VĂN HÓA

Những tư liệu mới về cuộc đời nhạc sĩ Tử Phác và ca khúc 'Tiếng hát quay tơ'

Nguyễn Thụy Kha • 19-08-2021 • Lượt xem: 1917
Những tư liệu mới về cuộc đời nhạc sĩ Tử Phác và ca khúc 'Tiếng hát quay tơ'

Cuộc đời của người làm nghệ thuật thường sóng gió vì trải qua bao thăng trầm, dâu bể. Sáng tạo càng không dễ nếu thiếu bản lĩnh, ý thức kiên định. Với nhạc sĩ Tử Phác và ca khúc 'Tiếng hát quay tơ' sau bao năm tháng nhìn lại người yêu âm nhạc có thể vui mừng vì vượt trên bao thử thách oan trái, định mệnh, nghệ sĩ để lại cho đời một tình khúc bất hủ... 

Tin và bài liên quan: 

‘Về đây nghe em' của nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Tiếng ân tình nặng một đời người

Nguyễn Hữu Hồng Minh và Cao Minh Đức hủy show 'Còn Lại Tình Yêu' tại Đà Nẵng

Chương trình "Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm

Chân dung âm nhạc: Minh saxophone, bên trong ánh sáng đã tắt

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

Một lần đến uống rượu ở nhà ông Đặng Đình Hưng tại khu chung cư Giảng Võ, tôi thấy một ông gầy guộc, có gương mặt rất “trai phố cổ” với bộ ria mép rất tài tử xi-nê. Ông Hưng giới thiệu: “Đây là nhạc sĩ Tử Phác - tác giả “Tiếng hát quay tơ” nổi tiếng. Kha biết không?”.

Tôi vôi nắm chặt tay Tử Phác và thốt lên giai điệu: “Chiều không hương mây buông lắng xuống đồng quê …”. Ông Hưng cười ha hả: “Thằng này được. Nó còn thuộc cả “Mừng chiến thắng Tây Bắc” của tao nữa đấy”. Tử Phác cười khó nhọc. Được vài chén tôi mới biết ông chớm ung thư vòm họng đang điều trị. Vậy là hai ông “u gì” đang đối tửu cùng nhau.

Tôi thuộc “Tiếng hát quay tơ” từ nhỏ do nghe các anh các chị hay hát tại căn nhà thân yêu của chúng tôi ở Hải Phòng tạm bị chiếm. Sau này, tôi mới biết “Tiếng hát quay tơ” được Tử Phác viết ở chiến khu III, nhưng lại được hát rất thịnh hành trong vùng tạm bị chiếm giống như “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải, “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn… Một điệu Valse thật nhịp nhàng đằm thắm, lãng mạn với ca từ đượm chất cổ thi: “Hàng nước mắt lá rơi/ Bên thềm vun vút bóng câu/ Kín trời tắm lối gió đông/ Thì thào lá biếc có chen lá vàng/ Tre ngà đưa võng đung đưa cung đàn…”. Nhờ thuộc giai điệu này, khi học đại học, tôi và thầy giáo môn “Sức bền vật liệu” tên là Tôn Huyến thường xuyên song ca trong các cuộc tụ tập ở vùng đồi cọ Phú Thọ. Qua Đặng Đình Hưng, tôi mới dần biết về cuộc đời phiêu lãng của Tử Phác.

Tử Phác sinh ngày 31.12.1923 trong một gia đình ở phố Hàng Bạc. Tên khai sinh là Nguyễn Văn Kim. Do gia đình khá giả, ngay từ thời đi học, bạn bè đã gọi ông là “cậu Kim hàng Bạc”. Ông tham gia chiến đấu trên chiến lũy Hà Nội mùa đông 1946, rồi nhập vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Năm 1947 - 1948, ông là Thư ký tòa soạn báo Thủ Đô ở chiến khu III với bút danh Nguyễn Anh Chấn. Năm 1949 - 1950, ông được điều lên Việt Bắc làm Thư ký tòa soạn báo Sự Thật với bút danh Trương Công Kích. Năm 1950, Tử Phác chuyển sang quân đội làm Trưởng phòng Văn nghệ thuộc Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Trong chiến dịch Tây Bắc, dọc đường hành quân, khi phát hiện ra điệu múa sạp Tây Bắc đơn sơ với những nhịp múa uyển chuyển theo tiếng gõ vào ống nứa, ông đã nhanh chóng muốn có nhạc múa cho điệu múa độc đáo này. Ông đã cử nhạc sĩ Sao Mai đi thực tế lấy chất liệu dân ca Thái để viết ra giai điệu nhạc cho múa sạp. Ngày về giải phóng thủ đô, trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quân tại Nhà hát Lớn, múa sạp được khen ngợi. Đêm ấy, theo lời kể của Hoàng Cầm, hai ông đã tự thưởng cho nhau thuốc lá thơm Philip Morris và mấy ly cognac. Riêng với “Tiếng hát quay tơ” của ông, nghệ sĩ Kim Ngọc đã thể hiện hết sức tuyệt vời. Những ngày đầu đổi mới, bà Kim Ngọc hát lại “Tiếng hát quay tơ” vẫn hay và nhuyễn như xưa. Bài hát cần rất nhiều sắc thái khác nhau và bà đã thấm nhuần điều đó khi thể hiện. Đoạn thể hiện chiến sĩ ngoài mặt trận cần mạnh mẽ, bà đã hát rất cuốn hút và bốc lửa: “Người chiến sĩ ầm gió rít sương rơi/ Đẫm mình trong khói súng/ Chiến trường áo mong manh/ Căm thù nuôi ấm thân/ Quyết lấy máu pha tô sắc cờ…”.

