VĂN HÓA

Sống ảo – 'bước tiến ngược' hay chỉ là niềm đam mê nhất thời?

Lan Hương • 17-04-2022 • Lượt xem: 530
Sống ảo – 'bước tiến ngược' hay chỉ là niềm đam mê nhất thời?

Mạng xã hội ngày càng phát triển khiến cho nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng lệ thuộc vào những gì các bạn cho là hay, là tốt, là đáng học hỏi và có xu thế  hưởng ứng tích cực các hoạt động trên hệ thống này mà quên mất mình đang sống trong thế giới thực tại.

Internet ra đời với mục tiêu cung cấp thông tin, kiến thức, giả trí, giao lưu, liên lạc, kéo mọi người xích lại gần nhau theo một chiều hướng tốt đẹp. Tuy nhiên một phần giới trẻ lại sa đà và rơi vào guồng xoáy của lối sống ảo. Thậm chí các bạn còn không nhận ra mình đang ngập chìm trong con đường xa rời thực tế này.

Trào lưu sống ảo trong giới trẻ hiện nay

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều tiếp cận với internet và các thông tin từ mạng xã hội không ít thì nhiều. Tuy nhiên không phải ai cũng tỉnh táo và sử dụng internet một cách có kiểm soát để tận dụng lợi ích mà phương tiện này đem lại. Rất nhiều bạn trẻ xem mạng xã hội như một mặt khác của cuộc sống để thể hiện mình trước thế giới bên ngoài. Bởi mong muốn được thỏa mãn cái tôi hay một bản thể khác của chính mình trên mạng mà họ không muốn bộc bạch trực tiếp cho những người bên cạnh.

Chính vì vậy, trào lưu sống ảo đã lan tràn rất nhanh và được hưởng ứng mạnh mẽ. Phần lớn thời gian các bạn sống quá lệ thuộc vào các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instargram… để tìm niềm vui hào nhoáng và để được mọi người tung hô, được nghe những lời khen ngợi, được mọi người thể hiện sự ngưỡng mộ hoặc đồng cảm với một dòng tâm trạng, một bức hình nào đó mà bạn muốn công khai với cả thế giới.

Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật trạng thái mọi lúc mọi nơi, các bạn sống ảo thậm chí còn cố tình tạo ra những hình ảnh khác xa với thực tế. Các bạn chỉ thích thú và quan tâm mình nhận được bao nhiêu lượt like, hoặc bao nhiêu bình luận trầm trồ khen ngợi. Bạn đăng tải một tấm hình nào đó thật sang chảnh và xinh đẹp bởi đã qua chỉnh sửa hàng nghìn lớp với rất nhiều phần mềm hỗ trợ, kèm thêm những dòng cảm xúc thật sâu sắc. Bạn tự huyễn hoặc mình trước những lời khen nhưng lại thấy bức xúc, tức tối và khó chịu khi có ai đó để lại lời chê bai, công kích.

Tại sao đa phần giới trẻ hiện nay lại đam mê sống ảo?

Không thể phủ nhận rằng ngày nay dù ở bất cứ đâu: khi đi trên đường, trong quán cà phê, trên xe buýt, ngoài công viên hay ngay cả trong thư viện… chúng ta đều bắt gặp hình ảnh nhiều người chăm chú vào điện thoại. Dẫu biết rằng đây là phương tiện để truy cập thông tin, xử lý công việc. Nhưng cũng không ít các bạn đang sử dụng nó như một cách thức để sống ảo và tìm niềm vui cho chính mình.

Có rất nhiều lý do dẫn đến thói quen sống ảo và nếu không làm chủ được bản thân, rất dễ để chúng ta sa đà và lún sâu khó thoát ra được. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang trượt dài trong những điều phi thực tế mà không quan tâm đến lý tưởng hay định hướng tương lai cho bản thân mình. Thực trạng này một phần là do ảnh hưởng lớn từ chính cuộc sống thực tại:

  • Các bạn thiếu sự quan tâm, chia sẻ, thiếu định hướng của người thân trong gia đình cũng như các mối quan hệ ngoài xã hội.

