Duyên Dáng Việt Nam

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 3): Lĩnh vực điện ảnh cũng 'khởi nghĩa'

B.T • 26-05-2020 • Lượt xem: 1374
Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 3): Lĩnh vực điện ảnh cũng 'khởi nghĩa'

Không chỉ trong âm nhạc, các chất liệu dân gian như thần thoại hay lịch sử cũng được các nhà làm phim sử dụng đưa lên màn ảnh rộng. Đã nhiều năm trôi qua, nguồn đề tài này vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ, mở ra nhiều điểm sáng cùng những sự thách thức cho nền điện ảnh nước nhà.

Tin liên quan:

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ 1): Tín hiệu đáng vui!

Sản phẩm 'đậm đà màu sắc dân gian' (kỳ 2): Cuộc chơi 'đôi bên cùng có lợi'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (Kỳ 3): Lĩnh vực điện ảnh cũng 'khởi nghĩa'

Sản phẩm ‘đậm đà màu sắc dân gian’ (kỳ cuối): Sáng tạo nhưng đừng quá đà!

 

“Màu sắc dân gian” xâm chiếm màn ảnh rộng

Trên thế giới, việc sử dụng các câu chuyện lịch sự hay cổ tích phục dựng thành phim không còn là một trào lưu mới mẻ. Các nhà làm phim tại Hollywood đã cho ra đời hàng loạt bộ phim điện ảnh như “Lọ Lem”, “Người đẹp và quái vật”, “Tiên hắc ám”, “Bạch Tuyết và gã thợ săn”… những bộ phim này được đông đảo mọi người đón nhận và trở nên quen thuộc với hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. 

Trước muôn vàn những màu sắc dân gian của nước bạn được chuyển thể thành phim, mang về những thành tựu to lớn đã đặt ra một dấu chấm hỏi cho các nhà làm phim tại Việt Nam và kể cả khán giả. Bởi lẽ, Việt Nam là một đất nước với vô vàn những nền văn hóa đặc sắc, những trang sử hào hùng dân tộc mà còn có cả một kho tàng chuyện cổ tích đa dạng và phong phú. Đứng trước bài toán hóc búa này, các nhà sản xuất và làm phim đã nhanh trí nảy sinh ra rất nhiều ý tưởng và bắt tay vào thực hiện.

Vào năm 2012, đạo diễn Victor Vũ cho ra mắt bộ phim điện ảnh mang tên “Thiên mệnh anh hùng”. Dựa trên bối cảnh thời Hậu Lê, vị đạo diễn mang đến một bộ phim kiếm hiệp mang bối cảnh lịch sử xoay quanh vụ thảm án Lệ Chi Viên từng gây rung động một thời. 

Bộ phim tuy chỉ mượn chất liệu lịch sử về vụ án Lệ Chi Viên và người cháu còn sống sót của Nguyễn Trãi là có thật để kể một câu chuyện hư cấu có phần tưởng tượng về sau. Nhưng đây cũng là một trong những điều đáng ghi nhận về sự nỗ lực của các nhà làm phim trong việc mang “màu sắc dân gian” trong đó có lịch sử truyền tải đến người xem.


Thể loại cổ trang cùng một phần của lịch sử trong bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ gây nhiều bất ngờ dành cho khán giả. 

Dịp Tết Nguyên Đán 2014, công chúng tiếp tục được chiêu đãi bởi một bộ phim được dựa trên câu chuyện cổ tích quen thuộc “Thạch Sanh” với tên gọi “Cuộc chiến với chằn tinh” (cố đạo diễn Hải Âu). Vẫn là một câu chuyện cổ tích đã được nhiều người biết đến nhưng nay đã được biến tấu qua nhiều chi tiết thú vị như xuất thân của nhân vật Thạch Sanh, những trận đánh oai hùng trong lịch sử mà đặc biệt nhất là trận chiến ác liệt với chằn tinh qua kỹ xảo 3D. 

Với rất nhiều hứa hẹn về một bộ phim cổ tích mang đậm màu sắc sử thi nhưng “Cuộc chiến với chằn tinh” vẫn còn vấp nhiều hạt sạn đáng kể chưa thỏa lòng người xem. Những tình tiết mang tính kết nối có phần rời rạc cùng sự diễn xuất “gượng gạo” của dàn diễn viên chính là những điểm trừ đáng tiếc nhất dành cho bộ phim này.


“Cuộc chiến với chằn tinh” không gây nhiều tiếng vang dù trước đó được rất nhiều người chờ đợi.

