VĂN HÓA

Thời kỳ tam quốc tranh hùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Cẩm Chi • 02-12-2023 • Lượt xem: 1258
Thời kỳ tam quốc tranh hùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Tam Quốc là giai đoạn nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Thậm chí có nhiều người Việt Nam biết rõ về thời kỳ này nhờ việc đọc tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của nhà văn La Quán Trung. Thế nhưng ít người biết thực ra trong lịch sử Việt Nam cũng từng có giai đoạn “tam quốc tranh hùng” như vậy. Trùng hợp thay, cả hai giai đoạn “tam quốc” ở hai quốc gia có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc.

Nguồn gốc hình thành

Cuối thời nhà Hán ở Trung Quốc, triều đình suy yếu và dần dần chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Nhiều thủ lĩnh quân phiệt nổi lên chiêu mộ quân đội cát cứ một phương. Sau nhiều năm tranh đấu thì còn lại ba thế lực lớn nhất là nhà Ngụy, nhà Thục và nhà Ngô. Ba phương tạo thành thế chân vạc chia ba thiên hạ.

Gần như tương tự như vậy, nhà Hậu Lê ở Việt Nam sau nhiều năm cai trị cũng trở nên suy yếu. Triều đình hay cụ thể hơn là hoàng đế mất hết quyền lực. Nước Việt lúc đó do ba thế lực cát cứ: họ Trịnh, họ Nguyễn và họ Mạc.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng (nhà Hậu Lê) phải nhường ngôi. Mạc Đăng Dung lên ngôi vua và lập ra nhà Mạc. Tuy nhiên, hành động cướp ngôi này không được lòng dân. Vì vậy quân khởi nghĩa liên tục nổi lên hô vang khẩu hiệu “phù Lê diệt Mạc” ở khắp nơi.

Mạc Đăng Dung – người lập ra nhà Mạc

Và một trong những thế lực chống đối nhà Mạc hùng mạnh nhất chính là liên minh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn. Lãnh đạo của họ Nguyễn là tướng Nguyễn Kim (sau này được nhà Nguyễn truy tôn là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế). Lãnh đạo của họ Trịnh là Trịnh Kiểm.

Năm 1533, Nguyễn Kim suy tôn một thành viên hoàng tộc nhà Lê tên Lê Ninh lên làm vua. Ông chính là vua Lê Trang Tông. Cũng từ năm 1533 (đến 1592), nước Việt xảy ra tình trạng Nam - Bắc triều. Nam triều, tức nhà Lê (được sự hậu thuẫn của hai họ Trịnh - Nguyễn) kiểm soát vùng đất phía Nam. Bắc triều của nhà Mạc kiểm soát kinh đô Thăng Long và phần đất phương Bắc. Hai phe chinh chiến liên miên.

Bước ngoặt để họ Trịnh lên cầm quyền đến vào năm 1545 khi Nguyễn Kim qua đời. Mất đi người lãnh tụ, họ Nguyễn nhanh chóng bị Trịnh Kiểm chèn ép, thậm chí giết hại nhiều thành viên quan trọng. Tuy nhiên, bằng vốn liếng Nguyễn Kim để lại, họ Nguyễn tuy chật vật nhưng vẫn cầm cự được trong nhiều năm. Đến năm 1559, Nguyễn Hoàng (một người con của Nguyễn Kim) đã được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… ngày nay).

Và cũng từ đó biển rộng mặc cá lội, trời cao mặc chim bay, họ Nguyễn vốn có tiền, có danh tiếng, có tư binh… Nguyễn Hoàng cũng là một người tài năng văn võ song toàn. Ông nhanh chóng chiêu mộ lưu dân, khai khẩn ruộng đất, gầy dựng quân đội thêm hùng mạnh… Việc được trấn thủ đất Thuận Hóa chính là cột mốc quan trọng giúp họ Nguyễn có đủ sức mạnh để chống lại họ Trịnh sau này. Thậm chí để đổi lấy thời gian hòa bình phát triển, năm 1593 Nguyễn Hoàng còn dẫn quân ra Bắc giúp họ Trịnh đánh dẹp các thế lực chống đối.

Lũy Thầy ở Quảng Bình – một cứ điểm quan trọng nhà Nguyễn xây dựng để chống lại họ Trịnh.

Họ Nguyễn chính thức “vạch mặt” với họ Trịnh vào năm 1600 khi Nguyễn Hoàng từ Bắc trốn được về Thuận Hóa. Có thể xem như từ lúc này, nước Việt có ba thế lực cùng lúc cát cứ một phương.

Nhà Nguyễn với chúa Nguyễn Hoàng cai quản Đàng Trong, tức các vùng đất phía nam sông Gianh. Phía Bắc sông Gianh (tức Đàng Ngoài) được cai trị bởi tập đoàn vua Lê - chúa Trịnh. Và họ Mạc thua trận phải chạy lên đóng giữ vùng đất Cao Bằng.

