Duyên Dáng Việt Nam

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ cuối): Sáng tạo nhưng đừng quá đà!

Tuấn Tuấn • 27-05-2020 • Lượt xem: 1059
Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ cuối): Sáng tạo nhưng đừng quá đà!

Không phủ nhận việc các nhà làm phim tại Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều trong việc mang màu sắc dân gian đến gần với công chúng thông qua các bộ phim điện ảnh. Mặt khác, cũng cần chú ý nhiều hơn trong khâu thực hiện, tiền kỳ lẫn hậu kỳ.

Tin liên quan:

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (Kỳ 3): Lĩnh vực điện ảnh cũng 'khởi nghĩa'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ cuối): Sáng tạo nhưng đừng quá đà!

Trong những năm gần đây, liên tiếp xuất hiện nhiều bộ phim và dự án điện ảnh tận dụng các giai thoại lịch sử và cổ tích để khai thác. Đây là một tín hiệu tốt khi “đặc sản” của đất nước được đưa lên màn ảnh rộng phổ biến rộng rãi đối với công chúng. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào dấy lên sự lo ngại về mặt chất lượng khi số lượng phim ngày một tăng nhưng thành công thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặt khác, nhiều phim chỉ dựa trên cốt truyện cũ mà không hề có bất kỳ sự tìm tòi, nghiên cứu đã khiến khán giả có tâm lý “e ngại” cũng như lòng tin của họ bị phản bội khi đã sẵn sàng bỏ thời gian chờ đợi.

“Cuộc chiến với chằn tinh” (cố đạo diễn Hải Âu) là bộ phim được dựa theo câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh” đã được công chúng rất mong chờ và đón nhận kể từ khi dự án phim được khởi động. Thứ nhất, phim là một trong số những bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt tận dụng yếu tố dân gian làm nền tảng. Thứ hai, kỹ xảo 3D sẽ được sử dụng do chính ekip Việt Nam thực hiện. Cuối cùng, “Cuộc chiến với chằn tinh” sẽ đưa góc nhìn mới mẻ không rập khuôn mà sẽ có những yếu tố mới được bổ sung nhưng vẫn đảm bảo đúng với tinh thần của nguyên tác và đậm chất sử thi. 

Trái ngược hoàn toàn với những hứa hẹn ban đầu, bộ phim nhận lấy sự thất bại dẫn đến việc thua lỗ nặng nề sau lần công chiếu đầu tiên. Có rất nhiều lý do được đưa ra như thời điểm ra mắt không thích hợp khi chọn dịp Tết Nguyên Đán để trình chiếu. Nhưng đó không hẳn là nguyên nhân góp phần đưa bộ phim đi đến sự thất bại. 


“Cuộc chiến với chằn tinh” không đủ hấp dẫn như những hứa hẹn ban đầu.

Phân tích từng điểm một có thể thấy khả năng diễn xuất của dàn diễn viên chính chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người xem. Hiếu Nguyễn sở hữu một ngoại hình cường tráng, vạm vỡ rất phù hợp với tạo hình nhân vật Thạch Sanh nhưng anh đôi lúc chưa thể hiện đúng được tâm lý của nhân vật. Dương Cẩm Lynh là một diễn viên dày dặc kinh nghiệm ở các bộ phim truyền hình nhưng với vai diễn công chúa Quỳnh Nga đã khiến nhiều người thất vọng bằng nét diễn xuất tình cảm hiện đại không mấy phù hợp. 

Ngoài ra, phần phục trang và tạo hình của các nhân vật của bộ phim cũng không được đánh giá cao khi chưa thực sự đẹp mắt, có phần hơi rườm rà. Kịch bản phim nửa về sau dài dòng lê thê tạo cảm giác khá nhàm chán. Điều được mọi người mong chờ nhất là phần kỹ xảo 3D cũng gây nên sự hụt hẫng không kém. Sự lộn xộn, không mấy chỉn chu cùng tay nghề còn non kém được thể hiện rõ ràng nhất trong các phân cảnh hành động của bộ phim mặc cho sự nỗ lực rất nhiều của cả một ekip. Có thể nói, quãng thời gian 3 năm khán giả chờ đợi “Cuộc chiến với chằn tinh” được ra mắt đã hoàn toàn uổng phí.


Dù đảm nhận tuyến nhân vật chính nhưng Hiếu Nguyễn và Dương Cẩm Lynh không mấy nổi bật so với các nhân vật còn lại.

