Được mệnh danh là Phù thuỷ trên sân khấu, tên tuổi Thành Lộc luôn được khán giả đón nhận, đồng nghiệp kính trọng. Hơn 30 năm sống làm việc với nhiều thay đổi, anh có quá nhiều kỷ niệm với Sài Gòn, từ thuở thiếu thời cho đến tận bây giờ. Qua chương trình Ký ức Sài Gòn, NSƯT Thành Lộc đã dành khá nhiều tâm sự của mình cho độc giả.
Tin, bài liên quan:
Thành Lộc – Người nghệ sĩ chân chính
Thành Lộc làm Hoàng đế trong phim Phượng Khấu
Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ cuối): Sáng tạo nhưng đừng quá đà!
Tuổi thơ trên đất Sài Gòn
Anh cho biết: “Tôi có quá nhiều cột mốc đáng nhớ về tuổi thơ, nhà tôi ở khu xóm nghèo, nhưng nằm sát một đại lộ lớn nhất Sài Thành. Hồi nhỏ tôi thích mặc bộ đồ bà ba màu trắng, tối đến tôi thích đứng sát cột đèn xanh, đèn đỏ ở ngã tư để có được cái cảm giác đèn màu vàng áp lên áo của mình, mà đèn vàng thì chỉ bật lên khoảng 3 – 5 giây, với tôi đó là khoảnh khắc mình thích nhất.
Cũng gần nhà tôi có con đường Đặng Thị Nhu, con đường này lạ lắm, chỉ xuất hiện chợ cá hấp từ giữa khuya đến 5 giờ sáng là dẹp chợ sạch sẽ. Sau đó từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối trở thành một khu bán sách, xem như con đường này trở thành hai khu ẩm thực và văn hoá tri thức.
Nhà tôi cũng ở sát trường học, khi tan trường, tôi thích nhất là đi ngang rạp hát để tận hưởng cái hơi máy lạnh từ trong rạp thổi ra, dù nhiều lần bị các anh gác rạp đuổi đi, nhưng tôi vẫn cứ thích nhích qua nhích lại để hưởng cái không khí lạnh.
Nhà tôi là gia đình truyền thống cải lương, nên ngày nào, đêm nào cũng được thấy các vị tiền bối hát tuồng, không khí nhộn nhịp ngay từ lúc các cô chú trang điểm rồi trình diễn. Từ đó hình thành cho mình lòng đam mê, nên bây giờ có một Thành Lộc nghệ sĩ thì theo tôi đó cũng là điều hết sức dĩ nhiên.
Với Ba tôi thì ông không đưa ra nguyên tắc nào với các con, cả nhà tôi ai cũng theo nghệ thuật hát bội, cải lương tuồng cổ, nhưng chỉ có tôi là theo kịch, điều này là do tôi chọn mà ba cũng không có cấm cản gì. Tôi diễn kịch từ lúc 8 tuổi trong ban kịch thiếu nhi Xuân Phát. Ông này là một danh hài nổi tiếng ở thời kỳ bấy giờ, ông chính là thân phụ của diễn viên Dustin Nguyễn, nên chúng tôi cũng rất thân nhau từ thuở nhỏ”.
Luôn là diễn viên… tiên phong
Ngày đất nước thống nhất, khi đoàn kịch Hà Nội và kịch Trung ương vào Sài Gòn biểu diễn, càng xem, tôi càng say mê môn thoại kịch này, tôi nghĩ đây là sở trường của tôi. Đến năm 1977 sau khi tham tham gia cuộc liên hoan Thiếu nhi trên thế giới tại Liên Xô cũ, tôi nhận được lời đề nghị từ Trường múa: Sẽ đào tạo tôi 11 năm để trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp, nhưng tôi vì quá háo hức nên quay lại TP.HCM để thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 để trở thành một Thành Lộc như bây giờ.
Dù gia đình có truyền thống ở môn nghệ thuật cải lương, nhưng tôi vẫn chuyển hẳn sang bộ môn kịch, vì thời điểm đó, ở cái tuổi thanh niên, tôi luôn trăn trở với sự lựa chọn: phải sống như thế nào, làm việc gì để mình được phát huy sở trường, cá tính của mình hiệu quả nhất, cho nên tôi chọn môn Kịch.
Từ sau năm 1975 kéo dài đến thập niên 1990, với tôi đó là một thời vàng son của sân khấu, khi có gần 100 đoàn nghệ thuật, cùng nhau xoay tua trình diễn khắp nơi, khán giả nơi nào cũng gần như nghẹt rạp, họ mê kịch và nghệ sĩ ghê gớm lắm.
Chúng tôi ra trường trở thành lớp nghệ sĩ đầu tiên sau 1975, được người xem háo hức. Tôi nhớ khi chúng tôi diễn vỡ đầu tiên “Đêm hoạ mi” ở trên tivi chứ không phải trên sân khấu, vở diễn tạo dấu ấn rất mạnh vì có một lớp thế hệ diễn viên trẻ mới như chúng tôi.
