VĂN HÓA

Tiếng Việt trong giới trẻ cần được sử dụng đúng

Thúy Vy • 20-11-2022 • Lượt xem: 2586
Tiếng Việt trong giới trẻ cần được sử dụng đúng

Tiếng Việt giàu đẹp được xem là hộ chiếu văn hóa của Việt Nam trong mắt thế giới. Cùng với sự phát triển "như vũ bão" của mạng xã hội, phương thức giao tiếp giữa các bạn trẻ cũng không ngừng thay đổi với nhiều ngôn từ sáng tạo mới trong Tiếng Việt.

Dạo qua mạng xã hội, không khó để bắt gặp những câu viết bằng từ lóng như "khum", "hem", "chằm zn", "sin lũi", "keo lỳ mãi mặn", "mãi keo",... với tần suất dày đặc. Ban đầu, các từ ngữ được thay đổi để cuộc trò chuyện trở nên dễ hiểu và hài hước hơn. Dần dần, nó đã trở thành ngôn ngữ chung của một số bạn trẻ. 

Kết quả của việc du nhập ngoại ngữ?

Trong vòng 5 năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok và các video ngắn quảng cáo phim được phiên dịch tiếng Việt, nhiều từ mới du nhập vào Việt Nam được giới trẻ ưa chuộng.

Trong tham luận Quốc ngữ học năm 2022, tác giả Nguyễn Văn Khang cho rằng ngôn ngữ giới trẻ (tiếng lóng) là ngôn ngữ mang tính nhóm của xã hội. Khi xã hội có các nhóm thì tất nhiên có ngôn ngữ của các nhóm này, người dùng Internet sẽ có ngôn ngữ Internet, học sinh sẽ có ngôn ngữ của học sinh... 

Tiếng lóng phát triển mạnh trong giới trẻ. Điều này xảy ra ở hầu hết tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Ở Mỹ, tiếng lóng được xem là "ngôn ngữ đường phố". Và có người nói đùa rằng muốn trẻ lại thì phải sử dụng thật nhiều nhiều tiếng lóng.

Tiếng lóng - biểu hiện xu hướng thời đại mới 

Khi được hỏi về sắc thái trong diễn đạt, nhiều bạn trẻ cho rằng tiếng lóng không có nhiều tầng lớp biểu đạt như tiếng Việt gốc. Nhưng trong trường hợp giao tiếp giữa những người trẻ, việc sử dụng tiếng lóng sẽ giúp cuộc nói chuyện trở nên gần gũi và cởi mở hơn. 

Tuy nhiên, nếu dùng đúng cách và không lạm dụng thì sẽ không sao. Bởi nếu dùng sai đối tượng, sai trường hợp giao tiếp, những tiếng lóng mang ý nghĩa hài hước sẽ dần trở thành xa lạ và nhàm chán đối với nhiều đối tượng khác.

Chẳng hạn như câu nói “Sao hay ra dẻ quá” được trở thành xu hướng gần đây. Nếu chỉ được sử dụng đúng giữa các nhóm chủ ngữ, câu nói sẽ góp phần tạo nên tinh thần vui vẻ cho cuộc nói chuyện. Nhưng đặt trong một bối cảnh khác, khi một người trẻ tuổi lỡ miệng nói ra trước mặt một người lớn tuổi, thì ngay lập tức trở nên thiếu tôn trọng và thiếu nghiêm túc đối với người kia.

Về cơ bản, mục đích chung của ngôn ngữ chính là giao tiếp và kết nối. Việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ pha trộn cũng góp phần tạo nên sự kết nối này, giúp giới trẻ chứng tỏ độ sành điệu của mình, nhưng cần biết sử dụng sao cho đúng.

 

Người trẻ có đang lạm dụng “Tây hóa”?

