Duyên Dáng Việt Nam
Những sai lầm của cha mẹ khi dạy con quản lý tài chính
Cẩm Tú • 18-07-2020 • Lượt xem: 636

Quản lý tiền bạc là một kỹ năng quan trọng, cần thiết để xây dựng cuộc sống sung túc. Chìa khóa để dẫn con bước vào con đường tài chính đúng đắn không hề đơn giản, trong suốt quá trình đó, cha mẹ gặp không ít sai lầm. Nhiều người trẻ không bao giờ học những kỹ năng quan trọng này bởi vì cha mẹ họ chưa bao giờ dạy.
Tin, bài liên quan:
8 lời khuyên cho hạnh phúc tài chính
Khi một người trẻ nói: Tôi không thể mua được. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Bởi, đó là khi những người trẻ tuổi đang học cách từ chối những thứ họ không có khả năng. Những người trẻ này đang đưa ra một số quyết định tài chính quan trọng: ưu tiên chi tiêu của họ. Đây là tất cả các kỹ năng quan trọng họ sẽ cần trên con đường đến trách nhiệm tài chính.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất khó khăn khi nói chuyện thẳng thắn với con: cha/ mẹ không thể mua được. Những từ đơn giản đó là nền tảng để thiết lập thói quen tài chính bền vững. Nếu bạn muốn con chịu trách nhiệm về tài chính, hãy suy nghĩ lại về cách bạn đang xử lý vấn đề tài chính trong các cột mốc quan trọng của cuộc đời
Sai lầm thứ nhất: Lựa chọn trường học - đắt nhất là tốt nhất
Bất kỳ ai cũng muốn cho con những điều tốt nhất. Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư cho con vào khoản nào cũng phải dựa trên khả năng tài chính của bản thân và gia đình.
Sự bùng nổ của các trường tư thục, trường quốc tế được quảng cáo có cơ sở sở vật chất hiện đại nhất, hệ thống giáo dục tiên tiến nhất... đã làm lay động suy nghĩ của các bậc phụ huynh. Rất nhiều người cảm thấy rằng bắt buộc phải gửi con cái đến ngôi trường tốt nhất - và thường là đắt nhất để chúng được phát triển vượt trội.
Mong muốn của cha mẹ là đúng, nhưng nên cân nhắc, nếu như gia đình vẫn phải vật lộn với những chi phí sinh hoạt hàng tháng: tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền ốm đau, chăm sóc cha mẹ già… Đắt nhất, tốt nhất nhưng chưa hẳn hợp lý nhất.
Việc lựa chọn trường học cho con phù hợp với tài chính gia đình, và có kế hoạch để chi trả học phí cho con là một cách tốt để dạy con về tài chính. Quá trình lên kế hoạch, cân nhắc, lựa chọn và quyết định của cha mẹ sẽ giúp con hiểu được tầm quan trọng của quản lý tài chính.
Cha mẹ thường bỏ qua việc cho con biết về nấc tài chính cần có để theo học ngôi trường mà các con muốn học. Thay vào đó, cha mẹ ôm nỗi lo này thay cho con và gồng mình chi trả. Đó là một sai lầm.
Với những trẻ từ mẫu giáo đến trung học cơ sở có thể chưa cần bàn với con về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, khi con bắt đầu bước vào cấp 3, nhất là chuẩn bị vào đại học cha mẹ cần cho con biết về tài chính. Ở tuổi này, con đã có ý thức và có thể tự tính toán để đưa ra quyết định của mình. Có rất nhiều phương án để chi trả học phí như: vay quỹ ưu tiên cho sinh viên, mua bảo hiểm, đi làm thêm cuối tuần… Hãy cùng con ngồi lại và lựa chọn phương án tốt nhất.
Cho con biết về thực trạng tài chính của gia đình, nguồn tài chính dự kiến để chi trả cho trường học, cùng con lên kế hoạch chi trả hợp lý là bước đầu tiên để củng cố ý thức, kỹ năng quản lý tài chính của con trong tương lai.