  • Không tìm được người hiểu mình trong cuộc sống hiện tại.

  • Muốn thể hiện mình nhưng không được người xung quanh thừa nhận.

  • Thỏa mãn những nhu cầu tinh thần bằng những giá trị ảo từ thế giới mạng.

  • Thiếu các hoạt động giao tiếp với cuộc sống bên ngoài.

  • Sống lệ thuộc vào các máy tính, điện thoại, game… nhưng lại không chắt lọc được những thông tin bổ ích từ những phương tiện này.

Ở một độ tuổi chênh vênh chưa xác định được mình muốn gì, cần gì và phải làm gì cho tương lai, khi không được định hướng từ gia đình và những người có trách nhiệm. Hơn nữa, ngay chính bản thân các bạn đã không làm chủ được mình, các bạn cảm thấy khó chịu, bức bối với cuộc sống hiện thực. Để rồi tìm đến mạng ảo như một nơi để giải toả, từ đó dễ dàng bị lôi kéo vào những điều ảo ảnh mà không lường trước được hệ quả sau này.

Sống ảo đem lại tác hại thế nào?

Việc chú tâm vào thế giới ảo khiến các bạn sống xa rời thực tế, không ít những vụ việc tiêu cực xảy ra và để lại hậu quả nghiêm trọng cũng chỉ vì lời hứa trên mạng. Hẳn là chúng ta đã nghe đến vụ việc châm lửa đốt trường của cô bé ở Khánh Hoà để thực hiện lời hứa nếu đủ like, hay hành động thiếu nhân văn của nhóm 4 người đàn ông chụp ảnh khỏa thân, phản cảm với lý do kêu gọi bảo vệ môi trường tại tỉnh Hà Giang.

Những hành động trên chỉ là để thoả mãn cảm xúc nhất thời nhằm được công nhận, được khen ngợi và khẳng định đẳng cấp của bản thân, sự ham mê xây dựng một hình tượng khác trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thực tại. Tuy nhiên, những điều này lại khiến con người trở nên vô cảm, dựng nên bức tường vô hình ngăn cách những con người đang ở cạnh nhau, tạo ra sự xa lạ giữa những người vô cùng thân thiết. Khi tất cả chỉ là thể hiện tình cảm vui, buồn, sẻ chia, cảm thông vô nghĩa.

Một điều đáng nói về hệ luỵ sống ảo nữa chính là hội chứng đám đông, hùa nhau theo những điều tiêu cực và tạo nên các anh hùng bàn phím, họ sẵn sàng mắng chử và miệt thị người mà họ thậm chí không hề quen biết, để rồi những lời nói, hành động trên mạng là ảo nhưng nó lại trở thành cảm xúc thật, tác động đến tâm lý của chính các bạn. Điều này không những gây ảnh hưởng đến bản thân các bạn mà còn tạo ra một bộ phận xã hội tiến bộ thụt lùi.

Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Không thể không công nhận lợi ích của mạng xã hội, nhưng lạm dụng và lệ thuộc vào nó chính là tự đi lùi trong cuộc sống của bạn. Cần cai nghiện “sống ảo” bằng việc đừng để mình phụ thuộc quá nhiều vào nó và “sống thật” với thực tại.

  • Hãy thường xuyên trò chuyện, kết nối với người thân bạn bè.

  • Tham gia các hoạt động xã hội để tích luỹ nhiều kỹ năng sống.

  • Học tập và trau dồi kiến thức để cống hiến nhiều hơn cho xã hội và không ngừng góp phần cho sự tiến bộ của đất nước.

Các bạn cần không ngừng chăm chút những giá trị đẹp bên trong bản thân, đón nhận những điều tích cực, trải nghiệm và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, cần cân bằng giữa “sống thật” và “sống ảo”. Đặc biệt hơn cả, bạn hãy xem mạng xã hội như một phương tiện để học tập và tạo nên những giá trị đẹp cho đời.