VĂN HÓA

Phục sinh làng gốm cổ thất truyền từ thế kỷ 15

Nguyễn Hậu • 08-07-2022 • Lượt xem: 893
Phục sinh làng gốm cổ thất truyền từ thế kỷ 15

Thế kỷ 15 có một thương hiệu gốm nổi tiếng đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ, các sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới thì bỗng nhiên biến mất như chưa từng tồn tại.

Sự phát hiện bất ngờ khai mở làng gốm cổ Chu Đậu

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 câu chuyện về làng gốm này mới được khai mở. Có lẽ sẽ không ai biết được có một làng gốm từng rất phồn thịnh. Sản phẩm được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Cho đến khi các nhà nghiên cứu thế giới phát hiện ra dòng chữ được in trên chiếc bình gốm cổ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1980, ông Makato Anabuki nguyên là bí thư thứ hai, đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm được trưng bày tại viện bảo tàng Topkapi Saray Thổ Nhĩ Kỳ. Trên bình có ghi dòng chữ Hán

"Thái Hòa bát niên Nam Sách Châu

Tượng nhân Bùi Thị Hý bút" 

Tạm dịch là năm Thái Hòa thứ 8 tức là năm 1450 thợ gốm người Châu Nam Sách vẽ. Cũng từ thông tin lưu lại trên chiếc bình quý đó mà các cơ quan chức năng cũng như các nhà nghiên cứu đã sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ Chu Đậu hiện nay.

Năm 1983, khi các cán bộ nghiên cứu của bảo tàng Hải Dương đi nghiên cứu, sưu tầm về các làng nghề thì đã phát hiện ra những mảnh gốm tại Chu Đậu. Từ đây câu chuyện về gốm Chu Đậu bắt đầu khai mở.

Tháng 4 năm 1986, cuộc khai quật đầu tiên ở Chu Đậu được tiến hành. Kết quả rất bất ngờ khi các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật của một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp mà từ trước đến nay chưa từng được phát hiện.

Từ đó đến nay qua hơn 10 lần quay khai quật ở độ sâu 2 mét trên diện tích 70.000 mét vuông. Các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm cổ dưới lòng đất.

Cái tên gốm Chu Đậu được lấy theo tên ngôi làng đầu tiên phát hiện gốm. Đồng thời được ghi vào bản đồ khảo cổ học là một di tích quan trọng bậc nhất của gốm sứ Việt Nam. Kết quả những cuộc khai quật sau đó không chỉ làm giới chuyên môn kinh ngạc mà còn giúp người dân địa phương khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên mình.

Việc phát hiện lớp lộ tầng và khối lượng hiện vật đồ sộ có lẽ chưa đủ để hình dung được sự phát triển phồn vinh của gốm Chu Đậu lúc bấy giờ nếu như không có sự phát hiện con tàu đắm ở Cù Lao Chàm.

Năm 1997 trong quá trình khảo sát và khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam đã phát hiện ra số lượng lớn các hiện vật là đồ gốm Chu Đậu. 

Trước đó năm 1975 đội ngũ đông đảo dân vạn đò trên sông Hương của Huế đã trục vớt được rất nhiều những hiện vật gốm vẽ hoa lam trắng ngà phong cách đáy màu socola. Nhưng không ai biết xuất xứ mãi đến khi có kết quả các cuộc khai quật khảo cổ ở Chu Đậu, Nam Sách, Hải Dương và con tàu đắm Cù Lao Chàm thì mới biết đây là gốm Chu Đậu. Những tư liệu lịch sử quan trọng trên đã khẳng định đồ gốm Chu Đậu đã được ưa chuộng và xuất khẩu đi nhiều nước lúc bấy giờ. 

Sự phát triển phồn thịnh của gốm Chu Đậu

Sự phát triển phồn thịnh của gốm Chu Đậu lúc bấy giờ có lẽ là do nhu cầu trong nước cũng như đòi hỏi của thị trường nước ngoài cần nhiều sản phẩm gốm. Nên ngoài các lò gốm thủ công nhỏ lẻ ở khắp các vùng nông thôn, trên nhiều vùng đất nước đã hình thành các trung tâm sản xuất gốm khá nổi tiếng. Hải Dương là một trong tứ trấn kinh thành Thăng Long xưa nên trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có trên 15 trung tâm sản xuất gốm sứ. Có những làng gốm có niên đại từ thế kỷ thứ 11, 12 đến nay. Điều đó chứng tỏ bề dày sản xuất gốm của Hải Dương.

Ở thời kỳ này gốm hoa nâu và gốm men ngọc đã mất dần vị trí độc tôn bắt đầu nhường chỗ cho gốm hoa lam theo phong cách nghệ thuật mới. Gốm hoa lam là mốc thứ ba trên tiến trình lịch sử phát triển của gốm cổ Việt Nam cả về phương diện kỹ thuật và nghệ thuật trang trí. Tiêu biểu cho gốm Hoa Lam nước ta thời bấy giờ chính là gốm Chu Đậu. 

Gốm Chu Đậu được làm từ loại đất sét trắng chỉ có ở vùng Chí Linh, Hải Dương. Chính nguồn nguyên liệu đặc biệt này đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho dòng gốm này. Cùng với sự tài hoa của những người thợ đã tạo ra những sản phẩm gốm với nhiều hình dáng khác nhau phù hợp với nhiều không gian, tạo nên sự sang trọng cho ngôi nhà.

Gốm Chu Đậu được ưa chuộng là bởi chất lượng gốm: Mỏng như giấy, trong trắng như ngọc ngà, kêu như chuông, hoạ tiết, hoa văn, chất men, hình dáng đều mang đậm bản sắc Việt thể hiện trình độ nghệ thuật tinh xảo đỉnh cao. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên một dòng gốm nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. 

Sự suy tàn và biến mất của gốm Chu Đậu 

Gốm Chu Đậu đang trong thời kỳ phát triển phồn thịnh thì bỗng nhiên biến mất như chưa từng tồn tại. Lý giải cho điều này các nhà nghiên cứu đưa ra các nguyên nhân sau.

Một là do cuộc chiến tranh Lê Mạc, hai là do sự mở cửa vào cuối thời nhà Minh. Đây chính là những nguyên nhân khiến dòng gốm này biến mất.

Việc truy quét của nhà Lê Trịnh đối với nhà Mạc đã làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất gốm Chu Đậu. Vào năm kết thúc nhà Mạc năm 1592 cũng là năm kết thúc gốm Chu Đậu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác nhất.

Sự phục sinh của gốm Chu Đậu 

Ngày nay gốm Chu Đậu trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của gốm Việt Nam. Và hiện là dòng gốm duy nhất ở Việt Nam đang được nhân loại gìn giữ trong 46 bảo tàng nghệ thuật gốm nổi tiếng của 32 quốc gia trên thế giới. Những sản phẩm gốm Chu Đậu được trưng bày trong các bảo tàng này có giá từ hàng nghìn đô đến triệu đô.

Sau gần 4 thế kỷ bị thất truyền gốm Chu Đậu đã hoàn toàn hồi sinh trở lại, ngày càng đa dạng về mẫu mã sản phẩm. Chất lượng sản phẩm và giá trị nghệ thuật lại càng được nâng cao, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Năm 2019, làng gốm cổ Chu Đậu được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”. Năm 2020, gốm Chu Đậu đã được công nhận là thương hiệu quốc gia. Những năm gần đây làng gốm Chu Đậu đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Giúp người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa Việt Nam ra khắp thế giới.