Duyên Dáng Việt Nam

Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'

Châu Tuấn • 12-05-2020 • Lượt xem: 1055
Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'

Giữa muôn trùng các sản phẩm mang màu sắc văn hóa dân gian, đâu đó cũng sẽ vấp những ý kiến trái chiều. Thậm chí là sự so sánh các sản phẩm của nhau khi được đặt lên bàn cân tranh luận. Điều này ít nhiều cũng tạo nên sức ép và lo sợ cho người nghệ sĩ.

Tin liên quan:

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (Kỳ 3): Lĩnh vực điện ảnh cũng 'khởi nghĩa'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ cuối): Sáng tạo nhưng đừng quá đà!

 

 

Hoàng Thùy Linh “vùi mình vào chốn linh thiêng” cùng “Tứ phủ” đã vấp phải ngay những tranh cãi trong dư luận. Cụ thể câu hát “Nam mô A di đà …” được cho là của Phật giáo, không thuộc về đạo Mẫu. Tiếp theo, nhiều người đồng tình lên tiếng “Tứ phủ” chưa thực sự là “Tứ phủ” khi người xem chỉ nhìn thấy duy nhất một phủ là Thoải phủ với hình ảnh Cô Bơ do Hoàng Thùy Linh hóa thân. 

Bên cạnh đó, đạo Mẫu được đưa vào dòng nhạc EDM cùng những động tác vũ đạo được cho là không phù hợp vì những điều linh thiêng thì cần nên tôn kính. Trước đó trong buổi họp báo ra mắt “Tứ phủ”, Hoàng Thùy Linh cũng đã có những chia sẻ xoay quanh ý tưởng cho “Tứ phủ”. Nữ ca sĩ cho biết, cô chỉ đem những hình ảnh tinh túy với nét chấm phá đặc sắc nhất cùng một phần cảm hứng từ hình tượng Cô Bơ. Còn những điều suy đoán khác sẽ nằm ở sự tưởng tượng và suy nghĩ của chính khán giả.


Tuy được đánh giá cao về sự sáng tạo trong âm nhạc nhưng Hoàng Thùy Linh cũng không tránh khỏi những tranh cãi trái chiều trong sản phẩm Tứ phủ”.

Trong tâm thế của một người xuất phát sau nhưng Jun Phạm cũng vô cùng thoải mái trước sự so sánh của khán giả giữa những sản phẩm có màu sắc dân gian, anh chia sẻ: "Tôi quan niệm mình chỉ có một thời tuổi trẻ nên hãy cứ làm những gì mình thích. Hơn nữa đã quyết định làm thì không sợ so sánh, bởi tôi biết khả năng sáng tạo của mình đến đâu. Miễn làm hay, làm đẹp và bằng hết tâm huyết của mình thì mọi người sẽ đón nhận".

Hành trình tìm lại giá trị văn hóa cổ truyền thực sự là một con dao hai lưỡi đối với người nghệ sĩ. Chỉ cần sơ hở trong một vài chi tiết sẽ đẩy người nghệ sĩ đứng trước nguy cơ thất bại ngay. Ngược lại nếu tìm tòi, nghiên cứu một cách kỹ càng, sáng tạo ở mức độ cho phép sẽ mang về những thành quả tốt đẹp. 

Một sản phẩm được ra mắt để thành công đòi hỏi phải đáp ứng về nhiều mặt. Điều đó càng đòi hỏi không chỉ ca sĩ, nhạc sĩ mà còn cả ekip phải thực sự tâm huyết với sản phẩm của mình mà trên hết là đặt tư duy sáng tạo lên hàng đầu. Không nhất thiết phải đóng đinh bám vào những điều vốn đã có, thay vào đó là sự hòa quyện giữa nhạc cụ dân tộc cùng các dòng nhạc thời thượng, phá cách trong ý tưởng nội dung câu chuyện bằng những trào lưu, xu hướng mới của thời đại. Chính điều này sẽ giúp sản phẩm gần gũi hơn đối với đại đa số nhưng vẫn đảm bảo giá trị nghệ thuật của nền văn hóa Việt Nam.


