Duyên Dáng Việt Nam

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Bùi Tuấn • 11-05-2020 • Lượt xem: 1815
Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Trong năm vừa qua các ca khúc như: “Anh ơi ở lại”, “Để Mị nói cho mà nghe”, “Hết thương cạn nhớ”,… đều là những hit khủng “ăn nên làm ra” cho các nghệ sĩ đều có điểm chung chính là mang màu sắc dân gian.

Tin liên quan:

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (Kỳ 3): Lĩnh vực điện ảnh cũng 'khởi nghĩa'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ cuối): Sáng tạo nhưng đừng quá đà!

Đặc điểm chung tạo nên sự thành công cho các sản phẩm này nằm ở yếu tố sử dụng các điển tích văn học dân gian làm màu sắc chủ đạo. Tưởng chừng như điều này chỉ có trong sách vở nhưng nay nó đã được các nghệ sĩ trẻ hiện thực hóa qua sản phẩm âm nhạc của mình.

Những bước đi âm thầm đầu tiên

Những năm trước đây, các sản phẩm âm nhạc V-pop thường vay mượn các nét văn hóa của các nền công nghiệp giải trí như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ… và cho ra đời một loạt sản phẩm tương tự nhau, không có nhiều màu sắc riêng biệt khiến khán giả vô cùng ngán ngẩm. Nhưng tình hình này đã dần được cải thiện khi trong một năm vừa qua thị trường nhạc Việt đã chứng kiến một cuộc đổ bộ của hàng loạt “bom tấn” mang màu sắc thuần Việt được khai thác trong các sản phẩm âm nhạc. 

Những sản phẩm này như thổi một làn gió mới giữa muôn trùng các sản phẩm âm nhạc đầy tính dramma xoay quanh các chuyện tình đã dần đi vào ngõ cụt. Tưởng chừng như đây là một trào lưu mới nhưng thực chất đã có một cuộc cách mạng ngấm ngầm đi đầu từ lâu mà khán giả ít ai để ý đến.

Mở đầu cho công cuộc đưa nền văn hóa Việt Nam vào trong âm nhạc là sự mạo hiểm của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Đến với sân chơi “The remix – Hòa âm và ánh sáng 2016”, tại đêm thi chủ đề "World music" cô đã mang đến một ca khúc hoàn toàn mới toanh với tựa đề rất văn học “Bánh trôi nước”. Sở dĩ bài hát có tựa đề này là do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã sử dụng bài thơ “Bánh trôi nước” của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương để phổ nhạc. Bài hát chỉ vọn vẹn 4 câu như trong bài thơ nhưng lại mang đến hiệu ứng bất ngờ cho nữ ca sĩ. Sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc điện tử cùng toàn bộ những áng thơ từ “Bánh trôi nước” đã trở thành một gia vị độc đáo cho chương trình. Ca khúc này còn giúp Hoàng Thùy Linh dần thoát khỏi những màn vũ đạo đã đi vào khuôn khổ mà thay vào đó là phần trình diễn kết hợp múa mang tính dân gian đương đại đầy thu hút.


“Bánh trôi nước” là một trong những tiết mục trình diễn đặc sắc nhất của chương trình “The Remix – Hòa âm và ánh sáng 2016” giúp Hoàng Thùy Linh ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Sau đêm thi này, từ khóa Hoàng Thùy Linh cùng “Bánh trôi nước” được đông đảo khán giả tìm kiếm và nhắc đến rất nhiều trên mạng xã hội. Nhưng phải đến 8 tháng sau, Hoàng Thùy Linh mới chính thức ra mắt sản phẩm này bằng một MV với độ đầu tư hoành tráng được quay tại các danh lam thắng cảnh của Việt Nam và rất tiếc độ hot của “Bánh trôi nước” phần nào đã sụt giảm đáng kể.

Bộ phim bom tấn của điện ảnh Việt Nam, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng mang đến ca khúc nhạc phim “Bống bống bang bang” do nhóm 365 thể hiện. Ca khúc này được nhạc sĩ Only C sáng tác dựa trên câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” cũng chính là nguồn cảm hứng của bộ phim. 

