Duyên Dáng Việt Nam
Nuôi dưỡng ước mơ cho con từ việc biết sở thích của trẻ
Kim Phượng • 14-08-2020 • Lượt xem: 2128

Những điều vĩ đại thường bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Mỗi vĩ nhân đều từng là đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có trong mình một ước mơ. Ba mẹ là người giúp con khám phá và nuôi dưỡng ước mơ ngay từ thời tấm bé.
Tin, bài liên quan:
Mẹ Mỹ dạy con gái 5 tuổi sống nên là chính mình
“Lớn lên con muốn làm gì?”
“Người nghèo nhất trong tất cả không phải là người không có một xu dính túi, mà là không có lấy một ước mơ” (Trích Red Fox Woman, Judy Ann Davis). Thật vậy, ước mơ giống như một ngôi sao chỉ đường dẫn lối, giúp mỗi người có động lực vạch ra những kế hoạch và nỗ lực thực hiện mục tiêu để biến ước mơ thành hiện thực. Ước mơ làm cho sự tồn tại của mỗi người có ý nghĩa hơn trong cuộc đời.
Ước mơ là những điều con hướng tới và mong muốn những điều đó thành hiện thực. Tuy nhiên, ước mơ phải được xây dựng trên nền tảng tình cảm, khát vọng, năng lực và hoàn cảnh của mỗi người mà không làm tổn hại đến lợi ích của ai khác. Đó mới là một ước mơ chính đáng. Bố mẹ nên là người giúp con hiểu rõ một ước mơ chính đáng có tầm ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống của con hơn là can thiệp và xác định ước mơ cho con theo ý bố mẹ.
Trải nghiệm càng nhiều giúp trẻ biết mình thích gì - Nguồn: khuvuichoitreem.com.vn
“Lớn lên con muốn làm gì?” là một trong những câu hỏi mà nhiều người nhớ nhất mỗi khi nghĩ về tuổi thơ. Câu trả lời ngây ngô của con khi lên 5, lên 8 thường là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên hay ca sĩ… Đó là những đáp án thường được bố mẹ “mớm” cho khi con được ai đó hỏi về tương lai. Điều ấy làm con lầm tưởng rằng mình thích làm nghề này, nghề nọ trong khi con không hiểu rõ về thứ mà bản thân hướng tới.
Con lớn lên cùng lời hát ru của mẹ và những câu chuyện cổ tích của ba. Tuổi thơ con có thần đồng Sửu “biết tuốt”, có cô Tấm ngoan hiền, đảm đang và có cả mèo máy Doreamon vạn năng và một Nobita hậu đậu, nhút nhát. Những câu chuyện giúp con phân biệt thiện, ác, điều nên làm và điều phải tránh, định hình cho con một góc nhìn về thế giới. Bố mẹ cũng nên thông qua những câu chuyện như vậy mà giúp con biết ước mơ là gì. Cách khơi mở về ước mơ như thế này giúp con có ấn tượng sâu sắc hơn bao giờ hết.
“Không ai đánh thuế ước mơ cả”
Sở thích và sở trường của trẻ là một trong những yếu tố giúp con xác định ước mơ của mình. Cristiano Ronaldo trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay từ niềm đam mê với quả bóng khi mới 8 tuổi. Ước mơ trở thành một đạo diễn Hollywood của Walt Disney đã thành hiện thực bắt đầu từ khả năng và niềm đam mê dùng than vẽ những động vật ngộ nghĩnh, “rất người” trên giấy vệ sinh.
Con còn nhỏ, ước mơ của con gắn liền với những điều con trải nghiệm. Khi thế giới trong con càng mở rộng, ước mơ của con cũng vì thế mà thêm rộng mở. Chính quá trình trải nghiệm làm con biết rõ mình mong muốn làm gì. Bố mẹ nên là người giúp con trải nghiệm nhiều thứ nhất có thể.
Trẻ thường quan sát và bắt chước hành động của bố mẹ - Nguồn: drkhoe.vn
Con trẻ thường rất tò mò và hay bắt chước những điều bố mẹ làm. Bố, mẹ có thể làm nhiều việc như đọc sách, đan len, nấu ăn, đá bóng… đan xen hàng ngày để kích thích sự hứng thú của con. Khi con muốn làm những điều đó, bố mẹ hãy dạy con và tham gia cùng con. Sự quan sát và để ý đều đặn đến con từng ngày của bố, mẹ sẽ là cơ sở giúp bố mẹ khám phá ra được những điều con làm tốt và những điều con thích.
Những chương trình thực tế, những khóa học ngắn hạn mà con tham gia cũng là môi trường giúp con tìm hiểu khả năng của mình. Khi con nhận ra ước mơ của mình, bố mẹ sẽ là người hỗ trợ những thứ con cần để giúp con nâng cao năng lực bản thân, khắc phục điểm yếu và từng bước hoàn thiện mình. Đồng thời, bố mẹ cũng là chỗ dựa động viên, khuyến khích khi con gặp khó khăn trong quá trình thực hiện ấy.
Chọn ngành học khi tốt nghiệp lớp 12 là bước ngoặt đầu tiên giúp con chạm đến ước mơ. Bố mẹ nên đưa ra lời khuyên chứ đừng nên can thiệp vào quyết định của con. Bởi, “không ai đánh thuế giấc mơ cả” nhưng con cần “đánh thuế” giấc mơ của riêng mình. Nghĩa là, con nên tận hưởng quá trình tìm kiếm những điều tốt đẹp và tự mình chịu trách nhiệm, vượt qua những thách thức, khó khăn để chạm đến điều con muốn, bắt đầu từ sự lựa chọn của bản thân.
|