Bom tấn phim điện ảnh trong năm 2016, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân cũng không tránh khỏi những làn sóng tranh cãi trái chiều của dư luận. Cụ thể những chi tiết “ngoại truyện” của bộ phim được cho là khá nhạt nhòa và cách xử lý còn thiếu tinh tế. Việc hình tượng hóa hình ảnh của Thái tử và Thừa tướng thành hai con quái vật qua trận giao chiến ở cuối bộ phim chưa mấy thuyết phục gần như làm hỏng mạch nội dung mà bộ phim đã xây dựng ngay từ đầu. Bên cạnh đó, Hạ Vi và Isaac là hai nhân vật trong tuyến chính của bộ phim lại khoác lên mình chiếc áo quá rộng với những chuyển biến diễn xuất trong tâm lý cùng biểu cảm chưa thực sự thể hiện rõ nét nhất nhân vật của mình.


“Cô Tấm” Hạ Vi nhận nhiều phản hồi tiêu cực vì khả năng diễn xuất còn non nớt của mình. 

Bộ phim “Trạng Quỳnh” (đạo diễn Đức Thịnh) mang về khoản lợi nhuận to lớn lên đến trăm tỷ cũng là một dấu chấm hỏi rất lớn trong lòng người hâm mộ. Ngoài đánh tiếng là một dự án về giai thoại nhân vật Trạng Quỳnh trong dân gian cùng dàn diễn viên thu hút truyền thông lẫn công chúng nhưng về mặt chất lượng bộ phim được đánh giá là “thảm họa”.

"Nỗi buồn điện ảnh đầu năm 2019" gọi tên bộ phim "Trạng Quỳnh" với phần cốt truyện rời rạc, thiếu logic, có phần chắp vá. Vai chính do diễn viên, người mẫu Quốc Anh đảm nhận với kinh nghiệm còn non trẻ anh mang đến một màu sắc “đơ toàn tập” không thể hiện được sự thông minh, lém lĩnh vốn có của Trạng Quỳnh. Sự xuất hiện của Trấn Thành và Nhã Phương cũng không vớt vát lại điểm cộng cho bộ phim. Khi vẫn là một Nhã Phương với nét u sầu thường thấy và một Trấn Thành hài hước nhưng có phần hơi quá “lố”. Chính những điểm này đẩy “Trạng Quỳnh” tuy thành công về mặt doanh thu nhưng vẫn là một trường hợp ăn may của điện ảnh Việt. Điểm cộng duy nhất chỉ là cách phát hiện đề tài mới mẻ cùng sự đầu chỉn chu trong bối cảnh, trang phục lẫn cách thiết kế poster.


Không thành công về mặt nội dung nhưng “Trạng Quỳnh” vẫn cán mốc doanh thu trăm tỷ khiến nhiều người bất ngờ.

Gần đây nhất, dự án web-dramma “Phượng khấu” (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) cũng nhận được nhiều sự chú ý từ những ngày đầu tiên. Dự án này hứa hẹn sẽ mang đến một bộ phim về đề tài cung đấu đậm chất Việt Nam khi xoay quanh những bí mật “thâm cung bí sử” dưới thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn. 

Trái ngược hoàn toàn với sự kỳ vọng của khán giả, “Phượng khấu” ra mắt cùng một câu chuyện có phần lỏng lẽo, dài lê thê thậm chí nhiều người còn có cảm giác đang xem một vở kịch khi nét diễn sân khấu được thể hiện quá nhiều. Ngoài ra, việc quá tham lam trong các phân cảnh đặc tả tâm trạng của nhân vật được khai thác quá nhiều qua những cảnh cận khiến bộ phim dẫn đến tình trạng nghèo nàn góc máy. Bên cạnh đó, hàng loạt scandal xảy ra không biết vô tình hay cố ý từ khi dự án khởi động cho đến khi phim ra mắt đã kéo theo sự ngán ngẩm của khán giả.


Diễn viên Như Phượng tố cáo nhà sản xuất phim “Phượng khấu” quỵt cát-xê và việc mua bán vai diễn với 300 triệu đồng.

Dù đã trải qua hơn một năm nhưng một lần nữa bộ phim “Trạng Quỳnh” (đạo diễn Đức Thịnh) vẫn là đề tài được đem ra bàn tán sau sự phát hiện của NSƯT Thành Lộc. Cụ thể sau khi dành thời gian xem lại bộ phim, anh tìm được chi tiết mắc lỗi có phần “cẩu thả” nằm ở việc nhân vật Điềm của Nhã Phương đã đặt đàn tranh sai tư thế và gảy đàn bằng tay trái. Anh viết trên trang cá nhân như sau: “Không nghĩ là thời xưa người ta có thiết kế đàn tranh dành cho người thuận tay trái”. Chính lỗi sai này đã dấy lên sự chỉ trích không chỉ dành cho Nhã Phương mà còn cả ekip làm phim. 


