ĐỜI SỐNG

Nước châu Á thứ 3 cấm TikTok vì đăng nội dung 'vô đạo đức'

DDVN • 20-09-2022 • Lượt xem: 1658
Nước châu Á thứ 3 cấm TikTok vì đăng nội dung 'vô đạo đức'

Theo chân Ấn Độ và Pakistan, Afghanistan đã trở thành quốc gia châu Á thứ ba cấm TikTok và các ứng dụng di động của Trung Quốc.

Vào ngày 21.4, nội các Afghanistan đã chỉ đạo Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin thực hiện các bước thích hợp để chặn quyền truy cập vào PUBG và TikTok.

“Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin có nghĩa vụ chặn game PUBG và ứng dụng có tên TikTok, thứ khiến thế hệ trẻ lạc lối, và theo cách tương tự, là việc phát sóng những kênh có chương trình và nội dung vô đạo đức, ngay cả khi có thể ngăn chặn nó”, một phát ngôn viên Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin Afghanistan tuyên bố sau quyết định của nội các vào tháng 4.

Trước đó, Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin Afghanistan đã chặn quyền truy cập hơn 23 triệu trang web vì hiển thị nội dung “vô đạo đức” kể từ khi lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu rút khỏi quốc gia này.

Hôm 9.10.2020, cơ quan quản lý viễn thông Pakistan đã cấm TikTok vì không lọc ra được nội dung “vô đạo đức và thô tục”. Cơ quan này cho biết lệnh cấm được đưa ra vì “khiếu nại từ các thành phần khác nhau trong xã hội với nội dung vô đạo đức và khiếm nhã trên ứng dụng chia sẻ video”.

Cơ quan quản lý viễn thông Pakistan thông báo cho phía TikTok rằng sẽ để ngỏ khả năng thảo luận hướng giải quyết vấn đề trên và xem xét lại quyết định cấm phụ vào việc ứng dụng này tiết chế các nội dung phi pháp có đáp ứng yêu cầu cơ quan chức năng không.

TikTok khẳng định đã “cam kết tuân thủ luật pháp tại các thị trường nơi ứng dụng được cung cấp”. “Chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với cơ quan quản lý viễn thông Pakistan và tiếp tục làm việc với họ. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một kết luận giúp chúng tôi tiếp tục phục vụ cộng đồng trực tuyến sôi động và sáng tạo của đất nước”, TikTok cho hay.

Thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, TikTok đã trở nên cực kỳ phổ biến trong một thời gian ngắn, bằng cách khuyến khích người dùng trẻ đăng các video ngắn. Sự nổi lên nhanh chóng cuốn TikTok vào cơn bão lửa với một số quốc gia nâng cao lo ngại về an ninh và quyền riêng tư vì liên kết của nó với Trung Quốc.

Ngày 29.6.2020, TikTok đã bị chặn ở Ấn Độ (nước láng giềng với Pakistan và là thị trường lớn nhất về người dùng) vì lo ngại về an ninh quốc gia tại thời điểm nước này có tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, TikTok phải đối mặt với mối đe dọa bị cấm ở Mỹ và bị giám sát ở các quốc gia khác, bao gồm cả Úc.

TikTok từ lâu đã phủ nhận rằng các liên kết với Trung Quốc gây ra mối lo ngại về an ninh ở các quốc gia khác.

Pakistan đa số theo đạo Hồi, có các quy định về truyền thông tuân thủ các phong tục xã hội lâu đời. Vào tháng 7.2020, PTA đã đưa ra "cảnh báo cuối cùng" cho TikTok về nội dung thô tục.

Usama Khilji, Giám đốc của Bolo Bhi - nhóm người Pakistan ủng hộ quyền của người dùng internet, cho biết quyết định này đã làm suy yếu giấc mơ của chính phủ về một Pakistan kỹ thuật số.

“Việc chính phủ chặn một ứng dụng giải trí được hàng triệu người sử dụng và là nguồn thu nhập của hàng ngàn người sáng tạo nội dung, đặc biệt là những người đến từ các thị trấn và làng mạc nhỏ hơn, là một sự phản bội với các chuẩn mực dân chủ và các quyền cơ bản được hiến pháp đảm bảo”, Usama Khilji nói.

Mới đây, TikTok lại nằm trong tầm ngắm khi Microsoft và các chuyên gia phát hiện lỗ hổng bảo mật.

Hôm 5.9, một số nhà phân tích an ninh mạng đã tweet về việc phát hiện ra lỗ hổng của một máy chủ không an toàn cho phép truy cập vào bộ nhớ TikTok, nơi mà họ tin rằng chứa dữ liệu cá nhân của người dùng. Chỉ vài ngày trước đó, Microsoft cho biết đã tìm thấy "lỗ hổng nghiêm trọng" trong ứng dụng TikTok phiên bản Android, "có thể cho phép những kẻ tấn công xâm nhập tài khoản của người dùng chỉ bằng một cú nhấp chuột".

