VĂN HÓA
'Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu' - Làn gió mới cho dòng phim trinh thám cổ trang của điện ảnh Việt
Quỳnh • 16-05-2025 • Lượt xem: 25

Sau hai năm im hơi lặng tiếng, liệu sự trở lại của Victor Vũ với bộ phim trinh thám cổ trang 'Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu' có thể thoả mãn khán giả Việt?
Theo mình câu trả lời là có. Bộ phim được lên sóng vào dịp lễ 30.4 và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ công chúng và giới chuyên môn. Theo thống kê từ chuyên trang phòng vé độc lập Box Office Vietnam, tính đến 21 giờ ngày 14.5, tổng doanh thu của 'Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu' đạt 211 tỷ đồng, trở thành tác phẩm có doanh thu ra mắt vào dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay cao nhất.
Với mình, dù 'Thám tử Kiên' không hẳn là một bộ phim quá ấn tượng, nó vẫn mang đến cho mình trải nghiệm vừa đủ, để mình có thể cùng các các nhân vật trải qua hành trình tìm kiếm sự thật, dù đôi lúc “vấp ổ gà”, nhưng vẫn để lại một ấn tượng tốt đẹp và thoả mãn sau khi xem xong.
Thám tử Kiên và Hai Mẫn cùng nhau đi điều tra sự mất tích của Nga
Với phong cách dẫn nhập nhanh gọn, vừa bắt đầu thì bộ phim đã giới thiệu ngay bối cảnh về một loạt cái chết bí ẩn xảy ra tại ngôi làng ven sông, về những thi thể mất đầu được mọi người rỉ tai nhau là do... ma da gây ra và nạn nhân tiếp theo chính là là Nga (Minh Anh) – cháu gái của Hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp) - nữ chính. Vô cùng lo lắng cho sự an nguy của cháu, Hai Mẫn viết thư cầu cứu Thám tử Kiên (Quốc Huy). Và câu chuyện của chúng ta từ đó bắt đầu…
Nhiều đánh giá cho rằng nửa đầu của bộ phim hơi lê thê và nhàm chán, nhưng mình nghĩ đó là ý đồ của đạo diễn muốn dẫn dụ người xem đi lòng vòng qua từng manh mối của vụ án, từ từ khơi mở từng vấn đề, để rồi xâu chuỗi tất cả các manh mối lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
Thám tử Kiên và ' trợ lý' Hai Mẫn thảo luận các manh mối tìm được
Điểm mình cảm thấy không thích nhất trong nửa đầu bộ phim, hay có lẽ là cả bộ phim, chính là nhân vật Hai Mẫn của Đinh Ngọc Diệp. Hai Mẫn được xây dựng theo dạng vai phụ tác cho nhân vật chính (side-kick), đây là mô-tuýp khá quen thuộc ở nhiều bộ phim trinh thám nổi tiếng. Thường đây sẽ là trợ tá đắc lực và đôi khi hơi ngây ngô, ngớ ngẩn, là chất liệu gây cười và làm dịu sự căng thẳng của bộ phim. Nhưng bối cảnh nhân vật Hai Mẫn thì lại đang ngày đêm tìm kiếm người cháu mất tích, điều này khiến cho sự xuất hiện của nhân vật này lúc thì hài hước, lúc thì lại căng thẳng tột độ. Có lẽ Đinh Ngọc Diệp đã gặp khó khăn trong việc cân bằng những phân cảnh như hai thái cực này, vừa phải tạo ra tình tiết gây cười trong các đoạn trò chuyện ngây ngô; vừa phải thể hiện sự lo lắng bất an tột độ khi cháu gái của mình đang trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, chưa biết an nguy thế nào.
Và nam chính Quốc Huy trong vai thám tử Kiên với mình cũng hơi nhạt nhòa. Anh diễn tròn vai một người thám tử bình tĩnh và điềm đạm, theo đuổi chính nghĩa và hết lòng điều tra sự thật… Có lẽ vì quá điềm đạm, mình nghĩ Quốc Huy không hợp lắm với vai một thám tử có tư duy sắc bén như thám tử Kiên.