“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là bộ phim điện ảnh đầu tay của “đả nữ” Ngô Thanh Vân trong vai trò đạo diễn. Bộ phim được ra mắt vào mùa thu năm 2016, nội dung được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “Tấm Cám”. Ngô Thanh Vân cùng các cộng sự của mình mang đến một màu sắc hoàn toàn mới mẻ so với nguyên tác ban đầu. Bên cạnh cốt truyện quá đỗi thân quen, nhẵn mặt với tất cả mọi thế hệ, nữ đạo diễn đã sáng tạo thêm một vài tình tiết khác để phù hợp với cái tên “chuyện chưa kể”. 

Câu chuyện cổ tích vốn dĩ chỉ tập trung vào cuộc sống của Tấm trước và sau khi tiến cung cùng những lần chuyển kiếp và một kết thúc có hậu cho nhân vật “ở hiền gặp lành”. Còn đối với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được mở ra qua âm mưu tạo phản cướp ngôi vua của lão Thừa tướng sau khi Tấm bị sát hại bởi mẹ con Cám, và Cám thay chị mình tiến cung chăm sóc Thái tử. Song song đó, các nước láng giềng bắt đầu tấn công xâm chiếm Đại Việt, đất nước rơi vào thời buổi loạn lạc bởi những cuộc chiến của giặc ngoại xâm. Nhưng đỉnh điểm cao trào nhất là cuộc chiến đấu giữa Thái tử và vị Thừa tướng được hình tượng hóa bởi hình ảnh của hai con quái vật qua những thước phim fantasy như những bộ phim khoa học viễn tưởng trên thế giới. 


“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là bộ phim bom tấn của điện ảnh Việt Nam trong năm 2016.

Bộ phim nhanh chóng thu về gần 22 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu đầu tiên với các suất chiếu liên tục “cháy vé”. Cuối cùng “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đã xuất sắc mang về 66,5 tỷ đồng đánh dấu một mốc son rực rỡ trong vai trò đạo diễn phim của Ngô Thanh Vân. Ngoài ra, tại lễ trao giải “Cánh diều vàng 2016”, bộ phim vô cùng may mắn khi mang về hai giải thưởng: “Cánh diều bạc” và “Âm nhạc trong phim xuất sắc”.

Trong năm 2019, giai thoại về cậu bé thông minh, lém lĩnh Trạng Quỳnh cũng được đưa lên màn ảnh rộng trong bộ phim điện ảnh cùng tên “Trạng Quỳnh” (đạo diễn Đức Thịnh). Nội dung phim kể về hành trình của Trạng Quỳnh cùng các người bạn của mình đi giải cứu người thầy yêu quý đang bị một tên nhà giàu vu oan giá họa. Không chỉ mang đến tiếng cười trong dịp Tết Nguyên Đán 2019, “Trạng Quỳnh” còn ẩn sâu bên trong một thông điệp ý nghĩa và nhân văn khi thể hiện niềm tin cùng sự đấu tranh của những con người “thấp cổ bé họng” không hề đầu hàng trước bọn cường hào ác bá.


Diễn viên trẻ Trần Quốc Anh đảm nhận vai chính Trạng Quỳnh trong bộ phim điện ảnh cùng tên.

Cũng giống như “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Trạng Quỳnh” cũng mang về những thành tích ấn tượng qua con số doanh thu nhưng có phần vượt mặt hơn với con số 100 tỷ. Đến nay, “Trạng Quỳnh” là một trong số ít những bộ phim của điện ảnh Việt Nam có doanh thu chạm mốc trăm tỷ. Tuy nhiên, nhiều khán giả khá bất ngờ trước thành công này. Vì ngoài chất liệu cổ tích dân gian cùng dàn sao tên tuổi như: Trấn Thành, Nhã Phương, Khả Như,… thì nội dung phim có phần chắp vá, thiếu logic và rời rạc.

Có thể thấy trong những năm gần đây các nhà làm phim tại Việt Nam đã bắt đầu “chịu khó” và để mắt đến các giai thoại cùng những câu chuyện cổ tích vốn là thứ “đặc sản” của nước ta. Hầu như mỗi năm đều có ít nhất một bộ phim ra rạp cùng với đó là những dự án được các nhà làm phim hé lộ. “Đặc sản” này vẫn sẽ tiếp tục là một mảnh đất màu mỡ được các nhà làm phim tận dụng, khai thác tối đa trong những năm tới như một làn gió mới thổi bay những câu chuyện dramma đã dần đi vào bế tắc. 

