360 độ

Phát triển công trình xanh: Làm thế nào cho hiệu quả?

KTS. Trần Phụng Tiên Phuông • 26-12-2019 • Lượt xem: 3322
Phát triển công trình xanh: Làm thế nào cho hiệu quả?

Trong nhiều năm trở lại đây, công trình xanh đang từng bước nổi lên thành một đề tài nóng bỏng trên khắp toàn cầu, đặc biệt là ở những nước tiên tiến. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc vận động hưởng ứng công trình xanh đã diễn ra khắp nơi trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, các nhà hoạt động trong lĩnh vực này đã gặp phải những rào cản đôi khi từ chính những điều cơ bản. DDVN từng giới thiệu hội thảo Không gian xanh – tương lai xanh rất thành công, gây chú ý trong dư luận vào đầu tháng 12/2019 vừa qua. Trân trọng giới thiệu một bài viết mới của KTS Trần Phụng Tiên Phuông vừa gửi tới.

Tin, bài liên quan:

Livestream: “Không gian sống xanh - Không gian tương lai”

Không gian sống xanh và cuộc hành trình tìm về thiên nhiên

8 diễn giả nổi tiếng thảo luận về “Không gian sống xanh - Không gian tương lai”

Thế nào là công trình xanh?

Từ trước đến nay dường như chưa có một cuộc thống kê nào về kiến thức của người Việt Nam liên quan đến công trình xanh, cụ thể là người Việt Nam hiểu như thế nào về công trình xanh? Người viết cam đoan rằng ít nhất 95% người Việt Nam nghĩ rằng công trình xanh là công trình có nhiều cây xanh theo kiểu “đem quê về phố - đem vườn vào nhà”! Có một dạo trên các trang mạng xã hội có chia sẻ loạt ảnh theo kiểu “before & after” về một công trình nhà ở có trồng rất nhiều cây xanh. Các hình chụp khi công trình mới hoàn tất trông thật lộng lẫy với hàng loạt cây xanh um tùm tươi tốt nhưng các hình chụp khi công trình được đưa vào sử dụng khoảng 6 tháng thì hỡi ôi gần như toàn bộ cây xanh héo queo khiến công trình trông như một ngôi nhà hoang!!! Thế mới thấy trồng cây xanh thì rất dễ nhưng để nó sống tốt tươi xanh thì cần phải có các công tác chăm sóc tốn không ít công sức và thời gian…

KTS Trần Phụng Tiên Phuông phát biểu trong một hội thảo

Tuy nhiên, theo định nghĩa của Hội đồng Công trình xanh Thế giới thì “công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường. Công trình xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống”. Hóa ra công trình có nhiều cây xanh chỉ là một phần nhỏ của khái niệm “công trình xanh”. Phần định nghĩa thật ngắn gọn nhưng một công trình như thế nào thì được đánh giá là đạt chuẩn công trình xanh? Có rất nhiều tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh của nước ngoài lẫn Việt Nam với cả trăm tiêu chí đánh giá cùng những điểm số khác nhau mà nếu không được đào tạo chuyên môn về công trình xanh thì chẳng ai có thể biết được!!!

…Và vai trò của giáo dục

Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá thông tin về công trình xanh trong cộng đồng dân cư… Hãy khoan đề cập những tiêu chuẩn phức tạp nặng tính kỹ thuật của các nhà chuyên môn mà nên bắt đầu từ những công việc thật đơn giản…

- Phân loại rác thải để thuận tiện cho việc tiêu hủy hay tái sử dụng nguyên vật liệu sau này;  

- Ưu tiên sử dụng những sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái sinh;

- Sử dụng những vật liệu không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng;

- Sử dụng những sản phẩm gỗ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ những nông trại trồng cây lấy gỗ chứ không phải từ những cánh rừng nguyên sinh do lâm tặc đốn hạ;

- Sử dụng các thiết bị vệ sinh có chức năng tiết kiệm nước; hay lắp đặt tại nhà những thiết bị làm sạch nước bẩn để tái sử dụng…

Các diễn giả trong Hội thảo Không gian xanh - tương lai xanh

Tất cả những hạng mục vừa nêu đều là những yếu tố trong rất nhiều yếu tố để đánh giá một công trình xanh. Và chúng ta nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ những khái niệm đơn giản nhất để giáo dục cho cộng đồng dân cư biết về công trình xanh mà từng bước làm theo… Bởi vì mục tiêu của công trình xanh là một môi trường sống trong lành cho cả địa cầu chứ không chỉ riêng các dự án xây dựng đạt chuẩn xanh mà thôi. Tuy nhiên, giáo dục lý thuyết suông chưa bao giờ là hiệu quả nếu thiếu đi những chính sách thiết thực từ các cơ quan chức năng.

…Cùng những chính sách xã hội

Việc giáo dục công chúng thực hiện công trình xanh sẽ thực sự hiệu quả nếu có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Người viết xin đơn cử 2 hạng mục nằm trong các tiêu chí đánh giá công trình xanh mà bất cứ gia đình nào cũng phải sử dụng – đó là gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh. Trên thị trường hiện nay có một số ít loại gạch ốp lát được dán nhãn “xanh” do gạch được sản xuất bằng vật liệu tái chế chứ không sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên như đa số các loại gạch thông thường. Do phải áp dụng công nghệ tái chế những vật liệu cũ bỏ đi thành nguyên liệu mới để sản xuất gạch nên giá thành của các loại gạch dán mác “xanh” sẽ đắt hơn các loại gạch thông thường một tí. Tương tự ở hạng mục thiết bị vệ sinh, các loại bồn cầu hay vòi rửa có 2 cấp xả nước nhiều và ít sẽ có giá thành đắt hơn một tí so với các thiết bị cùng loại nhưng chỉ có một chế độ xả nước nhiều gây lãng phí tài nguyên nước.

Hội thảo Không gian xanh - tương lai xanh thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực không gian đô thị

Gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh chỉ là 2 hạng mục nhỏ nhưng khối lượng sử dụng là cực lớn nên mức độ tác động của nó đối với môi trường cũng sẽ rất cao cho dù là tốt hay xấu. Nếu các cơ quan chức năng thực sự hiểu biết và quan tâm đến công trình xanh thì nên có những chính sách hỗ trợ các sản phẩm “xanh” bằng cách đánh thuế mạnh lên các sản phẩm không “xanh” và ngược lại ưu tiên miễn giảm thuế cho các sản phẩm “xanh” như một hình thức trợ giá giúp các sản phẩm “xanh” dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với người tiêu dùng. Hiện tại vì lý do giá thành hơi cao nên các sản phẩm “xanh” bị hạn chế khi cạnh tranh với các sản phẩm không “xanh”. Điều này sẽ được cải thiện nếu có sự hỗ trợ thiết thực của các chính sách xã hội từ chính quyền là vậy. Tóm lại, muốn công trình xanh được phát triển hiệu quả ở bất cứ một quốc gia nào thì trước hết cái đầu của các vị lãnh đạo ở quốc gia đó bắt buộc phải “xanh” !!!

T.P.T.P