Phân cảnh mang tính phát hiện của NSƯT Thành Lộc dành cho bộ phim “Trạng Quỳnh” về sự tắc trách của đạo diễn lẫn diễn viên.

Trả lời bình luận của một số người hâm mộ, NSƯT Thành Lộc cũng bày tỏ thêm quan điểm của mình: “Cả đoàn phim không có ai phát hiện là cây đàn tranh bị ngược hết! Xem mà giật mình luôn, phim điện ảnh đó! Đã là phim ảnh thì lỗi nặng hơn thuộc về đạo diễn và chính người diễn viên đã quá tắc trách với kỹ năng của mình!

Đã làm diễn viên phải đi học phong cách liền, làm nghề chuyên nghiệp là phải như vậy, không cần phải hay như thầy đàn thiệt, chỉ cần biết làm cho đúng, đó là nghề diễn mà! Phim thương mại là vậy, diễn viên đâu có thời gian để nghiên cứu thêm kỹ năng!. Coi tới đó thôi là bực quá tắt luôn!”. Trước quan điểm này của NSƯT Thành Lộc, số đông khán giả cũng thể hiện sự đồng tình với anh. 


Bản tính vốn thẳng thắn cùng sự cầu toàn trong nghệ thuật, NSƯT Thành Lộc bày tỏ quan điểm được nhiều người đồng tình và ủng hộ.

Ngày nay, trào lưu làm phim dựa theo các giai thoại lịch sử, dân gian và cổ tích đã mở ra một hướng đi mới cho các nhà làm phim. Một mặt đây là một giải pháp giúp các vị đạo diễn trong việc đuối đề tài làm phim. Mặt khác, nếu không đầu tư bài bản và chỉn chu trong từng phần nhỏ sẽ khiến bộ phim dần đánh mất giá trị và thất bại là điều dĩ nhiên.

Tuy nhiên, đa phần hiện nay các bộ phim chỉ đề cao tính thương mại đặt lên hàng đầu làm sao để nhanh chóng bán được vé mà quên rằng sự sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nghệ thuật và cốt truyện quen thuộc mới là giá trị đích thực của trào lưu này. Đặc biệt, văn hóa “vạch lá tìm sâu” của khán giả giờ đây là một quyền lực rất lớn ảnh hưởng đến sự thành công của cả một bộ phim. Họ không chỉ am hiểu sâu sắc về nguồn gốc của các văn hóa này mà còn có đôi mắt tinh tường để nhận ra và phát hiện những chi tiết bất hợp lý khi xem phim. Nếu các nhà làm phim cứ mãi vô tư như thế này thì việc bộ phim nhận gạch đá từ phía dư luận cũng là một điều dễ hiểu.

Để góp phần đưa màu sắc dân gian không chỉ dừng lại là một giải pháp chữa cháy tạm thời mà còn là một hướng đi dài hơi trong nhiều năm tiếp theo đòi hỏi các nhà sản xuất lẫn đạo diễn phải chú ý nhiều hơn nữa về mọi mặt. Ngoài sự sáng tạo, chỉn chu trong khâu kịch bản cũng như dàn diễn viên chủ lực thì những thành phần khác như trang phục, bối cảnh, vật dùng, đồ dùng,… cũng cần được quan tâm và để ý đến nhiều hơn nữa. Chính điều này sẽ đẩy mạnh các sản phẩm mang màu sắc văn hóa dân gian đến gần với đại đa số công chúng cùng nhiều lứa tuổi khác nhau. Không những thành công về mặt doanh thu mà vẫn bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Và điều cuối cùng khép lại chuyến hành trình tìm về cội nguồn là một ước mơ lớn lao rất ý nghĩa đối với nền điện ảnh nước nhà mà bất kỳ ai cũng mong muốn. Đó chính là những sản phẩm cộp mác Việt Nam sẽ tự tin vươn ra xa tại thị trường quốc tế. Không chỉ được nhìn nhận, đánh giá cao mà còn sánh ngang với các sản phẩm của nước bạn. Nếu nghĩ đến điều này, không gì khác ngoài việc chúng ta hãy nghiêm túc đầu tư, thực hiện, nói ít nhưng làm nhiều.