Chiến lược phát triển

Điểm giống nhau thứ hai của giai đoạn “tam quốc” ở Việt Nam và Trung Quốc chính là chiến lược phát triển của từng thế lực.

Ở Trung Quốc, nhà Ngụy thực hiện chiến lược “hiệp thiên tử lệnh chư hầu”. Nhà Ngụy về lý thuyết vẫn là bề tôi của vua Hán nhưng thực tế họ chiếm hết quyền hành. Vua Hán chỉ là con rối. Nhà Ngụy lợi dụng danh nghĩa của triều đình để ban hành các quyết định có lợi cho bản thân. Nhờ nắm giữ hoàng đế nên nhà Ngụy được thừa hưởng nhiều di sản từ triều đình trước đây. Bởi với nhiều người dân thì đức vua khi đó vẫn là người cai trị hợp pháp.

Còn tại Việt Nam, họ Trịnh cũng nắm giữ vua Lê. Các Chúa Trịnh tuy chiếm hết quyền lực thế nhưng không truất phế nhà vua. Thậm chí có khi vua Lê không có con ruột thì họ Trịnh vẫn tìm kiếm con cháu nhà Lê (ở một chi khác) suy tôn lên làm vua.

Điểm tương tự giữa hai nhà Thục và nhà Nguyễn là lòng dân. Cả hai thế lực dù khác quốc gia, khác cả thời đại nhưng đều xây dựng chính quyền vững chắc nhờ được lòng dân. Lưu Bị (người lập nên nhà Thục) nổi tiếng nhân nghĩa. Còn chúa Nguyễn Hoàng thì gầy dựng nên Đàng Trong nhờ vào những chính sách hết sức hậu đãi để thu hút lưu dân tứ xứ đến định cư. Vào thuở ban sơ, xứ Đàng Trong vốn dĩ thưa thớt dân cư. Nhờ vào những chính sách có lợi với dân chúng nên nhà Nguyễn đã đưa Đàng Trong phát triển hùng mạnh chỉ trong vòng vài chục năm.

Thành Bản Phủ của nhà Mạc ở Cao Bằng.

Và cuối cùng, sự tương đồng giữa nhà Mạc và nhà Ngô là cả hai đều duy trì được sự tồn tại nhờ vào vị trí hiểm yếu. Nhà Ngô nhờ sông lớn ngăn cách nên phòng thủ cực tốt. Trong khi đó, nhà Mạc tồn tại được trong rất nhiều năm cũng một phần nhờ đất Cao Bằng hiểm yếu.

Sức mạnh không đồng đều

Đây cũng là điểm giống nhau giữa hai thời kỳ tam quốc giữa hai nước. Phía Trung Quốc, nhà Ngụy mạnh hơn hẳn so với hai nhà Thục và Ngô. Phía Việt Nam thì họ Trịnh mạnh hơn hẳn họ Nguyễn và họ Mạc. Kể cả khi hai thế lực nhỏ hơn liên hợp lại thì cũng không bằng. Chỉ là vì nhiều lý do nên cuộc chiến giữa ba thế lực (ở cả Việt Nam và Trung Quốc) kéo dài dai dẳng trong nhiều năm.

Bên cạnh việc nắm giữ vua Lê, họ Trịnh chiếm luôn cả những vùng đất phì nhiêu và đông dân cư ở phương Bắc. Nơi đây có nhiều thành thị lâu đời, có nhiều người biết chữ (dễ chiêu mộ nhân tài), có đồng bằng phì nhiêu (không thiếu lương thực)… Vì vậy họ Trịnh giàu có hơn hẳn. Đồng thời vì đông dân cư nên việc chiêu mộ binh lính khá dễ dàng.

Trịnh Kiểm – người đưa họ Trịnh lên nắm quyền ở Đàng Ngoài.

Trái ngược với họ Trịnh, nhà Nguyễn phát triển khó khăn hơn rất nhiều. Vùng đất miền Trung nhiều đồi núi, ít đồng bằng. Việc gieo trồng lương thực gặp nhiều khó khăn. Do đó không dễ để chiêu mộ dân chúng đến định cư. Các chúa Nguyễn vừa phải phát triển kinh tế, vừa phải chiêu mộ lưu dân, vừa phải đề phòng họ Trịnh tiến đánh.

Một điểm khác biệt giữa “tam quốc” Việt Nam và Trung Quốc là vai trò của nhà Mạc. Thực tế sau khi thua trận và buộc phải rút khỏi kinh đô Thăng Long. Họ Mạc tuy chiếm giữ đất Cao Bằng nhưng bị suy yếu rất nhiều. Nên thời kỳ “tam quốc tranh hùng” ở Việt Nam chủ yếu diễn ra giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn. Nhà Mạc chủ yếu chỉ phòng thủ, ít khi dám chủ động tấn công đánh trả.