VĂN HÓA

NTK Sỹ Hoàng với 2 bộ sưu tập áo dài đỉnh cao tại DDVN

LH • 24-09-2018 • Lượt xem: 4174
NTK Sỹ Hoàng với 2 bộ sưu tập áo dài đỉnh cao tại DDVN

Sỹ Hoàng được xem là một trong những NTK hàng đầu Việt Nam với 20 năm cống hiến miệt mài cho thời trang nước nhà. Anh đã từng mang đến sân khấu DDVN 2 bộ sưu tập áo dài đỉnh cao, để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ với khán giả xem chương trình.

DDVN đã có cuộc trao đổi nhanh chóng với NTK Sỹ Hoàng về kỷ niệm khi góp mặt tại chương trình.

 Anh có thể chia sẻ đôi điều về kỷ niệm ở 2 chương trình DDVN (năm 1997 và năm 2007) mà anh đã tham gia giới thiệu bộ sưu tập áo dài?

- Chương trình DDVN năm 1997 (Kỳ 5) với sưu tập áo dài "Đêm Hoa Đăng" tại Nhà hát Hòa Bình: Sau khi dự Đại hội Mỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội năm 1995, tôi đã thuê một xe máy tự đi một tuần nghiên cứu tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc tại thành phố Thái Nguyên. Chỉ một câu thưa với Giám đốc Bảo tàng khi ấy là chú Tô Văn Đen rằng: "Những nghiên cứu và trưng bày của Bảo tàng là vô giá, cháu mong được chuyển thể trên áo dài để công chúng phía Nam biết đến vẻ đẹp thẩm mỹ và văn hóa dân tộc ít người". Được sự giúp đỡ tạo điều kiện, tôi ghi chép và chụp được toàn bộ cấu trúc trang phục của 54 dân tộc. Sau đó đã thiết kế đưa hoa văn 54 dân tộc ít người vùng cao Tây Bắc - Đông Bắc như Dao, Nùng, Hà nhì, Pu Péo, Thái, Hmông, Phù lá... được thể hiện trên nền áo dài nhung đen. Kể từ đó đến nay, triết lý tạo mẫu của tôi luôn là: Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo trên đôi tà áo dài Việt từ kho tàng văn hóa dân tộc.

Bộ sưu tập Đêm Hoa Đăng của NTK Sỹ Hoàng tại DDVN kỳ 5

- DDVN năm 2007 (Kỳ 15) với sưu tập Thanh Xuân tại Singapore: Bộ sưu tập mang tính "mở" khi tôi giới thiệu áo dài trong các sự kiện giới thiệu văn hóa VN trên gần 20 quốc gia. Thường sau khi trình diễn các sưu tập áo dài đậm nét truyền thống, tôi nghĩ trong thế kỷ 21 này với mong muốn Thế giới trong tà áo dài Việt Nam. Cần phải hướng kiểu dáng áo dài truyền thống thành quốc tế hóa, dung hòa nền văn hoá bản địa từng quốc gia cộng hưởng được với bản sắc văn hóa Việt. Tạo thành một trào lưu thời trang áo dài hội nhập, người nước ngoài có thể làm quen, yêu mến và mặc áo dài như một trang phục mang hơi thở thời đại, đẹp và tiện dụng.

NTK Sỹ  Hoàng và bộ sưu tập Thanh Xuân tại DDVN kỳ 15

 Những khó khăn và thuận lợi anh đã gặp phải ở thời điểm tham gia chương trình là gì?
- Thuận lợi: BTC của chương trình DDVN đã chu đáo tạo điều kiện tốt nhất để các NTK tham gia được thăng hoa trong sáng tạo của mình như: chi phí đi lại, mời biên đạo hay đạo diễn rất giỏi dàn dựng tiết mục áo dài, tuyển mời các Hoa hậu, Á hậu làm người mẫu, sân khấu là những nhà hát nổi tiếng.

- Khó khăn: không đáng kể do những yếu tố khách quan khi diễn tại nước ngoài, nên NTK thiếu nhân lực trợ lý trong khâu chuẩn bị đêm diễn.  

Bộ sưu tập Đêm Hoa Đăng của NTK Sỹ Hoàng tại DDVN kỳ 5

Anh nghĩ gì về các nhà thiết kế trẻ khai thác thiết kế mẫu mã áo dài hiện nay?
Việc các NTK trẻ, dù có khi áo dài không là sở trường trong trang phục thiết kế nhưng vẫn tạo ra những ý tưởng phong phú, đa dạng. Có thể là thiết kế mang tính ứng dụng hay ấn tượng, cũng đáng trân trọng. Còn những thiết kế đi vào được đời sống, là do sự đón nhận của công chúng nhiều hay ít. Từ đó sẽ quyết định tuổi thọ của một sưu tập mới sẽ ít hay bền lâu. Tuy nhiên theo tôi, việc cách tân chỉ nên chiếm 30% so với kiểu dáng tinh thần của áo dài đã chuẩn mực sau bao biến đổi kể từ áo tứ thân cho đến ngày nay.

Theo anh trong DDVN kỳ 30 hướng sắp tới nên giới thiệu áo dài như thế nào (khuynh hướng và style ra sao?)

Nên mời từ 2 đến 4 NTK, cùng phối hợp trình diễn với chủ đề "Áo dài - Đẹp không giới hạn". Phân chia nhiệm vụ sáng tạo tùy theo sở trường của các NTK được mời tham gia trong 2 phần tách biệt: Áo dài Ứng dụng và Áo dài Ấn tượng.

 Thế nào là "nặng", thế nào là "nhẹ" khi "bỏ" hình ảnh, màu sắc vào chiếc áo dài?

Đây là vấn đề xử lý hiệu ứng của thị giác qua việc chọn chất liệu vải, kỹ thuật cắt may, trang trí thêu kết vẽ. Nhưng trước hết cần lưu ý khi thiết kế: 

- Sự hiểu biết tường tận về quá trình phát triển Áo dài qua các thời kỳ.

- Tinh thần văn hóa và tính thẩm mỹ chung của người Việt luôn hướng tới sự đơn giản mà tinh tế, bay bổng nhưng ẩn chứa chiều sâu.

- Hướng tới mục đích sử dụng với đối tượng người mặc.

Anh nghĩ sao về các người đẹp Việt Nam mang áo dài đi thi các cuộc thi sắc đẹp được thiết kế "hoành tráng" nhưng không "mạnh tay" thì chẳng lẽ lần nào cũng đơn giản với chiếc áo dài bình thường?

Theo tôi được biết, tùy vào tiêu chí của nhà tổ chức và tổng đạo diễn của các cuộc thi sắc đẹp trong nước hay quốc tế nên phần thi trang phục dân tộc sẽ có phong cách giữ nguyên bản sắc hay thỏa sức sáng tạo ấn tượng. Vì vậy để các người đẹp VN mang áo dài đi thi đạt được giải "Trang phục truyền thống đẹp nhất", cần nghiên cứu rõ tiêu chí hay thông điệp từ BTC đưa ra, từ đó các thiết kế mới "trúng đề bài".