Với giai điệu sôi động, lời bài hát giàu chất cổ tích, vũ đạo dễ thuộc đã giúp “Bống bống bang bang” không chỉ được người lớn yêu thích mà đến cả trẻ em cũng say sưa hát theo. Đây cũng là một trong những sản phẩm thành công mạnh mẽ nhờ sử dụng truyện cổ tích Việt Nam làm nội dung bài hát. MV cho “Bống bống bang bang” cũng là một trong số ít các MV của V-pop có con số người xem vượt mốc 400 triệu người cho đến thời điểm hiện tại.


Vượt qua khuôn khổ của một ca khúc nhạc phim, “Bống bống bang bang” được xem như là một ca khúc quốc dân khi người người, nhà nhà đều nghe và thuộc nằm lòng.

Trong năm 2016, chương trình “Sing my song – Bài hát hay nhất” bắt đầu ra mắt công chúng tại Việt Nam. Ngoài là nơi các tác giả trẻ mang đến những sáng tác mới nhất của mình thì chương trình còn giúp các tài năng trẻ được “bung lụa” hết những ý tưởng sáng tạo, khai thác những góc nhìn mới mẻ trong âm nhạc. Một lần nữa, yếu tố dân gian của văn hóa Việt Nam đã được các nhạc sĩ biến hóa không ngừng qua tư duy mới mẻ của người trẻ hiện nay.

Xuất hiện tại vòng “Ghi âm” của chương trình, thí sinh Bùi Hoàng Nam Đức Anh mang đến một sáng tác mang tên “Thủy thần”. Ca khúc này được anh lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh” của truyện cổ tích Việt Nam. Với góc nhìn đầy mới mẻ, Bùi Hoàng Nam Đức Anh đã mang đến một bài hát nói về mối tình đơn phương đầy sự dằn vặt khi đặt mình vào vị trí của Thủy Tinh. Tiết mục này đã khiến các vị huấn luyện viên tỏ ra rất thích thú, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận xét: “Cách Đức Anh viết bài về phần ý tưởng rất là hay. Tôi thích những bài hát tôn vinh giá trị văn hóa của Việt Nam”.


Bùi Hoàng Nam Đức Anh trên sân khấu “Sing my song – Bài hát hay nhất”.

Không dừng lại, “Sing my song – Bài hát hay nhất” còn tiếp tục chiêu đãi người hâm mộ bằng hai ca khúc khác hay không kém cũng được các nhạc sĩ khai thác về đề tài này. Đó là “Kiều” của Cao Bá Hưng và “Chí Phèo” của Bùi Công Nam. Chỉ với vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ tại vòng “Trại sáng tác” nhưng hai nhạc sĩ trẻ đã mang đến nhiều điều lý thú cho khán giả nghe nhạc.

Cuộc đời của nàng Kiều trong tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Du như được sống lại khi được Cao Bá Hưng sử dụng xuyên suốt trong ca khúc “Kiều”: “Tấm thân kia nào giờ có riêng Kim Trọng. Xót thương thay từng ngày mua vui tiếng hát”. Ca khúc mang đậm màu sắc dân gian cùng sự kết hợp của âm nhạc điện tử đã góp phần thổi một hơi thở mới cho linh hồn của bài hát.


Đến với “Sing my song – Bài hát hay nhất”, Cao Bá Hưng mang đến ca khúc đậm chất văn học “Kiều”.

Không kém cạnh Cao Bá Hưng, Bùi Công Nam cũng sử dụng hình tượng nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nam Cao. Ca khúc “Chí Phèo” được Bùi Công Nam khắc họa một hình ảnh mới mẻ của nhân vật này. Không còn là nỗi lo sợ của làng Vũ Đại, Chí Phèo giờ đây là một chàng trai đang say men tình nàng Thị Nợ trót quên thân mình cùng một phút thăng hoa cho đời lung linh. Những ca từ đầy dí dỏm cùng cách xử lý nhẹ nhàng, duyên dáng với chất nhạc đồng quê đã giúp ca khúc “Chí Phèo” của Bùi Công Nam ghi điểm trong mắt khán giả.