Những hứa hẹn đầy mới mẻ trong tương lai

Đứng trước xu hướng các bộ phim điện ảnh bắt đầu trở về với các giai thoại dân gian và cổ tích đang dần phát triển. Các vị đạo diễn phim cùng các nhà sản xuất đã úp mở rất nhiều dự án trong thời gian sắp tới.

Sau thành công của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, Ngô Thanh Vân không chỉ gây tiếng vang về vai trò đạo diễn mà còn hướng công chúng dành nhiều sự quan tâm cho các sản phẩm mang yếu tố dân gian làm màu sắc chủ đạo. Trong một sự kiện diễn ra vào dịp cuối năm 2017, “đả nữ” cũng đã gửi đến người hâm mộ về một dự án vô cùng đặc biệt khi sẽ sản xuất, cho ra mắt các bộ phim về cổ tích dân gian gồm: Thạch Sanh, Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Ông Kẹ và Trạng Tí (Thần đồng đất Việt). 


Thành công của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đã thúc đẩy Ngô Thanh Vân thực hiện nhiều dự án mới hơn qua các câu chuyện dân gian và cổ tích.

Nói là làm, cô tiến hành mua bản quyền bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt” cùng với đó là kỳ vọng sẽ cho ra mắt 5 phiên bản điện ảnh của “Trạng Tí” vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hoặc mùa hè hằng năm. 

Vừa qua, Ngô Thanh Vân cũng đã gửi đến khán giả trailer đầu tiên cho phim điện ảnh “Trạng Tí” do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn. Với trailer hơn 1 phút đã mở ra khung cảnh non nước hữu tình của làng quê Bắc Bộ cùng sự xuất hiện của nhân vật Tí và những người bạn đóng đinh trong truyện là Sửu, Dần, Mẹo. Chia sẻ trên trang cá nhân, Ngô Thanh Vân vô cùng xúc động: “Trong luồng suối chảy của những sản phẩm mang tính chất quay về với nguồn cội, mình muốn một lần nữa tự hào ra mắt những hình ảnh đầu tiên của Trạng Tí. Đây là sản phẩm dài hơi nhất của cả ê-kíp và cũng là sản phẩm Vân sẽ tự hào nhất từ trước đến giờ. Vân chẳng bao giờ quên lời hứa. Vân chỉ là làm nó rất chậm và chất lượng cho khán giả mà thôi...”. 


“Trạng Tí” sẽ là bộ phim mở đường cho hàng loạt dự án các bộ phim chuyển thể từ truyện cổ tích Việt Nam của “đả nữ” Ngô Thanh Vân. Bộ phim dự kiến sẽ được ra mắt trong mùa hè năm nay.

Sau khi thành công trong vai trò nhà sản xuất phim, nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng đã ấp ủ cho mình nhiều dự án phim về các giai thoại và lịch sử của Việt Nam. Dự án được người đẹp công bố đầu tiên là phim điện ảnh “Sơn Tinh - Thủy Tinh” được lấy cảm hứng từ chính câu chuyện cổ tích cùng tên. 

Bộ phim này sẽ là cú bắt tay giữa người đẹp họ Trương và đạo diễn “triệu đô” Victor Vũ với mong muốn mang đến một bộ phim chất lượng với màu sắc kỳ ảo. Theo Trương Ngọc Ánh, cô đã mất rất nhiều thời gian để có thể mời cho bằng được đạo diễn Victor Vũ vì anh ấy muốn mọi thứ phải cực kỳ hoàn hảo. 


Tạo hình của các nhân vật trong dự án điện ảnh “Sơn Tinh Thủy Tinh” qua phác thảo trên bản vẽ.

Cô cũng cho biết, bản thân rất tâm đắc với dự án lần này: “Sơn Tinh - Thuỷ Tinh" chắc chắn sẽ phải là một bộ phim mới lạ, gây bất ngờ, có hiệu ứng hình ảnh xuất sắc. Chúng tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là một tác phẩm tốt để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khán giả”. Hiện tại “Sơn Tinh - Thủy Tinh” vẫn đang trong quá trình hoàn thiện kịch bản và tìm chọn bối cảnh cho phim trên khắp cả nước.