Ngược lại với hai vai chính, tuyến nhân vật phụ đối với mình lại là điểm sáng đáng kể. Mình cực kì ấn tượng với diễn xuất của NSND Mỹ Uyên trong vai Bà Vượng, vợ quan Liêm, một người phụ nữ sắc bén, bất chấp thủ đoạn để có thể bảo vệ con gái. Tiktoker Tín Nguyễn cũng nhập vai hầu gái Mùi một cách xuất sắc. Và người ít được nhắc đến nhất, diễn viên Sỹ Toàn trong vai phản diện Đông, mình thấy rất ít thông tin và bài viết nói đến vai diễn của anh, nhưng anh thật sự là mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên thành công của bộ phim. Nếu không thể hiện được sự độc ác và tàn bạo của nhân vật phản diện, sẽ khó lòng tôn lên được cái tài và sự chính trực của nam chính, cũng như cốt lõi cái thiện tất thắng của bộ phim.
Ngoài diễn xuất thì mình nghĩ bối cảnh và trang phục cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự chỉn chu và thành công của bộ phim. Với hơn một nghìn bộ đồ được thiết kế riêng, cẩn thận phân cấp rõ ràng theo từng tầng lớp xã hội: áo dài lụa, áo tứ thân, nón quai thao, khăn vấn… Theo mình tìm hiểu thì tất cả đều được chuẩn bị kĩ lưỡng nhất có thể. Một trong những khó khăn của tổ phục trang chính là việc dùng chất liệu mới có thể tạo cảm giác không đúng với bối cảnh câu chuyện, đội ngũ thiết kế đã phải tẩy vải rồi nhuộm lại nhằm tạo nên sự bạc màu cũ kĩ, để người xem cảm thấy nhân vật thực sự sống trong thời đại của họ.
Trang phục thể hiện sự khác biệt tầng lớp xã hội
Bên cạnh sự ngưỡng mộ về khâu chuẩn bị trang phục, thật ra mình có một thắc mắc nhỏ về cách mặc áo dài trong phim? Mình để ý các nhân vật nữ như Hai Mẫn, Nga, Tuyết, khi mặc áo dài đều không cài nút áo trên, mình không rõ đây là nét cách điệu trong tạo hình hay thật sự người thời đấy sẽ mặc như vậy. Có thể nhiều người sẽ cảm thấy mình hơi khắt khe quá đối với những chi tiết này, nhưng là một người yêu thích văn hoá truyền thống của Việt Nam nói chung, mình cảm thấy nếu đoàn làm phim đã đầu tư nhiều như vậy về khâu trang phục, những tiểu tiết như thế này cũng nên làm đúng, để tránh những hiểu nhầm sai lệch về cách mặc áo dài thời xưa.
Hai Mẫn và trang phục áo dài, với nút trên không cài của cô
Nhìn chung, kịch bản 'Thám Tử Kiên' có cấu trúc ổn, biết cách mở nút, thắt nút và giữ được sự tò mò vừa đủ cho người xem. Tuy vậy, vẫn có những tình tiết hơi gượng gạo, hoặc một số đoạn đối thoại vẫn còn đậm chất hiện đại, không hợp màu sắc trinh thám, cổ trang. Mặc dù Victor Vũ cho biết đây là dụng ý của anh và đội ngũ biên kịch. Sau những ý kiến nhận được từ bộ phim 'Người Vợ Cuối Cùng', anh muốn tránh sử dụng quá nhiều cổ ngữ, hướng tới một bộ phim có thể kết nối với khán giả hơn, nhất là khán giả trẻ. Dù mình không thật sự đồng tình lắm với định hướng này của đạo diễn, nhưng mình hiểu rằng đoàn làm phim cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố để đưa ra định hướng này.
Cái kết của 'Thám Tử Kiên' là một lời gợi mở cho phần tiếp theo, minh nghĩ điều này sẽ phụ thuộc vào độ thành công của bộ phim lần này. Riêng bản thân mình thì mình khá là mong chờ lời giải đáp cho câu hỏi còn bỏ ngỏ của Victor Vũ và đoàn làm phim cho phần 'Kỳ Án Không Đầu' này. Và để kết lại bài viết, mình đánh giá bộ phim 7.5/10 và cảm thấy trinh thám cổ trang Việt thật sự cần nhiều làn gió mới như 'Thám Tử Kiên' hơn.