Bùi Công Nam là gương mặt trẻ nhưng lại gây nhiều bất ngờ khi sáng tác những ca khúc mang đậm màu sắc văn học Việt Nam tại “Sing my song – Bài hát hay nhất”.

Có thể thấy việc sử dụng các điển tích văn học trong sáng tác âm nhạc không phải là một điều dễ dàng. Ngay cả những nhạc sĩ tên tuổi họ cũng khá dè chừng khi đưa thể loại này vào trong âm nhạc. Trái lại, ngày nay những tài năng trẻ họ lại rất thích thú với đề tài này. Nếu Hoàng Thùy Linh cùng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh là những người đi đầu trong xu hướng trên thì “Sing my song – Bài hát hay nhất” lại chính là cái nôi ươm mầm những giá trị dân gian và văn học Việt Nam vào trong sáng tác. Cả hai dòng chảy giữa quá khứ và hiện tại được đan xen vào nhau, tạo thành một món ăn mới lạ, hấp dẫn và lôi cuốn đông đảo công chúng đến gần hơn với các giá trị truyền thông trong nền văn hóa lâu đời của người Việt.

2019 – Một năm nhìn lại màu sắc văn hóa ngập tràn

Liên tiếp những điểm sáng được mở ra về một một nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng trong âm nhạc nhưng nếu không có sự duy trì thì chắc hẳn sẽ “chết yểu” là điều dĩ nhiên. Thật vậy, sau những sáng tác đậm chất văn học từ “Bánh trôi nước” đến “Kiều” hay “Chí Phèo” thì V-pop cũng không còn bất kỳ sản phẩm nào tiếp nối những giá trị tinh túy này. Mọi người dần quay lại với công thức chất nhạc ballad, MV ngôn tính hơi hướng dramma cứ thế vận hành trong suốt nhiều năm liền.

Sau một thời gian dài ngủ đông, Chi Pu là người đã khởi xướng trào lưu này một lần nữa sống lại trong sản phẩm âm nhạc “Anh ơi ở lại”. Quen thuộc với khán giả qua các ca khúc mang đậm màu sắc K-pop, lần trở lại cùng “Anh ơi ở lại” cô chuyển hướng sang dòng nhạc ballad thay vì những ca khúc sôi động có tiết tấu nhanh như những sản phẩm trước. MV cho ca khúc được mượn ý tưởng từ câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” nhưng được Chi Pu khai thác ở một phương diện khác xa so với nguyên tác. Thay vì nhân vật Tấm, nữ ca sĩ hóa thân thành Cám, một cô gái chỉ là người thế thân nhưng tình yêu cô dành cho vị hoàng thượng hoàn toàn là chân thật. 

MV tập trung lột tả sâu về nhân vật Cám để khán giả thấy rằng Cám không phải là người ác ngay từ ban đầu mà chính vì sự mù quáng trong tình yêu đã đánh mất đi bản tính lương thiện vốn có của cô. Cô bấp chấp tất cả để có người mình yêu nhưng có lẽ tình yêu mà Cám dành cho vị vua đã được đặt sai chỗ. Ca khúc “Anh ơi ở lại” của Chi Pu cũng chiếm trọn trái tim của người nghe khi lời bài hát rất xác thực với MV: “Vì sợ cô đơn nên em mặc kệ đúng sai. Mặc kệ anh có đưa đôi bàn tay ấm áp cho ai”. Cám giờ đây không chỉ được Chi Pu minh oan mà còn là tiểu tam đáng thương nhất trong cuộc tình tay ba đầy trái ngang. 

“Anh ơi ở lại” cùng câu chuyện “Tấm Cám” đã mang về thành công vang dội cho Chi Pu khi sản phẩm này công phá nhiều bảng xếp hạng âm nhạc với lượt tương tác đến con số hàng triệu. Không những vậy, sản phẩm này còn giúp Chi Pu là nữ nghệ sĩ V-pop đầu tiên có MV đạt 700 nghìn lượt yêu thích trên YouTube và giữ vị trí top 1 trending 11 ngày liền. 


