VĂN HÓA

Tiểu thuyết kinh điển lên phim: bi kịch của phụ nữ khi yêu

Cẩm Chi • 09-03-2023 • Lượt xem: 1257
Tiểu thuyết kinh điển lên phim: bi kịch của phụ nữ khi yêu

“Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai” từng làm thổn thức biết bao thế hệ khán giả suốt nhiều thập kỷ bởi câu chuyện tình yêu đầy thăng trầm, biến cố và có phần sai lầm của những người phụ nữ hồng nhan, mạnh mẽ.

“Cuốn theo chiều gió” – Tình yêu không thể có từ một phía

Với nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề chủng tộc và tình yêu, “Cuốn theo chiều gió” đã tạo nên cơn sốt trên khắp thế giới thập niên 1940 và trở thành bộ phim hay đáng phải xem của bất cứ người yêu điện ảnh nào.

Bộ phim được đạo diễn Victor Fleming chuyển thể theo tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer cùng tên của nữ tác giả nổi tiếng Margarett Mitchell. Câu chuyện kể về tình yêu dang dở và bi kịch “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” của nàng Scarlett O’Hara với hai chàng trai Ashley và Rhett Butler trong bối cảnh nội chiến Mỹ xảy ra liên miên. Scarlett O’Hara đem lòng yêu Ashley nhưng chàng lại cưới một cô gái khác. Trong khi Rhett Butler luôn dành tình cảm chân thành, kiên nhẫn dành cho cô nhưng lại không được nàng đáp lại. Để trả thù thì cô đã chấp nhận lấy một người mài mình không yêu. Cuối cùng, Rhett Butler quyết định buông bỏ và điều này khiến cho Scarlett O’Hara mới nhận ra được tình cảm thật sự của mình...

“Cuốn theo chiều gió” là một trong những tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại, với 28 triệu bản, được dịch ra khoảng hơn 150 thứ tiếng.

Tình yêu của Scarlett O’Hara được khắc họa đầy màu sắc. Cô gái hiện lên đầy cá tính và gai góc, tựa như một cây xương rồng không bao giờ chịu khuất phục và cuốn theo chiều gió trước số phận. Trong chuyện tình yêu cũng vậy, nàng kiên quyết với tình cảm của mình và khát khao mãnh liệt có được hạnh phúc. Thế nhưng sai lầm của cô lại nuôi sự cố chấp và hận thù bên trong, không chịu chấp nhận hiện thực. Chính mối tình tan vỡ với người mà cô yêu đã khiến cho Scarlett trở thành một cô nàng nổi loạn, muốn quen với thật nhiều đàn ông để đổi lấy những mưu cầu vụ lợi của cá nhân. Cô đã đánh mất tình yêu đích thực của cuộc đời để chạy theo ảo tưởng hư vô về ham muốn sở hữu.

Câu chuyện của Scarlett O’Hara cũng là câu chuyện của nhiều cô gái kiêu kỳ, cố chấp, ngu muội trong tình yêu trên khắp thế giới này. Và cuối cùng, thông điệp của sức mạnh tinh thần được vang lên: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”.

Nữ chính Vivien Leigh và Quý ông Clark Gable trong phim trở thành hình mẫu kinh điển của điện ảnh thế giới 

Sau khi ra rạp, tác phẩm do David O. Selznick sản xuất năm 1939 đạt 10 giải Oscars, thu về hơn 400 triệu USD, được Viện phim ảnh Mỹ bình chọn đứng đầu Top 100 tác phẩm hay nhất mọi thời đại. Tiếng vang sau bộ phim đã đem lại danh tiếng cho 2 diễn viên chính, họ vụt sáng trở thành ngôi sao sáng của Hollywood.

Đồi gió hú – bi kịch điên loạn của tình yêu khác địa vị

Tình yêu khác địa vị mù quáng, thù hận, ân oán đầy giằng xé, sự ám ảnh cô đơn tạo nên sức lôi cuốn của "Đồi gió hú" – cuốn tiểu thuyết kinh điển của nữ nhà văn người Anh Emily Brontë.

Tác phẩm kinh điển kể về câu chuyện cậu bé người Anh Heathcliff được gia đình giàu có Earnshaw nhận làm con nuôi và mối tình giữa Heathclif và quý cô tiểu thư Catherine Earnshaw xinh đẹp. Thế nhưng, với những quan niệm về tầng lớp xã hội, gia đình Earnshaw không hề muốn công nhận cuộc tình ngang trái này, và Cathy phải đi lấy chồng trong nỗi đau khổ tột cùng của Heathcliff. Cuối cùng, đến khi chết, Heathclif mới thực sự tìm được bình yên trong tâm hồn mình khi phần mộ của Heathclif được chôn cạnh phần mộ của Catherine. Mối quan hệ giữa ba người kết thúc trong bi kịch và những ân oán còn truyền đến thế hệ sau.

“Đồi gió hú” kể tình yêu trần trụi, dữ dội và đầy ám ảnh

Tác phẩm cho thấy: Vì tình yêu, người ta sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng chạy theo những ý nghĩ cuồng si của sự đam mê rồi gieo vào lòng sự hận thù dai dẳng. Heathcliff lòng đầy ẩn ức bởi mặc cảm địa vị, mất tình yêu. Anh xem trọng mối tình của mình đến mức đã trả thù thâm độc những người được coi là nguyên nhân khiến nó tan vỡ. Hành trình đó dần biến cậu bé nhút nhát năm nào trở thành người đàn ông hằn học, cuối cùng kết thúc trong cảnh cô đơn. Còn Catherine là nguồn cơn của các bi kịch trong câu chuyện và cho cả chính cô. Cô nàng khiến người xem băn khoăn giữa việc yêu hay ghét, cô cũng ích kỷ, không thật sự muốn lấy Heathcliff vì địa vị thấp của anh.

Kết cục đau khổ của các nhân vật còn là lời cảnh tỉnh cho sự mù quáng trong tình yêu của giới trẻ. Với khán giả phim ảnh, "Đồi gió hú" hấp dẫn nhờ câu chuyện tình, thù kéo dài, với điểm nhấn là các âm mưu, những màn đối thoại sắc bén. