VĂN HÓA

Thêm yêu tiếng Việt qua 'Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ'

Cẩm Chi • 13-07-2023 • Lượt xem: 1483
Thêm yêu tiếng Việt qua 'Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ'

Chữ viết của người Việt khác biệt hơn tất cả các nước châu Á bởi sự giao thoa văn hóa Phương Tây rõ nét. Câu chuyện về việc ra đời Tiếng Việt của giáo sĩ Alexandre de Rhodes với nhiều tâm sức và nỗ lực được tái hiện sinh động qua cuốn sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”.

Khác với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, hay các triều đại phong kiến chủ yếu sử dụng chữ tượng hình, Việt Nam ngày nay đang sử dụng một dạng văn tự khác biệt: chữ Quốc ngữ, tức là chữ viết ghi âm của tiếng Việt bằng kí tự Latin.

Theo nhiều tư liệu, lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ gắn với hành trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây. Ban đầu, thứ văn tự này chỉ là một công cụ để học tiếng Việt nhằm dễ dàng trao đổi với người Việt và thuận tiện cho việc truyền giáo; sau đó nó được sử dụng như một thứ mật mã giữa các thừa sai với giáo dân và chỉ được dạy trong các chủng viện. Từ những biến động chính trị và giáo dục, chữ Quốc ngữ dần thay chữ Nho trong các văn bản hành chính của đất nước và trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam vào năm 1945.

"Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" giúp bạn trẻ thêm hiểu về tiếng Việt.

"Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican. Năm 1624, Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong, thường được người dân gọi tên tiếng Việt là A Lịch Sơn Đắc Lộ. Năm 1627, ông tiếp tục ra Đàng Ngoài truyền giáo. Năm 1630, chúa Trịnh cấm giảng đạo, Đắc Lộ phải đến Macau. Thời gian này, ông dạy tiếng Việt, thần học, viết cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. Sau đó, cộng với các nghiên cứu của các người cộng sự khác, ông tập hợp và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.

Cuốn sách cũng đưa bạn đọc tới Việt Nam thế kỉ 17, với không gian xung đột của Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trong đó, "Đắc Lộ kí sự" giúp độc giả dễ theo dõi và nắm được hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ của các thừa sai phương Tây, qua lời kể của Alexandre de Rhodes. Phần "Chữ Quốc ngữ kí sự" đưa độc giả tìm hiểu về hành trình chữ Quốc ngữ đi vào đời sống của người dân Việt Nam, vai trò, đóng góp của những người Việt và người Pháp trong việc biên soạn từ điển hay dịch sách sử dụng chữ Quốc ngữ, thái độ của giới trí thức Việt Nam... Từ đó, chữ quốc ngữ được cải biên, phổ biến, đón nhận qua năm tháng, có đóng góp trong việc xóa mù chữ cho dân ta thời Pháp thuộc.

Các nhân vật hiện lên sinh động qua tông màu trầm của xanh và nâu tạo nên điểm thu hút của cuốn sách.

Câu chuyện về chữ Quốc ngữ được kể bằng điểm nhìn của Alexandre De Rhodes trong ngôi thứ nhất tạo cảm giác gần gũi, chân thực. Tác giả dễ dàng cho thấy tình yêu của vị mục sư với đất nước Việt Nam khi bày tỏ: "Thân xác tôi rời bỏ xứ An Nam, nhưng trái tim tôi thì còn mãi nơi này". Sách lồng ghép nhiều chi tiết hài hước liên quan ngôn ngữ. Khi Đắc Lộ mới sang Việt Nam, vì nhầm lẫn thanh điệu, ông mua nhầm cá thành cà. Vì không biết tiếng Việt đơn âm tiết, các cha thường ghi các chữ dính vào nhau. Thầy dạy tiếng Việt của cha khi ấy là cậu bé người bản địa 13 tuổi, hàng ngày theo phụ việc và chỉ dẫn cách phát âm. Chỉ trong ba tuần, ông đã biết phân biệt các thanh của tiếng Việt.

 Không chỉ công của Alexandre de Rhodes, sự ra đời và phổ biến chữ quốc ngữ còn có công sức của nhiều thế hệ, từ các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, cộng tác viên người Việt đến các học giả Trương Vĩnh Ký, Lương Đình Của, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng,... Để giúp bạn đọc có cơ hội hiểu rõ hơn về cách ghi âm của tiếng Việt, nhóm tác giả sáng tạo đoạn phỏng vấn bàn luận đặc biệt với ba nhân vật tiêu biểu trong quá trình sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Việt: Alexandre de Rhodes, Francisco de Pina và Gaspar do Amaral.

Ngôi kể tự sự của chính Alexandre de Rhodes đã thể hiện tình yêu với đất nước Việt Nam.

“Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” là truyện bán hư cấu hiếm hoi lấy từ luận án về lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615-1919) tại đại học Sorbonne Nouvelle của hai tác giả Phạm Thị Kiều Ly và họa sĩ Tạ Huy Long. Không chỉ tạo nên không gian sáng tạo mới mẻ cho tác giả, thể loại bán hư cấu của truyện cho phép các kiến thức từ một luận án khoa học, hàn lâm đã trở nên gần gũi với đại chúng. Sách được vẽ minh họa sinh động, ít chữ theo thể loại truyện tranh giúp thiếu nhi dễ dàng tiếp nhận tri thức lịch sử. Đây cũng là một trong những cuốn sách thú vị để các bạn trẻ hiểu rõ hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt trong cuộc sống.