Chi Pu mang đến câu chuyện “Tấm Cám” cùng hình ảnh người phụ nữ Bắc Bộ trong MV “Anh ơi ở lại” tạo nên tiếng vang cho nữ ca sĩ.

Trở lại đường đua V-pop, nữ ca sĩ “Bánh trôi nước” ngày nào có màn tái xuất cùng sản phẩm “Để Mị nói cho mà nghe”. Một ca khúc với tựa đề gợi nhớ đến cô Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài được chắp bút bởi bộ ba tác giả trẻ nhóm DTAP. Vẫn là giai điệu EDM quen thuộc nhưng đã được pha trộn bởi chất nhạc dân gian ngũ cung kết hợp âm hưởng nhạc cụ truyền thống của vùng núi Tây Bắc góp phần tăng thêm sự thú vị và tươi mới cho bài hát. 


Hoàng Thùy Linh cùng “Để Mị nói cho mà nghe” khuynh đảo mùa hè V-pop trong năm 2019.

Ý tưởng của MV là một điểm sáng của ca khúc này khi Hoàng Thùy Linh mang cả một vũ trụ văn học hòa chung thành một. Khi xem khán giả dễ dàng nhận ra những gương mặt thân quen bước ra từ trong các tác phẩm văn học như nàng Mị (Vợ chồng A Phủ), anh Tràng (Vợ nhặt), Chí Phèo và Thị Nở (Chí Phèo), lão Hạc và cậu Vàng (Lão Hạc), chị Dậu (Tắt đèn), … mang đậm màu sắc văn học Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Hoàng Thùy Linh còn tinh tế khi cập nhật các trào lưu và hiện tượng trong đời sống hiện nay như Thị Nở nấu nồi cháo hành siêu to khổng lồ, tên tham quan cầm hai tờ tiền đại diện cho 200 ngàn gây ồn ào một thời gian, … Việc sử dụng quá nhiều nhân vật văn học trong một MV lại không gây trở ngại cho Hoàng Thùy Linh khi cô hướng tất cả đến với một cuộc đời mới mẻ, tích cực hơn bằng tấm thẻ “Ngữ văn party” cùng hội ngộ nhau ở cảnh kết. 

“Để Mị nói cho mà nghe” còn giúp Hoàng Thùy Linh vực dậy sự nghiệp của bản thân sau một loạt những sản phẩm chất lượng nhưng không thu hút khán giả. Nhận thấy rõ nhất nằm ở con số lượt xem khi MV bất ngờ vượt mốc 100 triệu lượt xem và hơn 900 ngàn lượt thích chỉ sau một thời gian ngắn. Đây cũng chính là sản phẩm thành công nhất của cô từ trước đến nay.

Không ngủ quên trên chiến thắng, Hoàng Thùy Linh tiếp tục ra mắt “Tứ phủ” một sự kết hợp trở lại cùng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Ca khúc này được phổ nhạc theo thơ của Ngân Vi và sử dụng đề tài “Tín ngưỡng thờ Mẫu” để khai thác. “Tín ngưỡng thờ Mẫu” là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt và đã được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Phi Vật thể”. Hoàng Thùy Linh tiếp tục là người đi đầu trong việc lấy cảm hứng tâm linh của “Tứ phủ” làm màu sắc chủ đạo trong âm nhạc. 

Nói về nghĩa của “Tứ phủ” là bao gồm: Thiên phủ, địa phủ, thoải phủ, nhạc phủ tương ứng với 4 miền lần lượt là trời, đất, nước, rừng. Đi cùng “Tín ngưỡng thờ Mẫu” là nghi thức hầu đồng, sẽ có một nhân vật trung gian làm người kết nối với thế giới bên kia cùng các vị thần thánh để con người có thể cầu xin những ý nguyện và những dự báo cho tương lai. Vận dụng điều này, trong MV “Tứ phủ” Hoàng Thùy Linh trở thành một cô hầu đồng với trang phục lẫn phụ kiện đều có tông màu trắng. Dàn vũ công phụ họa cho cô cũng diện áo dài với màu sắc tương tự. Theo Hoàng Thùy Linh, nhân vật mà cô muốn nhắc đến là “Cô Bơ” – Một vị thánh nổi tiếng thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô. Lại một lần nữa, nữ ca sĩ tiếp tục đưa chất liệu văn hóa cổ truyền vào âm nhạc nhưng trong đó là một hơi thở rất hiện đại để truyền tải giá trị tốt nhất đến cho khán giả.


