VĂN HÓA

Thắng cố, văn hóa vùng cao

Diễm Hương • 06-05-2022 • Lượt xem: 276
Thắng cố, văn hóa vùng cao

Tây Bắc ngoài những cảnh đẹp đến nao lòng, còn có đặc sản thắng cố, không chỉ mang lại hương vị đặc biệt mà nó còn thể hiện đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng cao.

Nguồn gốc món thắng cố 

Thắng cố hay còn được gọi là thảng cố, là món ăn làm từ thịt, bộ phận nội tạng của ngựa, kết hợp với một số loại thảo mộc. Món ăn này có nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc), được du nhập vào Việt Nam và ngày nay đã trở thành món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của người H’Mong sống ở vùng Tây Bắc.

Truyền thuyết về món thắng cố


Câu chuyện về món thắng cố mà ngày nay vẫn hay được người H'Mong kể lại cho con cháu, hoặc du khách đến thăm bắt nguồn từ việc khi người phương Bắc bị đánh đuổi, người H'Mong phải di cư xuống phía Nam. Trong lúc di cư ai cũng đói lả người vì thiếu thức ăn và nước uống. Một điều kỳ lạ là họ thấy một con ngựa xuất hiện và con ngựa ấy có thể  nói được tiếng người. Nó bảo họ hãy lấy da của nó làm chảo nấu và dùng thịt của nó để ăn. Ngẫm nghĩ là trời giúp đỡ nên mọi thực hiện theo. Nhờ đó, họ đã có đủ sức để vượt qua chặng di cư và đến phương Nam sinh sống.

Nguyên liệu của món thắng cố 
Món thắng cố sẽ bao gồm bộ phận lòng, tim, gan, tiết, thịt... của lợn, bò, ngựa. Sở dĩ món ăn này đặc biệt bởi vì cách chế biến của nó. Thắng cố truyền thống của người Mông sẽ được làm từ thịt ngựa và không bỏ qua bất kỳ bộ phận nào của ngựa kể cả phần ruột già. Chúng sẽ được cắt thành những khối vuông vừa ăn, và nấu trên một cái nồi rất lớn. Người Mông rất chú trọng về nồi nước này, khi sôi họ sẽ vớt bọt nổi trên bề mặt ra, và thêm vào đó một số gia vị đặc trưng như thảo quả, quế, hồi, lá thanh nướng thơm…

Thắng cố thể hiện nét văn hóa dân tộc vùng cao


Thắng cố được xem là một món ăn dân dã, mang tính gắn kết cộng đồng dân tộc vùng núi rất cao. Khi thưởng thức thắng cố, mọi người cùng nhau quây quần bên nồi to với đầy nội tạng của lợn, bò, hoặc ngựa, thoang thoảng hương vị thơm của các loại thảo mộc. Ăn đến đâu thì sẽ múc ra bát đến đó. Trong không khí se lạnh, mọi người vừa ăn vừa thưởng thức rượu ngô cho ấm lòng và cùng trò chuyện. Chính điều đó mà ai cũng cảm thấy thắng cố Tây Bắc ăn tại chỗ mới ngon, chứ mua về thì không còn hấp dẫn nữa. Thông qua món ăn và cách thưởng thức đó, làm mọi người cảm thấy gần gũi nhau hơn, và nét văn hóa về cách ứng xử, tập tục truyền thống của dân tộc vùng cao cũng được thể hiện rõ nét hơn.

Ngày nay thắng cố đã được chế biến theo rất nhiều cách tùy theo mỗi vùng như thắng cố lợn, thắng cố bò… và hầu hết đều có bán tại các chợ phiên Tây Bắc. Tuy nhiên, ngon nhất vẫn là thắng cố ở chợ Bắc Hà. Nơi mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc người H'Mong. 

Nếu có dịp đến thăm vùng núi Tây Bắc thì bạn hãy thử thưởng thức món thắng cố độc đáo và lạ miệng này. Đừng lo là nguyên liệu hay cách chế biến có phần khác lạ. Mà hãy từ từ cảm nhận hương vị dân dã nó. Có thể bạn sẽ bị cuốn vào lúc nào không hay.