TikTok đã vượt qua 1 tỉ người dùng hàng tháng một năm trước và hiện được xếp hạng là ứng dụng yêu thích của nhiều người trẻ tuổi. Điều đó khiến nó trở thành mục tiêu hấp dẫn của các hacker, vốn có thể tìm cách chiếm đoạt các tài khoản phổ biến hoặc bán lại thông tin nhạy cảm.

TikTok bị chính quyền ông Trump xác định là mối đe dọa về quyền riêng tư vào năm 2020 và gây lo ngại vì mối liên hệ tiềm ẩn giữa ByteDance (công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh) với chính phủ Trung Quốc.

TikTok tuyên bố một vi phạm dữ liệu được phát hiện vào cuối tuần qua là không chính xác. “Nhóm bảo mật của chúng tôi đã điều tra tuyên bố này và xác định rằng mã được đề cập hoàn toàn không liên quan đến mã nguồn back-end của TikTok”, một phát ngôn viên của TikTok cho biết.

Back-end là tất cả những phần hỗ trợ hoạt động của website hoặc ứng dụng mà người dùng không thể nhìn thấy được.

Vi phạm dữ liệu là vi phạm bảo mật, trong đó dữ liệu nhạy cảm, được bảo vệ hoặc bí mật được sao chép, truyền, xem, đánh cắp hoặc sử dụng trái phép bởi cá nhân mà không được phép. Các thuật ngữ khác là tiết lộ thông tin không cố ý, rò rỉ dữ liệu, rò rỉ thông tin và tràn dữ liệu.

Troy Hunt, nhà tư vấn bảo mật web người Úc, đã xem qua một số mẫu dữ liệu được liệt kê trong các file bị rò rỉ và tìm thấy sự trùng khớp giữa hồ sơ người dùng với video được đăng dưới các ID đó trên TikTok. Thế nhưng, một số chi tiết có trong vụ rò rỉ là “dữ liệu có thể truy cập công khai được lẽ ra được xây dựng mà không bị vi phạm”.

“Điều này cho đến nay khá khó kết luận. Một số dữ liệu khớp với thông tin sản xuất, dù thông tin có thể truy cập công khai. Một số dữ liệu là rác, nhưng nó có thể là dữ liệu phi sản xuất hoặc dữ liệu thử nghiệm. Cho đến nay, đó là một túi hỗn hợp", Troy Hunt đăng trên Twitter.

Lỗ hổng được Microsoft xác định là vấn đề hẹp hơn, có thể ảnh hưởng đến smartphone chạy Android. Nó có thể cho phép những kẻ tấn công truy cập và sửa đổi “hồ sơ TikTok và thông tin nhạy cảm, chẳng hạn công khai video riêng tư, gửi tin nhắn và tải video lên thay mặt người dùng”, Dimitrios Valsamaras từ Microsoft 365 Defender Research Team viết.

Người phát ngôn TikTok cho biết công ty đã phản hồi nhanh chóng với các phát hiện của Microsoft và sửa lỗi bảo mật được tìm thấy "trong một số phiên bản cũ hơn của ứng dụng Android".

Tuy nhiên, các vấn đề dù không rõ ràng hay nhỏ cũng hướng sự tập trung cao độ vào TikTok và ByteDance vào thời điểm Mỹ có thể tăng cường các biện pháp chống lại các doanh nghiệp liên kết với Trung Quốc. Vào tháng 6 vừa qua, 9 thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một bức thư công khai cho Giám đốc điều hành TikTok yêu cầu giải thích các vi phạm an ninh bị cáo buộc.

Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ ký một lệnh hành pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc và có khả năng xảy ra các hành động riêng biệt nhắm đến TikTok, khi chính quyền đang chú ý đến việc liệu chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng Mỹ không.

TikTok nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng đã thực hiện các bước để bảo vệ dữ liệu đó thông qua hợp đồng với hãng phần mềm nổi tiếng Oracle.

Hồi tháng 6, TikTok cho biết đã hoàn tất việc di chuyển thông tin người dùng Mỹ sang máy chủ Oracle nhưng vẫn đang sử dụng các trung tâm dữ liệu ở Mỹ và Singapore để sao lưu.

TikTok nói dự kiến ​​"sẽ xóa dữ liệu được bảo vệ của người dùng Mỹ khỏi hệ thống riêng và chuyển toàn bộ sang các máy chủ đám mây Oracle đặt tại Mỹ".

“Có rất nhiều sự chú ý về cách thức hoạt động của TikTok. Có khoảng cách lớn giữa cách hoạt động với cách TikTok nói rằng nó đang hoạt động”, theo Robert Potter, đồng Giám đốc điều hành Internet 2.0 Inc (công ty an ninh mạng Úc-Mỹ).

Vào tháng 7, đội của Robert Potter cho biết trong một báo cáo rằng đã phát hiện thấy "việc thu thập dữ liệu quá mức" do TikTok thực hiện trên thiết bị của người dùng. Theo đó, TikTok kiểm tra vị trí thiết bị ít nhất một lần mỗi giờ và có mã thu thập số serial cả thiết bị lẫn thẻ SIM.

Theo Sơn Vân/1thegioi.vn