một hàng rào đá kiên cố, chắc chắn với chiều cao xấp xỉ đầu người (khoảng 1,5m-1,6m), người ta đã mất hàng tháng trời để nhặt đá và kỳ công xếp lại thành những bức tường bao quanh ngôi nhà. Hàng rào được dựng lên vừa để xác định ranh giới, vừa chống gió lạnh, ngăn thú dữ, cũng chắn cho các con vật nuôi trong khuôn viên không chạy ra ngoài.

Mỗi ngôi nhà có hàng rào đá có một cổng vào kết nối với hàng rào đá. Cổng đôi khi chỉ có cánh cổng không có mái, nhưng cũng có thể có mái, lợp ngói âm dương như ngôi nhà chính. Trong cánh cổng, sau hàng rào là một cuộc sống riêng tư của một gia đình.

Người Mông thường làm nhà trên cao, dựa lưng vào núi. Mỗi ngôi nhà là một gia đình, mỗi bản có vài nóc nhà trở lên. Có bản là cả một dòng họ sống sum vầy, quây quần. Quanh ngôi nhà, người Mông thường trồng một vài cây đào, cây mận, cây lê. Lên cao nguyên đá mùa xuân, sẽ thấy những hoa xuân khoe sắc, rực rỡ bên nhà trên nền xám của bờ rào đá hay màu nâu sẫm của mái ngói âm dương.

Giữa mênh mang cao nguyên, những nếp nhà người Mông nhỏ bé, xinh xắn và bình dị chứa đựng cả một bề dày văn hóa để lại nhiều ấn tượng khó quên cho ai từng bước chân tới đây.