Với “Anh ơi ở lại”, Chi Pu được mọi người nhìn nhận là một ca sĩ triển vọng sau một thời gian bị đánh đồng là “hotgirl đi hát”.

Việc các nghệ sĩ trẻ lần lượt trở về với cội nguồn cũng đã mở ra một sân chơi mới. Ở đó sẽ là nơi đôi bên cùng có lợi, không chỉ là nghệ sĩ mà còn là những người hâm mộ.

Chi Pu cùng với “Anh ơi ở lại” đã giúp cô mang về vô vàn thành tích từ streaming cho đến online. Không những vậy, sản phẩm này còn giúp Chi Pu khẳng định bản thân trong vai trò ca sĩ thoát khỏi những định kiến trước đó. Bùi Lan Hương tiếp tục thu về một lượng fan cũng như đưa dòng nhạc dream-pop ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn. Jun Phạm cũng có sự vượt bậc mới mẻ hơn trong con đường âm nhạc sau những ca khúc không nhận được nhiều sự chú ý. 


“Nữ hoàng ma mị” Bùi Lan Hương nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phía công chúng và dòng nhạc cô theo đuổi cũng được phổ biến rộng rãi hơn qua sản phẩm “Mặt trăng”.

May mắn hơn hết phải nhắc đến Hoàng Thùy Linh, cú nổ cùng “Để Mị nói cho mà nghe” đã trở thành động lực giúp cô cho ra mắt album phòng thu thứ ba “Hoàng” với concept màu sắc văn hóa Việt Nam trải dài xuyên suốt album như "Duyên âm", “Em đây chẳng phải Thúy Kiều”, “Kẽo cà kẽo kẹt”, ... thu về hàng loạt kỳ tích ấn tượng trên các bảng xếp hạng âm nhạc và bội thu giải thưởng. Không những vậy, Hoàng Thùy Linh còn lập nên hai cú đúp giải thưởng quan trọng mang tính lịch sử mà từ trước đến cũng chưa ai làm được chỉ với một ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” cùng album vol.3 “Hoàng”. 

Tại giải thưởng âm nhạc “Làn Sóng Xanh”, Hoàng Thùy Linh đã chiến thắng tại 8 hạng mục và mang về 8 giải thưởng: “Nữ ca sĩ của năm”, “Ca sĩ đột phá của năm”, “Ca khúc của năm”, “Music video của năm”, “Bài hát hiện tượng”, “Hòa âm phối khí”, “Sự kết hợp xuất sắc”, “Top 10 ca khúc được yêu thích”.

Vài tháng sau, tại giải thưởng âm nhạc thường niên “Cống Hiến 2020”, cô lập một cú “poker” khi mang về 4 giải thưởng quan trọng nhất: “Album của năm”, “Ca sĩ của năm”, “Bài hát của năm” và “Music video của năm”.

Đối với tôi, bản sắc văn hóa Việt Nam là thứ vũ khí rất tuyệt vời và rất là đẹp. Tôi rất mong muốn mang những màu sắc văn hóa và những gì thuộc về Việt Nam đến gần hơn với các bạn trẻ” – Hoàng Thùy Linh bày tỏ điều tâm đắc nhất trong âm nhạc của cô.


Hoàng Thùy Linh chính là nhân tố nổi bật của V-pop trong năm qua với hàng loạt thành tích về nhạc số và các kỷ lục về giải thưởng âm nhạc.    

Về phía khán giả, việc được thưởng thức một sản phẩm âm nhạc chất lượng là một điều vô cùng tuyệt vời và là mong muốn của họ trong nhiều năm qua. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi giờ đây họ tìm thấy chính nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, do chính người Việt Nam tạo ra. Không những một mà là rất nhiều, đa dạng về màu sắc, thể loại không thua kém gì các sản phẩm giải trí khác trên thế giới. Chính điều này sẽ tạo nên cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng ngày một gần nhau hơn. Qua đó tiếp tục lưu truyền, kế thừa những tinh hoa quý báu của dân tộc, giúp bản sắc văn hóa duy trì sống mãi qua nhiều thế hệ tiếp theo.

Xem loạt bài viết cùng chủ đề:

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'