Giống như tiếng lóng, việc pha trộn ngôn ngữ không phải là điều mới mẻ trong giới trẻ. Trong các lĩnh vực chuyên môn, khi từ tiếng Việt quá dài dòng hoặc không đủ ý người muốn nói, họ thường có xu hướng sử dụng từ tiếng Anh chuyên ngành để thay thế, giúp tăng hiệu quả giao tiếp giữa những người cùng lĩnh vực.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ thường lẫn lộn tiếng mẹ đẻ với các ngôn ngữ khác khi giao tiếp. Việc lạm dụng quá nhiều cách này tạo ra ngôn ngữ nửa ta nửa ta, khiến người nghe khó chịu. 

Cách đây không lâu, câu nói “People make it complicated… enjoy cái moment này” được nghệ sĩ Chi Pu nói trong một buổi livestream đã trở thành "trào lưu" trong giới trẻ và gây tranh cãi rất nhiều. Hay như câu nói "như vậy có healthy, có balance không" của một cô gái trong chương trình hẹn hò cũng đã nhanh chóng “gây bão” trên cộng đồng mạng.

Các cụm từ lai tạp đang dần trở nên bình thường trong cuộc sống thường nhật

Bên cạnh việc bị chỉ trích sự lai tạp ngôn ngữ, một bộ phận lớn bạn trẻ còn sử dụng những cụm từ này như một kiểu đùa giỡn, góp phần làm tăng sự phổ biến của loại ngôn ngữ lai tạp này.

Những từ có nguồn gốc từ tiếng Anh khi du nhập vào Việt Nam đã được giới trẻ đón nhận rất nhiệt tình. Từ thông dụng nhất trong tiếng Anh là “Goodnight” được giới trẻ viết tắt là “G9” có nghĩa là chúc ngủ ngon. Hơn nữa, cùng sự phát triển của các trang mạng xã hội, cũng có nhiều thuật ngữ được giới trẻ đón nhận và sử dụng với tần suất cao trong thời gian gần đây, như livestream, check in, chill, S.O.S… Bên cạnh những từ này, các bạn trẻ còn thích sử dụng kết hợp cả tiếng Việt và tiếng Anh như camera chạy bằng cơm, phí ship, chill 1 chút,…

Thêm vào đó, ngôn ngữ của giới trẻ Việt Nam còn được bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc, được dịch sang Hán Việt hoặc Việt hóa và trở thành trào lưu trong giới trẻ hiện nay. Nó bắt nguồn từ những bộ phim hay clip ngắn được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Có những từ đã xuất hiện từ rất lâu và ngày nay vẫn được dùng như "tiểu tam", "trà xanh” (ý chỉ người thứ 3 trong một mối quan hệ tình cảm). Mới nhất phải kể đến từ "cẩu lương" (chỉ những hành động thân mật của cặp đôi yêu nhau). Ngoài ra,  cũng còn nhiều từ được sử dụng phổ biến như: song kiếm hợp bích,  phong sát,…

Việc lạm dụng tiếng lóng, lẫn lộn không cải thiện được câu từ mà chỉ góp phần làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt vốn là một giá trị trong mỗi người Việt Nam, trong giao tiếp giữa người Việt với nhau và trong mắt bạn bè năm châu.

Tiếng Việt cần được sử dụng đúng cách

Ngôn ngữ giới trẻ ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi, nó bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của internet và các trang mạng xã hội, trong đó đối tượng hướng tới chủ yếu là thế hệ trẻ. Khi những người cùng thế hệ thường giao tiếp với nhau bằng tiếng lóng sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên dễ hiểu hơn. Nhưng đồng thời, nếu những người thuộc các thế hệ khác nhau sử dụng tiếng lóng để giao tiếp sẽ gây tác dụng ngược và đôi khi dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.

Việc sử dụng ngôn ngữ của những người trẻ tuổi giống như cầm một con dao hai lưỡi. Nó có thể gây ra những tác động nhất định, trong những bối cảnh và nhóm xã hội nhất định, nhưng cũng có thể gây ra những thiệt hại lâu dài. Có nên hay không sử dụng ngôn ngữ này, sử dụng như thế nào là điều các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên học sinh cần cân nhắc để không ảnh hưởng đến văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.