Duyên Dáng Việt Nam

Tiếng la hét có làm con nghe lời?

Cẩm Tú • 22-06-2020 • Lượt xem: 1508
Tiếng la hét có làm con nghe lời?

Có đứa trẻ nào chưa từng bị rầy la trong cuộc đời? Thậm chí nhiều người trưởng thành vẫn không tránh khỏi những lời la rầy của cha mẹ. Những tiếng la hét ấy, sự tức giận ấy có thực sự khiến một đứa trẻ nghe lời, khiến chúng ngoan ngoãn và trưởng thành hơn?

Tin, bài liên quan:

Bí quyết cai ti vi cho con của một bà mẹ thông thái

Sự nghịch ngợm, không nghe lời của những đứa trẻ đôi khi vượt quá giới hạn bao dung và điềm tĩnh của cha mẹ. Bất cứ phụ huynh nào cũng dễ dàng nổi nóng với con, cơn nóng giận thường bắt đầu bằng những tiếng la hét. 

John Sharry là một nhà tâm lý trị liệu, đồng phát triển các chương trình Parent Plus hướng dẫn thực tế nuôi dưỡng và mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhân viên xã hội, tiếp xúc với nhiều gia đình có con nhỏ, ông nhận ra rằng, sự căng thẳng do các vấn đề công việc, gia đình là nguyên nhân dẫn đến sự nổi nóng, la hét của cha mẹ.

Điều này ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến tâm lý của trẻ. Vì vậy, ông đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ về việc nghiêm túc nhìn nhận những ảnh hưởng tiêu cực mà sự la hét mang đến cho trẻ.

Những tổn thương âm thầm

Có những giai đoạn trẻ thường xuyên không nghe lời thổi bùng cơn tức giận của cha mẹ. Sau khi la hét, những đứa trẻ trở nên yên lặng và ngoan ngoãn hơn. Kỳ thực, sự la hét để lại trong những đứa trẻ một ấn tượng không tích cực, có thể chúng yên lặng vì sợ hãi. John Sharry đã thú nhận, bản thân ông thấy rất có lỗi vì điều đó. “Tôi đã làm tổn thương con chăng? Tôi đang cố gắng hết sức để bình tĩnh”.

Thật tuyệt khi cha mẹ có thể thành thật nhìn nhận và sẵn sàng chịu trách nhiệm về tác động của sự la hét đối với con.

Ai cũng muốn giải quyết xung đột một cách bình tĩnh. Nhưng, đó là lý tưởng. Thực tế, nuôi dạy con cái là một công việc rất căng thẳng, hầu hết các bậc cha mẹ cuối cùng đều cảm thấy khó chịu và hét lên vào bất cứ lúc nào con không chịu nghe lời.

Việc la hét có gây thiệt hại cho trẻ hay không phụ thuộc vào tần suất và mức độ nghiêm trọng. Thật vậy, một tiếng hét thỉnh thoảng có thể không gây hại gì cả và thậm chí có thể có lợi ích trong việc dẹp yên những nghịch ngợm, tinh quái của lũ quỹ nhỏ.

Tuy nhiên, việc la hét lặp đi lặp lại thường xuyên, quá mức và trao đổi tiêu cực rất có hại cho lòng tự trọng của trẻ cũng như mối quan hệ cha mẹ và con cái.

Mối quan hệ yêu thương

Điều quan trọng nhất là chất lượng mối quan hệ của cha mẹ với con cái. Nếu hầu hết thời gian giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ yêu thương, gắn kết thì đôi lúc mất bình tĩnh và la hét để khiến con nghe lời là cần thiết.

La hét đôi khi có lợi cho trẻ em. Đó là khi cha mẹ không phải kìm nén cảm xúc của mình, mọi xúc cảm đều được bộc lộ chân thành nhất. Điều đó phần nào giúp trẻ nhỏ cảm thấy không quá tệ khi chúng cũng có cảm xúc tức giận và mắc lỗi.

Hơn nữa, sau những cơn phẫn nộ, một lời xin lỗi từ phía cha mẹ sẽ rất giá trị với con. Việc cha mẹ nhận lỗi đồng thời cũng là cách chỉ dẫn cho con cách hành xử đúng đắn trong kiểm soát cảm xúc và giải quyết xung đột với người khác. Càng nhận được tình thương, sự cảm thông trẻ càng nghe lời hơn.

Mỗi đứa trẻ có phản ứng khác nhau với sự la hét

John shary nhận ra rằng, tuỳ tính cách, mỗi đứa trẻ sẽ có phản ứng khác nhau trước những lời la hét, mắng chửi.  Nếu đó là một đứa bé bộc trực, mạnh mẽ có thể chúng sẽ cãi lại để tự vệ, la hét không khiến bé chịu nghe lời. Tuy nhiên điều này có nghĩa là bé có khả năng cân bằng tâm lý tốt hơn, ít có những suy nghĩ tiêu cực.

Nếu là một đứa bé nhạy cảm, hướng nội có thể bé sẽ dễ tổn thương và có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Muốn tránh tổn thương cho những đứa trẻ nhạy cảm, điều quan trọng cha mẹ cần cho bé hiểu rằng sự tức giận là nhất thời, không phải vì ác cảm với bé, đồng thời khuyến khích bé thể hiện cảm nhận của mình. 

Đã bao giờ bạn tìm hiểu con  mình cảm thấy như thế nào? Bé có buồn không? Có thấy bất công? Có giận không? Tại sao con không nghe lời? Dù cha mẹ không biết hay giả vờ không biết thì những cảm xúc tiêu cực ấy vẫn tồn tại và lớn dần lên trong lòng con, đẩy xa dần mối hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái.

Bởi vậy, hãy cố gắng nói lời xin lỗi, hỏi thăm cảm nhận của con và kết thúc bằng một cái ôm, nhắc nhở việc bạn yêu con như thế nào.

Khuyến khích, lắng nghe con bày tỏ cảm xúc sẽ giúp ích rất nhiều trong hạn chế những tổn thương có thể gây ra cho trẻ.

Nên nhớ rằng nuôi dưỡng cảm xúc của con không kém phần quan trọng như cho con thể chất tốt. Đừng để cơn nóng giận gây ra những tổn thương không đáng có cho con trẻ. Cha mẹ cần có một kế hoạch hành động để kiềm chế cơn nóng giận, vượt qua các tình huống căng thẳng trong nuôi dạy con.