“Tứ phủ” – Một trong những sản phẩm độc đáo về mặt ý tưởng của Hoàng Thùy Linh khi lấy “Tín ngưỡng thờ Mẫu” làm nguồn cảm hứng.

Mới đây nhất, Hoàng Thùy Linh ra mắt MV cho ca khúc “Kẻ cắp gặp bà già” được trích từ album vol.3 “Hoàng” của cô. Nhưng điều khiến người ta thích thú nhất khi cô đã sử dụng các bức tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ như “Đám cưới chuột”, “Vợ chồng Ngâu”, “Thúy Kiều gặp Kim Trọng”, “Mẫu thượng ngàn”, “Cá chép vượt vũ môn” xâu chuỗi lại kết nối thành một câu chuyện được gói gọn qua ván cờ Gánh.

Sản phẩm này cũng được lấy ý tưởng từ thời nhà Lê, triều đại khởi nguồn cho các nền văn hóa đặc trưng của dân tộc. Vào thời gian này, bộ luật Hồng Đức được ra đời kèm theo đó là những đặc quyền công bằng hơn dành cho phụ nữ. Đây cũng chính là thông điệp mà cô muốn gửi gắm đến khán giả khi các sản phẩm luôn đề cập đến nữ quyền từ “Bánh trôi nước” cho đến “Kẻ cắp gặp bà già”.


“Kẻ cắp gặp bà già” tiếp tục giữ vững phong độ cho những sản phẩm mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam của Hoàng Thùy Linh.

Là một thí sinh bước ra từ chương trình “Sing my song – Bài hát hay nhất”, Bùi Lan Hương mang đến sản phẩm âm nhạc “Mặt trăng” sau hơn 6 tháng cô im hơi lặng tiếng. Vẫn là chất nhạc Dream-pop đặc trưng của “nữ hoàng ma mị” Bùi Lan Hương nhưng chính câu chuyện “Trái tim lầm chỗ để lên đầu” đã thực sự thu hút khán giả.

MV cho ca khúc đã sử dụng truyền thuyết “Trọng Thủy – Mị Châu” làm cốt truyện chính với hình ảnh hai con ngựa chạy đuổi theo nhau, lông ngỗng rơi ra từ tay cô gái,... Lời bài hát cũng chính là tâm sự của nàng Mị Châu với những nỗi đau dằng xe tâm can: “Em đã lỡ yêu người không thương em. Em đã muốn những điều quá xa”. Ca khúc cũng được Bùi Lan Hương viết hai phần lời khác nhau ở đoạn điệp khúc khác xa hoàn toàn so với kết cấu của những ca khúc khác. Sự sáng tạo này cũng nhận về rất nhiều lời khen bên cạnh sự đầu tư bài bản, cốt truyện sáng tạo mang đậm tính sử ca và chất điện ảnh.


“Mặt trăng” giúp “nữ hoàng ma mị” Bùi Lan Hương có phần trở lại đầy ấn tượng.

Không nằm ngoài cuộc chơi của những nữ nghệ sĩ, nam ca sĩ Đức Phúc nhanh chóng ra mắt “Hết thương cạn nhớ” cùng MV được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Không đi sâu khai thác vào mối tình Chí Phèo và Thị Nở, Đức Phúc cùng ekip sáng tạo hẳn một phần ngoại truyện mà nhân vật chính trong đó là Lý Cường.

