ĐỜI SỐNG

Tiết lộ hình ảnh sáng rực hiếm thấy của sao Mộc

Thiên Dung • 11-05-2020 • Lượt xem: 972
Tiết lộ hình ảnh sáng rực hiếm thấy của sao Mộc

Các nhà thiên văn học vừa công bố bức ảnh tuyệt vời, hiếm thấy của sao Mộc được kính viễn vọng Gemini ở Hawaii chụp bằng tia hồng ngoại. Đây cũng là một trong những bức ảnh rõ nét chưa từng thấy về hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời được chụp từ Trái đất. 

Tin, bài liên quan:

Nhật thực trên sao Mộc

Vũ trụ có ‘biến’ gì vào sinh nhật bạn?

Kỳ ảo mưa sao băng đầu tiên của thập kỷ nhìn từ không gian

Trong bức ảnh “may mắn” hiếm thấy này, sao Mộc sáng rực như “chiếc đèn lồng” khổng lồ và nhìn rõ được bầu khí quyễn nhiễu loạn cùng những cơn bão sét trên hành tinh này. 

Bức ảnh được chụp bằng phương pháp "chụp ảnh may mắn"

Thông thường, khi chụp một vật thể qua khí quyển nhiễu loạn của Trái đất sẽ bị hiệu ứng mờ nhòe. Do đó, các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp “chụp ảnh may mắn” để tạo ra bức ảnh hoàn chỉnh của sao Mộc, được ghép lại từ hàng trăm bức ảnh khác, chỉ sử dụng hình ảnh rõ nét nhất và không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng cong vênh của khí quyển Trái đất. Trong đó, kết hợp các hình ảnh hồng ngoại do kính viễn vọng Gemini ở Hawaii chụp trong 3 năm với hình ảnh từ tàu thăm dò Juno quay quanh Sao Mộc và kính viễn vọng không gian Hubble

Hình ảnh của sao Mộc trước giờ

Đây là một trong những bức ảnh rõ nhất về sao Mộc được chụp từ Trái đất. Các phần sáng nhất là phần che phủ của đám mây trong khi các mảng tối là nơi không thể nhìn thấy bức xạ hồng ngoại do mây che phủ dày đặc.
Chụp ảnh bằng tia hồng ngoại giúp các nhà thiên văn học nhìn sâu vào hành tinh hơn so với các kính viễn vọng khác. Điều này hữu ích trong việc theo dõi các chuyển động sâu của bầu khí quyển Sao Mộc. Và nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley, Mỹ đã sử dụng tia hồng ngoại để tìm hiểu thêm về thời tiết, đặc biệt là các cơn bão sét của hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời. 

Ảnh trái bị mờ do ảnh hưởng bởi khí quyển Trái đất và ảnh phải, được chụp bằng phương pháp "hình ảnh may mắn'"được sử dụng trong bức ảnh hoàn chỉnh

"Dữ liệu của kính viễn vọng Gemini rất quan trọng, giúp chúng tôi thăm dò sâu vào các đám mây của sao Mộc theo lịch trình thường xuyên", nhà nghiên cứu Michael Wong của Đại học California tại Berkeley nói.  

Trong khi đó, tàu thăm dò Juno bắt đầu hoạt động vào năm 2011, quay quanh Sao Mộc, bắt các tín hiệu vô tuyến phát ra từ cơn bão sét của hành tinh khí này. Còn kính viễn vọng Hubble có thể quan sát sao Mộc dưới ánh sáng nhìn thấy được và tia cực tím. 

Tàu thăm dò Juno quay quanh sao Mộc

Cả 3 thiết bị này đã kết hợp để cho ra hình ảnh sắc nét, chi tiết nhất cho thấy các cơn bão sét của sao Mộc hình thành cả trong và xung quanh các tế bào đối lưu lớn nằm trên các đám mây nặng, ẩm. Phát hiện sét trong những đám mây này có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về lượng nước trong khí quyển của sao Mộc. Qua đó, làm sáng tỏ sự hình thành của hành tinh khí khổng lồ này.


(Theo Daily Mail, BBC)