ĐỜI SỐNG

Phát hiện lục địa mới ẩn sâu dưới châu Âu

Kim Ngân • 25-09-2019 • Lượt xem: 10009
Phát hiện lục địa mới ẩn sâu dưới châu Âu

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một lục địa ẩn trên Trái đất, nhưng đó không phải là “lục địa huyền thoại” Atlantis mà là Greater Adria. Lục địa mới này có kích thước bằng Greenland (hơn 2 triệu km2) và đã tách ra khỏi Bắc Phi, bị chôn sâu dưới Nam Âu khoảng 140 triệu năm trước. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Gondwana Research.

Tin, bài liên quan:

Không ảnh ngoạn mục của băng đảo Iceland và Greenland

Băng tan kỷ lục tại đảo lớn nhất thế giới

Kỳ bí thành phố 1.300 tuổi dưới đáy hồ

Các nhà khoa học vừa tìm thấy lục địa mới và đặt tên là Greater Adria khi tìm hiểu sự phát triển địa chất phức tạp của khu vực Địa Trung Hải.

Giáo sư Douwe van Hinsbergen chuyên nghiên cứu về kiến ​​tạo toàn cầu và cổ sinh vật học tại Đại học Utrecht (Hà Lan) cho biết: "Mỗi năm có một lượng lớn khách du lịch nghỉ dưỡng trên lục địa Greater Adria đã mất mà không nhận ra". Và rất có thể, bạn cũng từng ở đó mà không hay biết.

Nghiên cứu sự tiến hóa của các dãy núi có thể cho thấy sự tiến hóa của các lục địa. "Hầu hết các dãy núi mà chúng tôi điều tra có nguồn gốc từ một lục địa duy nhất tách khỏi Bắc Phi hơn 200 triệu năm trước. Phần duy nhất còn lại của lục địa này là một dải chạy từ Torino qua Biển Adriatic đến gót giày hình thành nước Ý", giáo sư Douwe van Hinsbergen nói.

Một phần của dãy núi Apennine ở Công viên quốc gia Gran Sasso và Monti della Laga, Abruzzo, Ý. Đây là tàn dư của lục địa đã mất Greater Adria

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng lục địa Greater Adria hình thành khoảng 240 triệu năm trước trong thời kỳ Triassic. Vào 140 triệu năm trước, châu Âu và Greater Adria va chạm khiến Greater Adria bị hôn vùi chìm xuống bên dưới Địa Trung Hải, phần nổi còn lại hiện là Ý, Hy Lạp và các nước Baltic.

Lục địa Greater Adria, phần lớn ở dưới nước, được bao phủ bởi những vùng biển nông, rạn san hô và trầm tích. Khi Greater Adria bị chôn vùi dưới lòng Nam Âu, các trầm tích của khối đất đá dần bị loại bỏ, những mảnh vụn tạo thành những dãy núi Alps, Apennines, Balkans, Hy Lạp và Taurus (Thổ Nhĩ Kỳ).

Tàn dư của lục địa đã mất có thể được nhìn thấy ở dãy núi Taurus (Kim Ngưu), Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà nghiên cứu cho biết, Địa Trung Hải là một trong những khu vực có địa chất phức tạp nhất thế giới nên việc tái tạo lại quá trình tiến hóa của các dãy núi nơi đây cần có sự hợp tác khảo sát địa chất của hơn 30 quốc gia. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phần mềm tái tạo mảng, kết hợp cùng hàng ngàn điểm dữ liệu về chuyển động của mảng kiến tạo Trái đất để có hình ảnh cuối cùng về lục địa bị mất và thấy khác nhiều so với bản đồ các châu lục ngày nay.

Bản đồ lục địa Greater Adria được các nhà khoa học tái tạo lại

"Từ bản đồ này đã xuất hiện bức tranh của Greater Adria và một số khối lục địa nhỏ hơn, hiện đang tạo thành một phần của Romania, Bắc Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Armenia. Những tàn dư bị biến dạng của vài km trên cùng của lục địa bị mất vẫn có thể được nhìn thấy trong các dãy núi. Phần còn lại của mảng lục địa, dày khoảng 100 km, rơi xuống Nam Âu vào lớp phủ của Trái đất, và chúng ta có thể vẫn theo dõi bằng sóng địa chấn lên tới độ sâu 1.500 km" Van Hinsbergen nói.

Giáo sư Hinsbergen lưu ý những phần bị chìm của lục địa Greater Adria vẫn có ảnh hưởng đến châu Âu hiện nay. Giáo sư Hinsbergen cho rằng dưới sức nóng và áp suất khủng khiếp trong hàng chục triệu năm, những tảng đá vôi từ Greater Adria đã biến thành đá cẩm thạch mà người La Mã và Hy Lạp cổ đại đã dùng để xây các điện thờ.

Đây không phải là lần đầu tiên một lục địa bị mất đã được tìm thấy. Vào tháng 1/2017, các nhà nghiên cứu công bố phát hiện ra một lục địa bị mất còn sót lại từ siêu lục địa Gondwana, nơi bị phá vỡ 200 triệu năm trước. Mảnh còn sót lại, được bao phủ trong dung nham, hiện nằm dưới đảo quốc Mauritius ở Ấn Độ Dương.

Lục địa Zealandia được phát hiện trước đó

Vào tháng 9/2017, một nhóm nghiên cứu khác đã tìm thấy lục địa Zealandia bị mất qua việc khoan đại dương ở Nam Thái Bình Dương.