VĂN HÓA

Phong tục cúng ông Công ông Táo - nét đẹp văn hóa đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam

Quyên Cát • 21-01-2025 • Lượt xem: 123
Phong tục cúng ông Công ông Táo - nét đẹp văn hóa đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam

Hôm nay, 22-1, là ngày 23 tháng Chạp theo âm lịch, ngày mà các tất cả gia đình Việt Nam thực hiện nghi thức truyền thống cúng ông Công, ông Táo. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa và là truyền thống bao đời nay của người dân Việt Nam, với ý nghĩa tiễn năm cũ đón năm mới bình an, sung túc và nhiều may mắn, thuận lợi.

Cùng theo chân Duyên Dáng Việt Nam tìm hiểu những nét đặc trưng nổi bật trong phong tục truyền thống ngày Tết này nhé! 

1. “Sự tích ông Táo - chuyện Hai ông Một bà” làm nên nét đẹp truyền thống ngày nay

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ địa, Thổ kỳ của Trung Hoa nhưng được dân gian Việt Nam lưu truyền thành sự tích "2 ông 1 bà" là Thần Đất, Thần Nhà, Thần Bếp và người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo theo phong tục việt nam.

Theo dân gian kể lại, ngày xa xưa có một đôi vợ chồng, vợ là Thị Nhi, chồng là Trọng Cao, sống với nhau mặn nồng tha thiết. Thế nhưng một hôm vì nóng giận, Trọng Cao làm Thị Nhi uất ức mà bỏ nhà đi. Thị Nhi lang thang đến một ngôi làng nọ gặp được Phạm Lang và rồi cả hai phải lòng nhau và kết duyên vợ chồng.

Sự tích ông Táo - chuyện Hai ông một bà - tranh dân gian

Về sau, khi Trọng Cao nguôi giận, vì quá thương nhớ vợ đã đi từ xứ này đến xứ khác để tìm vợ, đến khi trong người chẳng còn gì, Trọng Cao lâm vào cảnh ăn xin để sống qua ngày.

Một ngày nọ trong lúc xin ăn vào ngày 23 tháng Chạp, Trọng Cao vô tình gặp Thị Nhi đang đốt giấy tiền vàng bạc trước cửa nhà. Nhận ra chồng cũ, cảm thấy thương xót nên Thị Nhi mang gạo ra giúp đỡ. Phạm Lang trông thấy và tỏ lòng nghi ngờ Thị Nhi. Thị Nhi lấy lòng xấu hổ và nhảy vào đống lửa tự vẫn. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo. Phạm Lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.

Ngọc Hoàng trông thấy xót thương cho mối tình của 3 người bèn phong cho cả 3 thành Táo Quân với nhiệm vụ trông coi việc bếp núc, đất đai, chợ búa của nhân gian và lên trời bẩm báo Ngọc Hoàng từ 23 tháng Chạp hàng năm.

Từ đó cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt lại cúng đưa tiễn ông Táo về trời để bẩm báo việc nhân gian cho Ngọc Hoàng.

2. Phong tục thờ cúng Táo Quân 

Phong tục thờ cúng Táo quân là một tín ngưỡng văn hoá dân gian chứa đựng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Ông bà ta quan niệm rằng căn bếp của mỗi gia đình được ba vị Táo quân (hay còn gọi là ông Công ông Táo) cai quản. Ông Táo (hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày của gia chủ, quyết định sự may rủi, phúc họa đồng thời ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giúp giữ bình yên cho gia đình gia chủ.

Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp (tức 23.12 Âm lịch) hàng năm là ngày các gia đình Việt cúng tiễn Táo quân về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc gia chủ đã làm trong suốt một năm vừa qua. Chính vì thế với người Việt từ xa xưa luôn coi đây là một trong những ngày lễ rất quan trọng. Ở mỗi miền trên đất nước Việt Nam, người dân lại có những nét đặc trưng riêng trong ngày đưa ông Công ông Táo về trời.

 

Phong tục thờ cúng Táo Quân là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam

3. Lễ vật và mâm cúng ông Công ông Táo

Lễ vật cúng ông Táo gồm:

Mũ ông Táo: 3 chiếc, gồm 2 mũ có cánh chuồn dành cho Táo ông và 1 mũ không cánh chuồn dành cho Táo bà.

Quần áo giấy: 2 bộ nam và 1 bộ nữ.

Hài Táo quân: 2 đôi hài nam và 1 đôi hài nữ.

Các lễ vật khác: Trái cây tươi, cau trầu tươi, hương, nến, rượu nếp hoặc trà.

Cá chép: ông bà ta quan niệm rằng cá chép hóa rồng chính là phương tiện để các Táo về trời. Do đó, đây cũng là lễ vật không thể thiếu trong ngày cúng ông Công ông Táo. Người miền Bắc thường chuẩn bị 3 con cá chép đỏ sống thả trong chậu nước. Sau lễ, cá sẽ được phóng sinh ở ao, hồ, hoặc sông. 

Trong khi đó, miền Trung và miền Nam lại biến tấu theo cách đơn giản hơn. Người Miền Trung sử dụng ngựa giấy, còn người miền Nam chọn mũ, áo hài và cá chép giấy đơn giản hơn.

Mâm cơm cúng ông Táo:

Việc lựa chọn mâm cúng ông Công ông Táo sẽ tùy vào điều kiện mỗi gia đình, mâm cơm cúng có thể là món mặn hoặc chay, không cần quá cầu kỳ. Một số món phổ biến gồm:

Gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc).
Xôi gấc (hoặc xôi lá cẩm, xôi đậu, xôi lá nếp).
Giò lợn luộc, bánh chưng.
Canh măng chân giò (hoặc canh mọc).
Rau xào thập cẩm, chả rán, thịt đông.
Một chén gạo và một chén muối.
Ngoài ra, nhiều gia đình còn thêm các món chè như chè hoa cau, chè trôi nước, hoặc các loại bánh trái. 

Lễ cúng không chỉ là để tiễn đưa các Táo về trời mà còn thể hiện lòng thành kính và mong ước gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới.

Lễ vật và mâm cúng ông Công ông Táo

4. Ngày - giờ cúng ông Công ông Táo

Theo phong tục truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch (tức hôm nay, 22.1.2025 dương lịch) là ngày chính thức để cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. 

Tuy nhiên, theo các tài liệu văn hóa, các gia đình cũng có thể cúng ông Công ông Táo từ ngày 21 âm lịch và hoàn tất trước giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp. Do đó, không nhất thiết phải cúng đúng vào ngày 23 tháng Chạp.

Khung giờ vàng cúng ông Công ông Táo
Ngày 21 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 7h10 đến 8h50.
Ngày 22 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 7h10 đến 8h50.
Ngày 23 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 5h10 đến 6h50.

Lễ cúng ông Táo về trời là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của mọi người dân Việt Nam, với mong muốn sự may mắn, tài lộc và hạnh phúc cho gia đình trong năm mới, đồng thời cũng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần linh, góp phần tôn vinh giá trị tâm linh trong đời sống hàng ngày của người dân Việt.