Duyên Dáng Việt Nam

Những trò chơi lành mạnh giúp trẻ tránh xa màn hình máy tính

Cẩm Tú • 24-08-2020 • Lượt xem: 1773
Những trò chơi lành mạnh giúp trẻ tránh xa màn hình máy tính

Hầu hết tất cả trẻ em đều bị mê hoặc bởi những thiết bị điện tử. Ngoài những tác hại về suy giảm trí nhớ và các mặt bệnh về thị lực, những thiết bị điện tử còn lấy đi những giá trị vô hình không phải ai cũng nhận ra.  Đó là cơ hội truyền lại những kỹ năng sống, khơi dậy trí tưởng tượng và tạo ra những ký ức vui vẻ cùng với những người xung quanh.

Tin, bài liên quan:
Giúp trẻ giảm căng thẳng, để những kỳ thi không còn là cơn ác mộng

Làm đồ thủ công

Làm đồ thủ công là một bộ môn có thể giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo và thẩm mỹ rất tốt, hơn nữa bộ môn này còn rèn cho trẻ sự tỉ mỉ và kiên trì. Tuy nhiên, trẻ em ngày nay có một cuộc sống khá đầy đủ về vật chất, bởi vậy, chúng không có thói quen làm thủ công như những thế hệ trước.

Một trong những môn thủ công được trẻ yêu thích nhiều nhất là vẽ tranh. Vẽ luôn là niềm vui của trẻ. Việc chơi với màu sắc giúp trẻ rèn luyện tư duy thẩm mĩ, phát triển trí tuệ. Nhưng để thú vị hơn, cha mẹ có thể cho trẻ thử vẽ giày cũ, vẽ áo phông hoặc vẽ trang trí lên những tòa nhà carton, thậm chí thiết kế tàu vũ trụ của chúng. Những đứa trẻ lớn có thể thực hiện những công việc thủ công phức tạp hơn như sơn lại đồ nội thất, sơn cửa, sơn hàng rào…. 

Trong quá trình làm thủ công, để trẻ phát huy được tối đa sức sáng tạo cha mẹ cần khuyến khích trẻ thử nghiệm với nhiều nguyên liệu, chất liệu. Càng đưa ra thử thách khó khăn, trẻ càng phấn đấu, tìm tòi và sáng tạo mạnh mẽ hơn. Không chỉ vậy, việc làm thủ công còn có thể mang lại thu nhập cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ thông qua bán thiệp chúc mừng handmade, vòng tay handmade, khắc bút...

Đan và may

Đan và may cũng là một loại hình thủ công và có mặt trong một phần của chương trình dạy nghề của cá trường cấp ba. Tuy nhiên, ngày nay, trừ những trẻ được sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết đều bị thiếu kỹ năng về đan và may. 

Đây là những kỹ năng cơ bản giúp trẻ có thể tự chăm sóc cho bản thân thậm chí có thể kiếm thêm thu nhập ngay từ khi còn nhỏ và là bước đệm cho nghề nghiệp tương lai. Kỹ thuật đan, may ngày càng hiện đại, chúng ta không còn phải tự đan, may váy , áo như thế hệ trước.

Tuy nhiên, trao lại cho trẻ kỹ năng đan, may truyền thống cũng giống như trao lại những giá trị thẩm mỹ, kỹ năng nghề nghiệp của thế hệ trước. Bất chấp sự thay đổi của thời đại, bộ môn này vẫn có sức hút kỳ lạ với nhiều người đặc biệt là nữ giới ở nhiều độ tuổi.

Kỹ năng sống

Để kéo trẻ ra khỏi sự cuốn hút của thế giới điện tử, không có gì tuyệt vời hơn là để trẻ tận hưởng sự thú vị của cuộc sống. Điều này đến từ những trải nghiệm thực tế và hình thức các kỹ năng sống tự nhiên.

Hãy dạy trẻ nấu ăn. Nấu ăn là kỹ năng cơ bản nhất để con người tồn tại và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Nấu ăn không chỉ là một kỹ năng nó còn là một quá trình trải nghiệm. Qua đó, trẻ nhỏ nhận thức được hương vị, nguyên liệu, học được cách chăm sóc sức khoẻ bằng chế độ ăn uống. Nấu ăn không chỉ cho phép trẻ thoả sức sáng tạo mà còn là một phương tiện hữu ích để trẻ tỏ lòng biết ơn, sự quan tâm với người khác.

Với những bé trai tuổi vị thành niên, cha mẹ có thể dạy trẻ cách thay phích cắm, sửa cầu chì, sửa bóng đèn, đóng bàn ghế… Bất cứ hoạt động thường ngày nào cũng có thể trở thành một bài học về kỹ năng sống. Thực hành những bài học này có ích cho việc phát triển thể chất và tư duy hơn việc cắm mặt vào màn hình điện tử.

Lưu ý, thường xuyên thay đổi môi trường và tăng độ khó trong các kỹ năng để trẻ không cảm thấy nhàm chán.

Các trò chơi dân gian

Các trò chơi điện tử tuy thú vị, hiện đại nhưng không giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và kỹ năng giao tiếp. Thậm chí sử dụng quá mức các thiết bị điện tử có thể  khiến trẻ dễ mắc các bệnh về mắt, hạn chế về giao tiếp, hay cáu gắt, tự cô lập, không hoà đồng.

Để tránh những tác hại không tốt của thiết bị điện tử, cha mẹ nên dạy trẻ những trò chơi dân gian để thay thế. Những trò chơi dân gian tuy giản dị, mộc mạc nhưng rất trí tuệ và có tính cộng đồng cao. Các trò chơi buộc trẻ phải có tư duy và học cách làm việc nhóm, làm việc độc lập tiêu biểu như: ô ăn quan, chơi chắt, đánh trận giả, cờ tỷ phú, cờ vua... Một số trò chơi giúp trẻ phát triển khả năng vận động như: đá bóng, đá cầu, nhảy dây… 

Quăng cho trẻ chiếc máy tính bảng, cái máy vi tính là cách đơn giản và nhẹ nhàng để có được thời gian rảnh nghỉ ngơi và làm việc. Tuy nhiên, chính suy nghĩ đó khiến cha mẹ vô tình tước đi cơ hội được vui chơi lành mạnh, được trải nghiệm và học những kỹ năng sống cần thiết của trẻ.