Đoạn nối tiếp là tâm sự của người vợ ở hậu phương thì lại được thể hiện rất dịu dàng, mượt mà trong bâng khuâng thương nhớ: “Chàng ra đi giữ miếng vườn này giữ mái tranh này/ Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay/ Chiều nghe rơi tiếng lá xạc xào em ngỡ/ Ngỡ bóng dáng ai về…”.

Và thương nhớ đã quyến vào nhịp xa quay điệp khúc: “Quay quay thương nhớ luyến vào tơ/ Quay quay may áo rét dâng chàng/ Rộn ràng tơ lướt tới người chiến sĩ yêu/ Quay quay thương nhớ luyến vào tơ/ Quay quay may áo rét dâng chàng/ Mỗi một đường tơ là mỗi dây tình trong lòng/ Em dâng người hiên ngang…”.

Điệp khúc nổi tiếng đến nỗi như “Hành quân xa” và “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận được lính ta “chế” lời ngay: “Quay quay rau muống chấm vào tương…”. Nhờ “Tiếng hát quay tơ”, Tử Phác đã tìm được “ý trung nhân” của mình là bà Lương Thị Nghĩa. Bà Nghĩa cũng là dân phố cổ như ông. Ông ở Hàng Bạc, còn bà ở Hàng Ngang. Bà học piano từ nhỏ. Kháng chiến, bà tản cư về Thái Bình giảng dạy âm nhạc và tham gia công tác phụ nữ. Bà lên Việt Bắc năm 1950, công tác tại ngành điện ảnh. Ở Việt Bắc, họ đã về với nhau.

Ngay sau giải phóng Thủ đô ít năm, Tử Phác chuyển sang làm Tạp chí Âm nhạc của Hội Văn nghệ Việt Nam cùng Đặng Đình Hưng. Không ngờ năm 1990, tôi lại là người kế nghiệp hai ông khi về làm Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đọc lại những số đầu tiên do các ông làm, thấy các ông chính là những người đặt nền móng đầu tiên cho tờ tạp chí chuyên ngành này. Hồi ấy, chiều chiều tôi hay ngồi với “Lương kèn” - con trai ông Tử Phác. Anh em thường hàn huyên với nhau về ông. Hôm Lê Đạt đến đưa bài viết về Tử Phác, anh em rất cảm động. Qua Lê Đạt, biết Tử Phác là người rất kỹ tính và chiều bạn. Có Tết sau hòa bình, lúc này Tử Phác ở Hàng Giấy, ông dặn vợ gói mấy cái bánh chưng nhân thịt chim để thết bạn. Bữa đó có Lê Đạt, Văn Cao và Trần Dần. Bà Nghĩa lúc này dạy piano ở Trường Âm nhạc nhưng rất “tề gia nội trợ”. Song có lẽ do mất dấu nên khi bánh chưng bóc ra vẫn là nhân thịt lợn. Tử Phác yêu cầu vợ phải tìm bằng được bánh nhân chim để mời mọi người thưởng thức. Bà Nghĩa là em ruột nhạc sĩ Lương Ngọc Châu. Ông Châu lại lấy chị ruột nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông bà cũng có thời gian tham gia kháng chiến, sau sang định cư ở Pháp. Sau khi Tử Phác mất, bà Nghĩa cũng sang Pháp ở với anh chị Lương Ngọc Châu. Bà mất năm 1985.

Tử Phác gắn bó bạn bè như thế nên luôn luôn ủng hộ công việc của bạn bè. Khi tờ Giai Phẩm ấn hành, ông có gửi một sáng tác mới là bài “Gió hồ Tây” để góp mặt cùng bạn bè cho vui. Cũng như Đặng Đình Hưng, khi Hội kiểm điểm anh em tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm, Tử Phác cũng bị liệt vào cùng một nhóm. Ông và Lê Đạt đi lao động ở nông trường Chí Linh. Lê Đạt thì chăn bò. Còn Tử Phác đánh gốc khẩn hoang. Lao động vất vả là thế nhưng vẫn không làm mất đi cái chất “trai phố cổ” trong Tử Phác. Chiều về, khi hết giờ lao động, ông lại gọn ghẽ, chải chuốt, thanh lịch như khi làm Tạp chí Âm nhạc. Cách sống riêng kiểu Tử Phác khiến nhiều người không ưa, cho là cầu kỳ. Song đó là một thái độ sống có văn hóa, một thái độ tự khẳng định.