Sai lầm thứ 2: Đám cưới càng to hạnh phúc càng nhiều
Hôn nhân là một trong những cột mốc lớn nhất của đời người. Cha mẹ đương nhiên muốn con thật hạnh phúc trong ngày trọng đại bằng một chiếc váy thật đẹp, hoa, bánh, khách sạn sang trọng...
Chi phí cho một đám cưới ở thành phố trung bình khoảng 100.000.000 đồng trở lên, tùy vào số lượng khách, khách sạn, chất lượng đồ ăn... và nhiều chi phí phát sinh khác. Trong một số trường hợp, giá của một đám cưới có thể mua được một ngôi nhà.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Với những tỷ lệ cược đó, một đám cưới xa hoa có phải là một sự đầu tư khôn ngoan?
Giống như trả tiền học đại học, cha mẹ thường nuôi những kỳ vọng không thực tế. Họ có thể sợ làm con mình thất vọng, hoặc họ có thể sợ sự khinh miệt của bạn bè đồng trang lứa nếu đám cưới không thành công. Dù đó là gì đi nữa, cha mẹ không thành thật về những gì có thể chi trả và không giúp con bắt đầu cuộc sống hôn nhân của mình trên nền tảng tài chính vững chắc.
Bởi vậy, hãy quyết định số tiền bạn muốn trả cho đám cưới của con trong một ngân sách hạn chế. Cùng con soát lại các khoản phải chi và tính toán cẩn thận cho đám cưới. Một đám cưới vừa phải sẽ không đặt áp lực chi trả nặng nề, thậm chí có thể dành được một khoản tiết kiệm cho con đặt cọc mua nhà hoặc bắt đầu kinh doanh.
Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, con đã thực sự trưởng thành, đã đến lúc tự gánh lấy gánh nặng tài chính và chịu trách nhiệm với cuộc đời.
Sai lầm thứ 3: Con dù lớn vẫn chưa trưởng thành
Trả hóa đơn điện thoại di động, luôn đổ đầy bình xăng, hỗ trợ tiền thuê nhà... là những việc cha mẹ Việt Nam thường làm, ngay cả khi con đã trưởng thành. Cha mẹ có thể đã bắt đầu trả tiền cho điện thoại di động của con khi chúng học cấp hai, nhưng khi đứa trẻ đó đã có việc làm và sống một mình, đã đến lúc chúng phải tự lo các hóa đơn của mình.
Việc cha mẹ muốn giúp con cái là điều tự nhiên, nhất là khi chúng mới bắt đầu. Tuy nhiên, cha mẹ không thể làm cho con cái thực sự trưởng thành nếu mãi bao bọc như vậy.
Khi được bao bọc quá kỹ càng, trẻ em trưởng thành rất có thể thất bại. Nhiều cha mẹ lo lắng rằng con cái họ sẽ không thể tự đứng lên sau thất bại. Họ có thể trả giá giá bằng những khoản nợ khổng lồ cho các quyết định tài chính tồi tệ trên đường đời.
Thay vào đó, hãy làm điều này: Khi con cái của bạn sẵn sàng tự lập, hãy xem xét ngân sách cơ bản để hỗ trợ cho con và có một cuộc nói chuyện thẳng thắn. Điều này giúp con hiểu được thực trạng tài chính của mình để điều chỉnh cách sống và và tiết kiệm cho tương lai.
Làm hài con với những món quà đắt tiền, trả quá nhiều cho các mặt hàng có giá trị lớn như đại học, đám cưới khiến quỹ hưu trí của bạn bị giảm đi đáng kể. Vì vậy, đó không phải là quyết định tài chính khôn ngoan. Món quà tốt nhất bạn có thể tặng cho con cái là sự đảm bảo tài chính của chính mình. Hãy dạy con những bài học này khi chúng còn nhỏ, kiến thức là điều sẽ ở lại với con rất lâu sau khi cha mẹ không còn có thể bên con được nữa.