ĐỜI SỐNG

Sinh con gái đầu lòng và nỗi niềm 'gánh nặng' với nữ giới tại Hàn Quốc

Hạ Vũ • 07-02-2023 • Lượt xem: 2219
Sinh con gái đầu lòng và nỗi niềm 'gánh nặng' với nữ giới tại Hàn Quốc

Theo tờ báo Korea Herald của Hàn Quốc, vai trò và nhiệm vụ của người con cả trong gia đình là rất quan trọng. Đặc biệt hơn, nếu người con cả là con gái đầu lòng thì họ phải gánh nhiều trọng trách nặng nề như kiếm tiền, phụ giúp cha mẹ hoặc những công việc nặng nhọc khác.

Một số lời bình của các chuyên gia về tâm lý học trên toàn thế giới cho biết, dù các quốc gia đang ở giai đoạn phát triển hiện đại nhưng đối với xã hội Hàn Quốc, những hủ tục mang tính gia trưởng, bảo thủ vẫn còn và đã ăn sâu vào máu của người dân. Đây cũng là nguyên nhân bắt nguồn cho các xung đột liên tục về quyền bình đẳng giới và các giá trị hiện đại ở Hàn Quốc. Điều này dẫn đến việc những cô con gái cả tự nhận thức về tầm quan trọng và gánh nặng gia đình là ưu tiên hàng đầu khiến cho họ cảm giác như bị gò ép, bó buộc trong sự kỳ vọng của cha mẹ để không cảm thấy tội lỗi hay ân hận.

Sức ép và trọng trách gánh vác gia đình khiến cho những cô gái con cả ở Hàn Quốc cảm thấy bó buộc. Hình ảnh: Internet

Hủ tục trở thành áp lực vô hình

Giáo sư tâm lý học pháp y, cô Lee Soo-jung cho biết, ở Hàn Quốc có một câu ngạn ngữ: “Con gái lớn là nền tảng sinh kế của gia đình”. Theo cô, đó không phải là một lời khen mà ở nó thậm chí còn mang một ý nghĩa cổ hủ, phân biệt đối xử đối với các bé gái đầu lòng.

Bên cạnh đó, cô Lee Soo-jung còn đề cập vào giai đoạn Hàn Quốc phát triển vượt trội qua lĩnh vực sản xuất tóc giả và đào tạo công nhân cho các xưởng nhà máy dệt vải nhất là những năm 1960 – 1980, các gia đình có con gái đầu lòng thường có xu hướng cho con thôi học, và đi làm. Cô Lee cho biết thêm, các bé gái trong vai trò là chị cả, thường sẽ phải giúp mẹ làm công việc nhà, song song là lao động tại các nhà máy, xí nghiệp để kiếm tiền cho các anh chị đi học. Tuy vấn đề trên đã có kha khá nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, nhưng vẫn không được giải quyết vì xã hội Hàn Quốc thời điểm đó quá khắt khe.

Chính vì vậy, các cô con gái đầu lòng luôn cảm thấy bản thân chịu quá nhiều áp lực, khi phải gánh vác mọi thứ trong gia đình. Ngoài ra, cô Lee còn nói thêm, theo thống kê số liệu thu thập từ năm 1960 ở khu vực Dongdaemun có khoảng 70% số nữ công nhân không tốt nghiệp tiểu học, và có hơn 80% lượng người lao động là các bé gái ở độ tuổi từ 10 đến 20.

Theo cô Lee, trách nhiệm là một trong số các từ khóa phổ biến nhất ở Hàn Quốc, đặc biệt là dành cho người con cả trong gia đình. Họ thường bị buộc phải trưởng thành sớm và có bổn phận thay cha mẹ chăm sóc đàn em. Điều này không chỉ được lên tiếng thông qua truyền thông báo chí, mà nó còn được khắc họa thành những bộ phim truyền hình nhiều tập và lan truyền rộng rãi trên thế giới.

Những cô con gái đầu lòng thường phải gạt bỏ ước mơ, vì phải ưu tiên chăm sóc gia đình. Hình ảnh: Internet

Trong một cuộc phỏng vấn với diễn viên Hong Seol, cô cho biết, bản thân đã từng chịu áp lực bởi các định kiến cổ hủ. Cô phải từ bỏ ước mơ đại học, tự vật lộn kiếm học bổng để trang trải, vì cha mẹ cô chỉ hỗ trợ kinh tế cho em trai. Nữ diễn viên chia sẻ thêm, các tác phẩm phim ảnh không thể nào miêu tả chính xác thực tế nhưng nó đã phần nào phản ảnh mặt tối của các cô con gái đầu ở Hàn Quốc đang gặp phải.

Những cô con cả cần phải được công nhận thành quả

Nhà tâm lý học Lee Seul-ky cho biết, đặc điểm chung của những cô con gái đầu lòng giữa đời thực và phim ảnh là vai trò, trách nhiệm, cũng như nghĩa vụ đối với gia đình nhưng bù lại họ không được tán dương hay khen thưởng.

Phụ nữ, đặc biệt là những người con cả ở Hàn Quốc phải đảm nhận song song việc nội trợ và xã hội cần được công nhận quyền bình đẳng giới. Hình ảnh: Internet

Nhà tâm lý học họ Lee tóm gọn, hiện tại những tiêu điểm mới về những cô con gái đầu lòng đã phản ánh sự thay đổi của thời gian. Khi mà ngày nay phụ nữ của xứ sở kim chi phần đông người đảm đương song song hai việc nội trợ và kiếm tiền ngoài xã hội. Nhưng trái ngược với đàn ông, sự hy sinh của họ thậm chí không được công nhận thành quả cũng như quyền bình đẳng giới ngay cả lúc họ chính là trụ cột trong gia đình.