Con trai của Bá Kiến trót phải lòng Thị Nở vì trong tuổi thơ Thị Nở đã từng cứu anh khỏi sự bắt nạt của bạn bè. Nhưng khổ nỗi cô gái ấy chỉ một lòng một dạ dành tình cảm cho Chí Phèo. Còn Lý Cường thì luôn luôn âm thầm giúp đỡ Thị Nở và tình yêu của anh mãi mãi cũng chỉ là một mối tình đơn phương tuyệt vọng không được hồi đáp. Với sự phá cách mới mẻ nhưng không hề mất đi giá trị của tác phẩm, Đức Phúc đã mạnh tay chơi lớn khi mời các tên tuổi nổi tiếng góp mặt trong sản phẩm của mình. Đó là “Chí Phèo” Kiều Minh Tuấn, “Thị Nở” hoa hậu Đỗ Mỹ Linh và “Bá Kiến” NSND Hoàng Dũng. Đặc biệt, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh còn trở thành phiên bản Thị Nở đẹp nhất khi cô dù có hóa trang xấu đến đâu thì người xem vẫn cảm thấy xinh đẹp. Sản phẩm này tiếp tục là một hit lớn trong sự nghiệp của Đức Phúc khi chỉ mất 2 ngày để đứng đầu top 1 Trending YouTube và lượt xem hiện tại đã vượt qua con số 70 triệu cùng hơn 500 ngàn lượt yêu thích.


“Hết thương cạn nhớ” là một phần ngoại truyện đặc sắc của tác phẩm văn học “Chí Phèo” được Đức Phúc cho ra mắt trong năm vừa qua.

Chốt sổ năm 2019, Jun Phạm bất ngờ trở lại cùng MV “Đây là một bài hát vui”, một sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng. Ca khúc mang màu sắc pop-dance với tiết tấu nhanh, sôi động cùng ca từ dí dỏm khi câu hát “Đây là một bài hát vui” được lặp lại nhiều lần. 

Phần MV cho ca khúc được thực hiện dựa trên tiểu thuyết văn học “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Jun Phạm cũng là người đảm nhận nhân vật chính Xuân tóc đỏ. Ngoài Xuân tóc đỏ, khán giả còn được gặp lại bà Phó Đoan, cô Tuyết, cô Hoàng Hôn, cậu Tú Tân, … cũng là những nhân vật trong “Số đỏ”. Nội dung MV cũng bám sát vào tác phẩm nhưng được hiện thực hóa bằng phong cách trào phúng, hài hước, nhẹ nhàng với những thông điệp tích cực đến cho người xem. 

“Đây là một bài hát vui” còn sở hữu dàn cameo khủng khi hàng loạt người nổi tiếng được mời tham gia xuất hiện trong MV như: NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Xuân Hương, Nam Thư, Nam Em, Ngô Kiến Huy, BB Trần,… Theo như tiết lộ từ phía Jun Phạm, anh đã chi đến 2 tỷ đồng để thực hiện sản phẩm này với mong muốn mang đến một sản phẩm mới lạ giữa thị trường nhạc Việt hiện nay.


Jun Phạm có sự bứt phá trong âm nhạc với sản phẩm “Đây là một bài hát vui” với phần ý tượng MV dựa trên tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Trào lưu đưa chất liệu dân gian vào các sản phẩm âm nhạc đã trở nên vô cùng mạnh mẽ trong một năm vừa qua. Tuy đây là một hướng đi mới giúp người nghệ sĩ đưa các sản phẩm của mình trở nên nổi bật và được nhiều người chú ý hơn song lại mang nhiều rủi ro nếu không biết cách khai thác đúng đắn. 

Dẫu vậy đây được xem là một bước đi thông minh đầy sự khôn ngoan nhằm giúp thị trường nhạc Việt thoát khỏi lối mòn của việc “sính ngoại” và đẩy sự sáng tạo trong âm nhạc lên một tầm cao mới. Đáng quý và trân trọng hơn nữa khi những giá trị truyền thống của đất nước vẫn luôn là thứ tài sản quý báu, được lưu giữ, lưu truyền và được người trẻ ngày nay tích cực khai thác, phổ biến rộng rãi hơn qua các sản phẩm âm nhạc.

Xem loạt bài viết cùng chủ đề:

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'