VĂN HÓA

Sầu đâu Nam Bộ - Vị đắng làm say lòng người xa xứ

Tam Nguyên • 21-09-2023 • Lượt xem: 4301
Sầu đâu Nam Bộ - Vị đắng làm say lòng người xa xứ

Món ăn là sự pha trộn giữa vị đắng của lá sầu đâu, cái mằn mặn của khô cá sặc, chua của xoài, hương thơm nồng các loại rau rất hấp dẫn dễ dàng làm xiêu lòng những người con miền Tây xa xứ.

Vị đắng lá sầu đâu miền sông nước

Sầu đâu hay còn có các tên gọi khác là sầu đông, nim, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi, xoan trắng, xoan chịu hạn, xoan Ấn Độ. Cây sầu đâu sống ở các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Myanma và tại các khu vực nhiệt đới và bán nhiệt đới.

Tại Việt Nam, sầu đâu là loại cây hoang dã, mọc nhiều nhất ở Châu Đốc (An Giang), Kiên Giang, Bạc Liêu… Không như cây sầu đâu (sầu đông) phổ biến ở miền Trung, có hoa màu tím, lá độc không ăn được. Cây sầu đâu ở miền Tây có hoa màu trắng, lá có vị đắng, thường được người dân ở đây chế biến thành món gỏi sầu đâu ngon miệng. Cây lớn nhanh có thể đạt chiều cao 15–20 m, hiếm khi cao 35–40 m. Đây là cây thường xanh nhưng gặp khi hạn hán thì cây có thể rụng hết lá.

Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Hàng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Người dân thường hái đọt, lá sầu đâu non để ăn và bán. Đây cũng là thời điểm trên các mâm cơm gia đình, nhà hàng, quán ăn xuất hiện món gỏi sầu đâu. Nếu có dịp ghé chợ Tri Tôn (An Giang) vào thời gian này, bạn có thể thấy từng bó lá và hoa sầu đâu được bán đầy trong chợ. 

Món gỏi sầu đâu trứ danh miền Tây

Để làm món gỏi sầu đâu trứ dành của người miền Tây, bạn chỉ cần mua lá và bông sầu đâu về, trộn chung với các nguyên liệu khác như khô cá sặc, thịt ba chỉ, dưa leo, xoài sống, các loại rau thơm,… tạo nên món gỏi sầu đâu đặc trưng nổi tiếng ở vùng đất này.

Lá sầu đâu có vị đắng nên sau khi lặt những lá non, rửa sạch, người ta thường cho lá vào nồi chần với nước sôi cho bớt vị đắng. Các nguyên liệu khác được chế biến đơn giản, các nguyên liệu trộn lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt lên trên, trộn lại thật đều cho thấm gia vị là được. Gắp một miếng gỏi sầu đâu chấm và thưởng thức. Vị béo của thịt, ngọt của tôm, chua của xoài hòa lẫn vị hơi đắng của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác tạo nên một cảm giác lạ miệng và thơm ngon rất khó diễn tả.

Nếu như ở An Giang, gỏi sầu đâu phổ biến nhất vẫn là sầu đâu trộn khô cá lóc. Khô cá lóc làm gỏi sầu đâu ngon nhất là loại mới đem phơi được 2-3 nắng. Khô cá lóc đem nướng than hoa cho chín rồi đem xé nhỏ trộn với lá, đọt sầu đâu kèm ớt, tỏi, nước me chua, đường, nước mắm nhĩ.

Còn ở miệt Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh... lại phổ biến hơn với món gỏi sầu đâu trộn với khô cá sặc. Khô cá sặc vốn sẵn có nhiều hơn ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu và khi làm gỏi sầu đâu có vị riêng. Đó là vị đắng của đọt, lá sầu đâu với vị mặn của khô cá sặt. Với món gỏi sầu đâu, một số nơi còn gia giảm thêm một số loại rau, quả khác như dưa leo, xoài xanh,...

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, gỏi sầu đâu là món ăn của người Campuchia. Món ăn này du nhập vào miền Tây của Việt Nam qua những gia đình người Kh'mer sinh sống ở vùng ven biên giới của 2 nước.

Cây thuốc trị được nhiều loại bệnh

Theo nhiều nghiên cứu, cây sầu đâu có thể chữa được 40 loại bệnh khác nhau. 

Với người Ấn Độ, cây sầu đâu không chỉ được tôn thờ là cây thiêng mà còn được coi là một cây thuốc quý. Người dân địa phương thường sử dụng lá sầu đâu để điều trị bệnh về da, răng miệng và rối loạn đường huyết,... 

Ở Việt Nam, người dân thường sắc thuốc từ vỏ cây sầu đâu để làm thuốc chống sốt rét, chữa các bệnh ngoài da hoặc dùng lá chữa mụn nhọt, lở loét, eczema, dùng quả để làm thuốc tẩy giun…

Theo y học cổ truyền, lá sầu đâu vị đắng, tính mát, ăn được và là vị thuốc quý. Tác dụng kỳ diệu của lá sầu đâu đã được người Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét… Ngoài ra, nó còn giúp chống oxy hóa, kháng tác nhân gây đột biến gen hoặc ung thư.