Thời gian cứ thế trôi đi, qua hẳn một cuộc chiến tranh, rồi lại đến những năm đầu hậu chiến vẫn còn ùng oàng những tranh chấp biên giới phía Bắc và ở chiến trường Campuchia giúp bạn vượt qua thảm khốc diệt chủng. Chưa có gì để hy vọng. Riêng Đặng Đình Hưng thì sau khi cậu con trai Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin (1980) đã được phân nhà, đã được cứu chữa thoát hiểm u ác. Có một cuộc rượu tại nhà ông để mừng chuyện đó. Tử Phác tuy vẫn bị ung thư vòm họng nhưng cũng gắng đến góp vui với bạn bè. Vẫn là mấy người thân như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt và Dương Tường. Trần Dần lúc ấy cũng thoát hiểm tai biến mạch máu não. Thấy Tử Phác đến, Dương Tường hát “Tiếng hát quay tơ”. Giọng không hay nhưng da diết và đắm đuối.

Hoàng cầm thì ngân nga bài tựa truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh: “Cánh hoa rụng chọn gì đất sạch …”. Trần Dần ngồi thu lu hai vai gù gù như con gấu, vừa lau mồ hôi vừa líu lưỡi nhại Vũ Trọng Phụng: “Em chã… em chã”. Đặng Đình Hưng cổ quàng khăn lụa hoa, đôi mắt sắc như dao, lơ mơ nhìn lên trần nhà hát “Cô láng giềng” của Hoàng Quý: “Cô láng giềng ơi!/ Không biết cô còn nhớ tới tôi…”. Hóa ra cô láng giềng của Đặng Đình Hưng ở Giảng Võ cũng vừa sang với cặp lồng đồ ăn và ít bánh mỳ. Có lẽ đó là buổi quần tụ cuối cùng của Tử Phác với bạn bè.

TIẾNG HÁT QUAY TƠ - TỬ PHÁC 

Chiều không hương, buông mây lắng xuống đồng quê
Trời mênh mông, tím ngắt, thoi thóp pha hồng
Hàng nước mắt, lá rơi bên thềm
Vun vút bóng câu khắp trời, bát ngát khói hương.

Thì thào lá biếc, có thương lá vàng
Tre ngà đưa võng, heo may hoà đàn
Ngập ngừng xe quay, run run in bóng dáng người.

Người chiến sĩ ầm gió rít mưa bay
Dấn mình trong khói súng
Chiến trường áo mong manh
Căm thù nuôi ấm thân
Quyết lấy máu pha tươi sắc cờ.

Chàng ra đi giữ miếng vườn này, giữ mái tranh này
Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay
Chiều nghe vang lá siết em run
Ngỡ tiếng ngỡ tiếng bước ai về.

Quay quay, thương nhớ quyến vào tơ
Quay quay, se áo rét dâng chàng
Rộn ràng tơ lướt tới người chiến sỹ yêu
Quay quay, thương nhớ quyến vào tơ
Quay quay, chăn ấm cuốn thân chàng
Mỗi một đường tơ là mối giây tình
Trong lòng em dâng người hiên ngang.

Nhịp xe quay vang trong tiếng gió đìu hiu
Mình tơ êm óng chuốt như nắng hanh vàng
Mùa lá trút sắp qua nhớ chàng, quay gấp bánh xe
Tơ vàng chắn lối gió đông
Cho người chiến sỹ đêm không lạnh lùng
Ơn lòng trai cứu nước
Gửi cùng áo ấm muôn vàn nhớ thương.

 

Chân dung nhạc sĩ Tử Phác. Bức hình còn được tìm thấy qua bạn bè đã xử lý đồ họa.

Từ ngày đổi mới, “Tiếng hát quay tơ” lần đầu tiên được hát trở lại. Cũng là bà Kim Ngọc khi xưa. Sau đó, câu lạc bộ nhạc tiền chiến, trữ tình mang tên “Ca khúc trữ tình” của nghệ sĩ violon Khắc Huề làm chỉ đạo nghệ thuật tại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, “Tiếng hát quay tơ” cũng hay được yêu cầu của thính giả. Mới gần đây thôi ở Sài Gòn, trong một cuộc tụ quần anh em, Dương Tường lại cao hứng: “Quay quay! Thương nhớ quyến vào tơ…”. Khoảnh khắc ấy, rất nhớ Tử Phác.

Nhạc sĩ, Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha