VĂN HÓA

Thơ trong ánh chớp tự do, trên đỉnh hạn giới

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 19-11-2020 • Lượt xem: 2117
Thơ trong ánh chớp tự do, trên đỉnh hạn giới

Lễ trao giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Thi lần thứ nhất đã diễn ra ấm cúng sáng 14.11.2020 tại hội trường Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, số 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Với một tài năng lớn đa thanh cộng hưởng như nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Đình Thì (1924 -2003), mười bày năm sau ngày mất, chỉ riêng với thơ, ông vẫn hiện thân như một sự độc đáo với những bài thơ tự do. Tiểu luận của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã được ban tổ chức giới thiệu cùng nhiều nghiên cứu khác trong buổi trao giải thưởng mang tên ông.

Tin và bài liên quan:   
Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’
Giữa thi pháp Nguyễn Quang Thiều và Thanh Tâm Tuyền
Diviners Fest: 'Những bài thơ tiếp giáp giữa Ngôn từ và Vũ trụ' Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nhà thơ Thanh Thảo với tập thơ rất nổi tiếng viết năm 25 tuổi "Dấu chân qua trảng cỏ" và tác giả trẻ tuổi 30 Nguyễn Duy Trọng với tiểu thuyết đầu tay rẩt độc đáo "Viễn tưởng không tên" được tặng giải lần này. Chúc mừng hai tác giả đoạt giải và việc ra mắt chính thức giải thưởng VHNT mang tên một tài năng nghệ thuật đa diện và lỗi lạc bậc nhất đất nước trong nửa sau thế kỷ 20.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính (giữa, cầm micro) đang trao giải thưởng cho bạn trẻ Nguyễn Duy Trọng với tiểu thuyết đầu tay rẩt độc đáo "Viễn tưởng không tên".

Trong lễ trao giải, có một tọa đàm nho nhỏ. Các bài viết, phê bình, tiểu luận của các nhà nhà phê bình Đỗ Quyên, nhà nghiên cứu Trần Đán (Mỹ), Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh (TPHCM), nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (Quảng Bình) đã gửi bài về. Cùng các bài viết của các nghệ sĩ, Nguyễn Thị Minh Châu, PGS. Nguyễn Thị Minh Thái, nhà báo Nguyễn Thế Khoa trình bày tại lễ.

Nhà văn Nguyễn Đình Chình cùng gia đình Nguyễn Đình Thi, một số bạn bè văn nghệ tâm huyết, người hâm mộ và sự tiếp sức của tạp chí Văn hiến Việt Nam, sau khi chính thức trao giải lần thứ I, Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Thi đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà hoạt động văn hóa và người hâm mộ Nguyễn Đình Thi trong và ngoài nước. Một ban điều hành, một hội đồng xét tặng giải và các nhà bảo trợ gồm nhiều tên tuổi uy tin sẽ hình thành để chung tay chuẩn bị kỹ càng cho lần trao giải lần thứ 2 vào cuối năm 2021 sẽ gồm cả văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phê bình nghệ thuật,chủ yếu dành cho các tác giả trẻ. Giải thướng chắc chắn sẽ được tổ chức sáng tạo, có ảnh hướng sâu sắc hơn, xứng đáng hơn với tên tuổi của Nguyễn Đình Thi vĩ đại... (Tin và ảnh: Nguyễn Thế Khoa)

DDVN giới thiệu tiểu luận "Thơ trong ánh chớp tự do, trên đỉnh hạn giới " của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, một nhà thơ trẻ hôm nay với một tài năng lớn, phong nhiêu đa dạng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như một cây bao báp khổng lồ từ thơ, kịch, tiểu thuyết, âm nhạc như Nguyễn Đình Thi, một thi sĩ, nhà văn hóa lớn Việt Nam. 

 Nhà thơ Thanh Thảo (thứ hai, trái sang) cũng được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đình Thi lần thứ nhất, 11.2020. (Ảnh: Nguyễn Thế Khoa)

THƠ TRONG ÁNH CHỚP TỰ DO, TRÊN ĐỈNH HẠN GIỚI  

Nguyễn Hữu Hồng Minh 

Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Đình Thi (1924 - 2013) là một nghệ sĩ tài hoa và ghi dấu ấn rất riêng trong nhiều lĩnh vực. Đáng nể nhất với tôi là năm 18 tuổi, ông đã viết một loạt sách nghiên cứu như Triết học nhập môn, Triết học Kant, Nietzsche, Einstein, Descartes, Siêu hình học... Một bước đi rất lạ cho tư duy người Việt Nam.

Theo thời gian, tôi nghĩ thơ của ông vẫn là đỉnh cao nhất trong những đỉnh nghệ thuật mà ông đã chinh phục. Gần đây, khi có thời gian đọc, nghiên cứu để viết bộ phê bình tiểu luận thơ gồm hai cuốn có nhan đề “Thơ Việt Nam Hậu Chiến” tôi còn thấy nhiều điều thú vị về một con người khai phóng. Có thể cần thêm nhiều tư liệu, nhưng bước đầu với những khảo sát của cá nhân, tôi đã thấy có nhiều chỉ dấu, một trong những thi sĩ mở đường cho thơ Tự do chính là nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Tất nhiên người có khát vọng mở đường có thể là người không đi tới cùng trên con đường. Người mở đường có thể sẽ dừng lại. Vì nhiều lý do của cuộc đời từ cấp tiến có thể trở thành bảo thủ. Vì thế, tìm những mảnh vỡ của những bài thơ sẽ thấy cuộc đời bỏ quên trong đấy! 

 

Chuyện nhỏ đầu tiên để xuất phát có bài viết này là cách đây chừng hai tuần nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà thơ nhắn tin và gọi điện cho tôi. Ông nói tôi viết cho hội thảo Nguyễn Đình Thi một tiểu luận về “Cái đẹp trong Nghệ thuật” để đọc trong Hội thảo và sau đó in vào sách Kỷ yếu. Anh Chính không nói tôi phải viết về cái đẹp trong tác phẩm Nguyễn Đình Thi. Vì anh muốn hội thảo chỉ là một cái cớ cho cái đẹp nghệ thuật bay trên những hạn giới. Người nghệ sĩ thích sự tự do. Và đi đến cùng sự sáng tạo cũng là một cách thể hiện và thể nghiệm tự do. Từ mệnh đề khai phóng này bất chợt tôi đã nghĩ đến thơ Tự do của Nguyễn Đình Thi. Và tôi nghĩ mình phải viết một cái gì về thơ ông qua những tư liệu sưu tập được để viết "Thơ Việt Nam hậu chiến".  

 

Ít nhiều khi nhắc đến thơ Việt chúng ta bị sa và hai khái niệm Thơ mới và Thơ Tự do. Nguyễn Đình Thi, độc đáo thay nghiên cứu qua văn bản đã có những cơ sở cho thấy thơ ông có những dấu vết thể nghiệm đầu tiên về Thơ Tự do. Đặc biệt là bài thơ “Đất nước” được ông viết từ năm 1948. Và bài thơ đã được sửa chữa đến năm 1955 qua nhiều văn bản.
 

Tôi thích thơ Nguyễn Đình Thi giai đoạn đầu của Thơ Tự Do. Giai đoạn “Nước chúng ta nước của những người chưa bao giờ khuất / Đêm đêm rì ràm trong tiếng đất / Những tiếng ngày xưa nói vọng về...” 

Hay “Ơi những cánh đồng quê chảy máu / Dây thép gai đâm nát trời chiều" 

"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội / Những phố dài xao xác heo may / Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"...

Những câu thơ hay vàng bạc trong trí nhớ...

Tôi cũng đã sưu tầm và tìm ra 4 cấp độ sửa bài thơ "Đất nước" của ông. Mỗi lần sửa là một phiên bản khác nhau. Nó cho thấy độ trăn trở và dày vò ngô ngữ của một thi sĩ có trách nhiệm cao với thơ của mình. Tuy nhiên, điều lạ lùng là văn bản đang lưu truyền rất nổi tiếng của bài “Đất nước” thì từ bài thơ tự do khởi phát phóng khoáng, hình tượng phong nhiêu, vạm vỡ đã trở về với chỉnh thể thơ vần niêm luật chặt chẽ (!?). Có lẽ còn nhiều góc độ để nghiên cứu nhưng nên để đến tính nhạc, hình ảnh, niêm luật, đối xứng của bài thơ có hiệu lực dễ nhớ, dễ đi thẳng vào tâm hồn người đọc và ở lại nơi sâu thẳm nhất. Đó cũng là một áp lực tự động lên tư duy của ngôn ngữ. Một thi pháp thơ.

Chỉ muốn nói là sau này tôi đọc thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền với những thi phẩm “Tôi không còn cô độc”, “Liên đêm mặt trời tìm thấy” thì tôi như thấy dấu vết đứt gãy của thơ từ Nguyễn Đình Thi được nối ở đây. Nói cách khác, nhóm SángTạo đã “vượt tuyến” và lấy lửa lấy lửa từ những bài thơ tự do dang dở mà tiêu biểu như bài “Đất nước” của ông để đi tiếp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để hoàn thành sứ mệnh cách tân thành công dòng thơ Tự Do. Thậm chí hậu bối quên luôn "dấu vết" tự do có từ thơ Nguyễn Đình Thu đầu tiên. Việc so sánh này có thể gây tranh cãi nhưng theo tôi cũng dễ dàng nếu tìm được những chứng cứ liên văn bản.

 

*

Vài kỷ niệm tuổi thơ khi tôi đọc mấy tiểu thuyết "Xung kích", “Vỡ bờ”. Những tiểu thuyết này tôi mượn từ thầy Thương, thủ thư Thư viện trường cấp 2 Nguyễn Trãi ở Đà Nẵng. Tôi đọc dưới ánh đèn dầu vàng vọt! Thời bao cấp củi châu gạo quế. Điện hai cúp một đỏ. Bạn nào ở Đà Nẵng có dịp về trường Nguyễn Trãi vào thư viện lục ra cuốn "Xung kích" của Nguyễn Đình Thi thế nào cũng tìm thấy nhiều dấu gạch, chú của tôi!

 

Kịch Nguyễn Đình Thi tôi đọc 2 vở "Con Nai Đen" và Nguyễn Trãi ở Đông Quan". Lại tiếc vì kịch rất hay nhưng hình như ông không phát triển hết tuyến "căng" và "đi tới cùng" cao trào của tình huống và nhân vật. Ông bị mắc vào một tình huống lưỡng phân mà về sau tôi đọc Friedrich Nietzsche đã thấy ông cảnh báo, chỉ ra: ""Đấu với rồng ác lâu quá, bạn sẽ trở thành nó. Nhìn vào vực sâu quá lâu, vực sâu sẽ nhìn lại bạn".

 

Cái "nhìn ngược" bề trên đầy hung hiểm, trừng trị ấy khiến những tác phẩm không thể đi tới cùng được cho dù ông có sẵn tài năng! Rõ ràng, ông ý thức được rằng con "Rồng ác" mà triết gia người Phổ Nietzsche ám chỉ là ai, nên chọn một thái độ như thế nào? Ông cũng là người dịch và viết về nhà triết học này từ năm mười tám. Nên có lẽ cũng là người biết "sợ hãi" trước cái nhìn đầy đe dọa, sẵn sàng nuốt chửng của "vực sâu" không tiếng vọng nên những trang viết cũng chỉ dừng ở bờ vực phía bên này sự an toàn. Dù có hơi chông chênh một chút vẫn trên vạch lưu vực cho phép!
 

Mà nghệ thuật, sáng tạo đích thực làm gì có trạm dừng, trạm sợ để đứng lại ngoan ngoãn trước những barie cảnh báo? Khó là vậy! Ghê gớm cũng là vậy! Thời đại của trí thức biết sợ! Đâu khác gì một thứ "chuồng trại" mà George Orwell đã mô tả trong "Animal Farm A Fairy Story".

Vì thế, trong bài thơ "Ăn Hải cảng" tôi đã viết câu thơ "Làm sao tin được cái chết đóng sẵn như thân tàu?". Vậy mà có đấy!

 

*

 À, tôi lái gấp ở đây để đâm thẳng vào "Đêm Thánh Nhân" của nhà văn Nguyễn Đình Chính. Đó là cuốn tiểu thuyết "xuyên qua cái chết", "nhọn như một mũi giáo" xé toạt hết mọi hạn giới văn chương. Từ cuốn tiểu thuyết này tôi thấy anh Chính vượt qua cái bóng cũng gọi là "khổng lồ" của văn chương hiện thực của cha anh. Nếu Nguyễn Đình Thi "hiện thực bề mặt" thì Nguyễn Đình Chính "hiện thực chiều sâu". NĐT cố gắng sáng rõ thì NĐC mặc nhiên mù loà! Nghệ thuật đích thực xuyên thủng bóng tối để đi tiếp trong bóng tối.

 

Thơ của anh Nguyễn Đình Chính cũng vậy! Nó thuộc nhánh Hậu-hiện đại. Thi phẩm "Chẹc chẹc" anh gửi tặng tôi là tiếng tắc lưỡi của con tắc-kè trong bóng tối.

 

Có ai giải thích giúp tôi tại sao con tắc-kè chỉ tặc lưỡi, chỉ kêu đúng 5 tiếng và dừng lại lưỡng lự không bước qua tiếng thứ 6? Nếu bạn giải thích được thì bạn đã hiểu quan niệm về thế giới sáng tạo của Nguyễn Đình Chính. Tôi là người quan tâm đến tiếng kêu rợn cú vọ đêm tối của văn nghệ, chữ nghĩa. Đây là lần thứ hai anh NĐC mời tôi viết. Lần trước trong một Hội thảo gì đó cũng do anh tổ chức khá thành công, có tiếng vang cách đây mấy năm mà tôi đã quên tên. Tiểu luận tôi gửi cho anh có nhan đề "Cảm ơn ngọn lửa".

 

 

Câu chuyện thứ ba cũng là câu chuyện cuối cùng. Tôi vừa phát hiện ra ở Sài Gòn vừa có một con đường mang tên Nguyễn Đình Thi. Thật lạ lùng và thú vị. Điều này tôi nghĩ không nhiều người biết và với nhiều bạn đọc, lần đầu tiên biết được thông tin qua bài viết này.
 

Chiều qua anh Chính nhắn cho tôi: - "Minh ơi, viết chưa?!". Hình như ngày 11/11 là hội thảo tổ chức ở Hà Nội rồi!

 

Tôi chưa trả lời anh. Công việc bận quá! Định hôm nay cuối tuần sẽ ngồi vào bàn viết. Nhưng từ sáng đến chiều vẫn không viết được dòng nào. Chữ nghĩa như lạc nẻo đi đâu...

 

Bất chợt có điện thoại. Vội cầm máy. Một một anh bạn chơi nhạc gọi tôi có việc. Anh hẹn tôi xuống nhà ở Tam Hà, khu xóm Đạo đẹp nhất quận Thủ Đức. Gần đây nơi này đang gấp rút có dự án sẽ lên thành phố phía Đông Sài Gòn, mang luôn cái tên, thành phố Thủ Đức. Đường lạ và xa. Đi lòng vòng tôi bị lạc. Quận chuẩn bị lên thành phố náo nhiệt ngổn ngang xây dựng. Đi mãi không tới! Đến cuối một con đường tôi buộc phải dừng lại hỏi thăm. Bỗng giật mình. Thành phố mới vừa có con đường mang tên thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Con đường còn vôi vữa, gạch ngói như một công trường thi công hối hả.   

 

"Dây thép gai đâm nát trời chiều".

 

Ôi câu thơ Nguyễn Đình Thi ứng với tên đường Nguyễn Đình Thi!

 

Sài Gòn, 11.2020. 

Nguyễn Hữu Hồng Minh