Vở thứ hai cách nhau vài tháng là vở kịch Những khoảnh cách còn lại, đây là lần đầu tiên trên truyền hình có vở kịch dài đến… hai tập, khiến khán giả say mê vô cùng, và sau vở diễn này chúng tôi trở thành những người nổi tiếng luôn.
Nhạy bén cùng thời điểm mới
Đến khi sân khấu được xã hội hoá, tôi về 5B hoạt động một thời gian tạo nên luồng sinh khí kịch từ sân khấu nhỏ. Sau đó, tôi cùng với người bạn Huỳnh Anh Tuấn hùn vốn tạo ra sân khấu Idecaf, và từ đây chúng tôi đã cho ra đời hàng loạt vở dành cho người lớn cũng như kịch dành cho thiếu nhi…
Chương trình “Ngày xửa ngày xưa”, công lớn nhất thuộc về Anh Tuấn vốn là một thầy giáo kiêm diễn viên múa rối, ngoài ra chúng tôi còn có đạo diễn Đoàn Khoa, người rất yêu trẻ con. Chúng tôi hợp tác với các nghệ sĩ thân quen tạo nên các chương trình múa rối sau đó là kịch: Chuyện thần tiên, Bạch Tuyết Bảy chú lùn… Khi được đài truyền hình đặt làm chương trình cho trẻ con với tên gọi Chuyện ngày xưa, chúng tôi quay hình được 10 số, ngày đó dù catse rất thấp nhưng tất cả nghệ sĩ chúng tôi đều chơi hết mình.
Khi quyết định chọn ngày 1/6 Quốc tế thiếu nhi phát sóng, anh Huỳnh Anh Tuấn tự đặt câu hỏi, sao mình không làm một chương trình lớn, diễn ngay ngày 1/6 luôn, và lúc đó chúng tôi quyết định lập nhóm diễn luôn ngoài sân khấu, và tất nhiên không được lấy tên Chuyện ngày xưa mà phải đổi tên thành: Ngày xửa ngày xưa…
Ba lần… tai nạn tưởng bỏ nghề
Lần đó tôi còn nhớ trong vở Tấm Cám, tôi đóng vai con Cám đang tung tăng trên sân khấu thì đạp nguyên cây đinh, nếu rút ra sẽ chảy máu, nên tôi đành chấp nhận diễn với cái chân cà thọt, bên dưới các em cười nắc nẻ vì cứ tưởng tôi đang diễn hài, nhưng thật ra tôi chỉ còn cách diễn đó để hợp với tình huống trên, không thể để máu chảy trên sân khấu thiếu nhi như thế. Dứt cảnh diễn, tôi băng tạm thời và phải diễn suốt cả buổi…
Cám trong "Tấm Cám" là một trong những vai diễn để đời của NSƯT Thành Lộc
Đến vở “Cậu bé rừng xanh” tôi bị một tai nạn té từ trên cao xuống đất khi đu dây, đây là tai nạn do chính mình say mê quá, vì mình là diễn viên kịch chứ đâu phải diễn viên xiếc, tai nạn này ảnh hưởng đến cột sống tôi trầm trọng.
Riêng vở Na Tra, lúc đó trẻ con mê chú Lộc 1, nhưng mê Na tra 10, vì thấy Na Tra phép lực thần thông quá trời. Sau mỗi lần diễn, tôi được các cháu chạy lên sân khấu ôm mình với cái lực của một cơn sóng thần, khiến Na tra ngã xuống cái rầm, lúc đó tôi thấy tới mấy ông trời, cứ tưởng mình sẽ không trở lại sân khấu được nữa. Và cũng từ sự hâm mộ này, chúng tôi đã có một tình huống mới ra đời ở ngay đoạn diễn đó: Na Tra phải theo thầy về trời tu học để tránh việc khán giả chạy lên ôm tôi chúc mừng!
Tâm đắc với nghề
Trong các tác phẩm của mình, Thành Lộc luôn tâm đắc nhất các vở kịch nói về lịch sử, trong đó có vở: Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử nói về bi kịch riêng tư của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, vở thứ ba là Tiên Nga đề tài cổ trang, xuất phát từ tác phẩm văn học nổi tiếng Lục Vân Tiên. Với anh, nghệ thuật luôn có sức hút mãnh liệt và sự khám phá luôn làm mình tận lực với tận vai diễn…
Nghệ sĩ Thành Lộc thể hiện vai cụ Đồ Chiểu trong "Tiên Nga"
Hỏi anh tiếc nhất điều gì sau ngần ấy thời gian hoạt động, anh bảo: “Tiếc nuối nhất là tuổi xuân vì càng thêm tuổi là lúc sức khoẻ của mình cũng ảnh hưởng theo, mỗi lần diễn là mỗi lần chúng tôi được trẻ lại rất nhiều. Trong hậu trường của sân khấu “Ngày xửa ngày xưa” bao giờ cũng rất là vui. Tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì tới bây giờ chúng tôi vẫn còn được làm nghề mình yêu thích, được khán giả, nhất là khán giả Sài Gòn đến rạp xem. Đi xem kịch trực tiếp là thói quen thưởng thức một cách sành điệu nhất và đối với anh em nghệ sĩ chúng tôi đó là hạnh phúc lớn nhất”.