Song song với “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, Trương Ngọc Ánh tiếp tục hợp tác cùng đạo diễn Janet Ngô thực hiện phim điện ảnh về Hai Bà Trưng. Bộ phim với tên gọi “Trưng Vương” đã được cô ấp ủ trong nhiều năm qua và đang trong giai đoạn thực hiện, sẽ sớm công bố những thông tin chi tiết về dàn diễn viên trong thời gian sắp tới. 


Poster khởi động của dự án điện ảnh “Trưng Vương” được Trương Ngọc Ánh hé lộ.

Ngoài phiên bản điện ảnh, “Trưng Vương” cũng sẽ đem đến cho khán giả một loạt series hoạt hình kể về các nữ tướng tài giỏi trong thời kỳ này gồm: Ả Chạ, Bát Nàn, Hồ Đề, Lê Chân, Phật Nguyệt, Thánh Thiên. Mục đích nhằm giới thiệu các nhân vật trong phim và “hâm nóng” dự án trước khi phim chính thức ra mắt. 

Được biết, dự án lần này được người đẹp họ Trương rất tâm huyết khi cô làm việc cùng các nhà sử học có tiếng cùng 10 họa sĩ để tìm tòi, sáng tạo về trang phục lẫn hoa văn, vật dụng, vũ khí chính xác nhất với thời điểm đó. Các phần kỹ xảo của phim sẽ do ekip nước ngoài thực hiện. Riêng loạt series hoạt hình về các nữ tướng đã ngốn nhân sự gần 40 người thực hiện cho một tập phim chỉ trong vài tháng.

Chúng tôi mong muốn mang đến một dự án mang tính lịch sử chân thật nhất của Việt Nam, nguyên gốc của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là niềm tự hào cho các khán giả Việt Nam, cũng như giới thiệu nét đẹp văn hoá của dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế” – Trương Ngọc Ánh tự hào chia sẻ.


Trương Ngọc Ánh và đạo diễn Janet Ngô tại buổi họp báo công bố dự án “Trưng Vương”.

Mới đây, nữ diễn viên Mai Thu Huyền cũng bất ngờ khởi động cho dự án phim điện ảnh “Kiều”. Nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du sẽ được sống lại trên màn ảnh rộng qua bàn tay của người đẹp Mai Thu Huyền và đạo diễn Phi Tiến Sơn. 

Dự án này đã được cô ấp ủ trong vòng 10 năm qua và đã từng có ý định thực hiện phim truyền hình với độ dài lên đến 40 tập. Tuy nhiên, sau nhiều lần tính toán cô đã quyết định thực hiện phiên bản điện ảnh. “Tôi quyết tâm làm dự án này với phiên bản điện ảnh vì phim điện ảnh thời gian thực hiện ngắn hơn, sẽ kịp tiến độ để ra mắt vào năm 2020 – Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra, tôi cũng muốn có thể giới thiệu bộ phim ra quốc tế nên làm phim điện ảnh sẽ có cơ hội hơn” – Mai Thu Huyền giải thích. 


Mai Thu Huyền là người Việt Nam đầu tiên đưa “Truyện Kiều” lên màn ảnh rộng. Năm 1923, “Truyện Kiều” được chuyển thể thành phim điện ảnh với tên gọi “Kim Vân Kiều” nhưng do ekip người Pháp thực hiện.

Bản sắc văn hóa dân gian cùng những giai thoại về lịch sử và cổ tích vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim. Đây là một chất liệu độc đáo của mỗi quốc gia, không hề trùng lặp lẫn đụng hàng khi mỗi giai thoại đều mang đến những nét văn hóa riêng biệt. 

Nếu so với thế giới thì Việt Nam cũng không hề thua kém trong chất liệu khai thác mà có thể nói chúng ta có cả một kho tàng quý báu và vô cùng dư dả. Mặt khác, nếu không biết cách tận dụng mà cứ sa đà vào việc khai thác tràn lan, không có sự sáng tạo, không tìm tòi và nghiên cứu thì nguồn chất liệu này sẽ dần đi vào chỗ chết. 

Bên cạnh đó, yếu tố quen thuộc của các giai thoại và cổ tích mang tính truyền miệng qua nhiều thế hệ sẽ mang lại rất nhiều rủi ro nếu nhà làm phim không đầu tư chất xám, chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ. Chính điều này vô tình là con dao hai lưỡi không chỉ gây hại cho thành quả của ekip làm phim mà còn là nhát dao chí mạng giết chết tác phẩm. Trên hết, cẩn trọng và cẩn thẩn là việc làm tất yếu mà các nhà làm phim nên cân nhắc kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện, tránh tình trạng “bút sa gà chết”.