ĐỜI SỐNG

Sứa đỏ - món ăn kỳ lạ đất Hà Thành

Nguyễn Hậu • 14-05-2023 • Lượt xem: 1090
Sứa đỏ - món ăn kỳ lạ đất Hà Thành

Sứa đỏ - món ăn kỳ lạ đất Hà Thành, ai đã ăn rồi thì dễ nghiện và rất khó từ bỏ nhưng đối với những người lần đầu thưởng thức có thể sẽ chần chừ hoặc không dám ăn.

Sứa đỏ là một món ăn quen thuộc đặc biệt của nhiều thế hệ người dân phố cổ Hà Thành cứ mỗi độ giao mùa từ xuân sang hạ. Có nhiều người có thâm niên ăn đến 30 - 40 - 50 năm, cứ mỗi mùa sứa về là phải đi ăn cho đã cơn thèm. Sứa càng ăn lâu thì lại càng thích ăn những miếng dầy có vị dai giòn, đối với người mới tập ăn thì chỉ dám ăn phần rìa mỏng của nó. Sứa ăn rất mát, không có mùi, không có vị thế nhưng món sứa lại gây ấn tượng bởi vị của nó được tạo bởi đậu nướng, dừa cắt, mắm tôm, rau sống hòa quyện với nhau để lại dư vị nhớ mãi không quên.

Sứa đỏ - món ăn độc đáo của Hà Nội

Sứa đỏ ở Hà Nội có xuất xứ từ Hải Phòng vì vậy nó có màu đỏ tuyệt đẹp. Nhưng nguyên bản thì sứa có màu trắng. Người ta lấy cây sú vẹt ở ngoài biển cưa ra như mùn cưa rồi ướp vào sứa muối lên tạo thành màu đỏ và độ giòn. Mỗi vùng sứa lại có một màu khác nhau. Như ở Thanh Hóa người ta làm sứa thành màu xanh, ở Thái Bình thì làm sứa thành màu nâu, có vùng lại làm sứa thành màu hồng nhạt.

Sứa là món ăn khiến ai đi qua cũng phải tò mò, ngó nhìn, đặc biệt là những du khách nước ngoài vì nó quá lạ, với màu sắc ấn tượng. Nhưng không phải du khách nào cũng dám thử. Khi tới mùa sứa, những ai du lịch tới Hà Nội hầu như đều được hướng dẫn viên trong đoàn... "chỉ điểm" để không bỏ lỡ món ăn độc đáo của đất thủ đô.

Một hàng sứa đỏ tuổi đời trên 30 năm ở Thanh Hà, Hà Nội.

Tất nhiên, để thưởng thức món sứa ngon thì phải lên phố cổ với những cái tên quen thuộc như Phố Thanh Hà, Đường Thành, Hàng Chiếu. 

Sứa ngon là vậy nhưng không phải là một món dễ ăn đối với người ăn lần đầu. Nhưng đây chắc chắn là món ăn dễ gây nghiện. Chẳng thế mà người Hà Nội ở khu phố cổ quá quen thuộc với mỗi mùa sứa về, người ta ăn hết mùa này lại sang mùa khác mà vẫn không chán. Họ ăn từ thế hệ ông bà đến thế hệ con cháu, từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ thế nối tiếp nhau gìn giữ hương vị truyền thống.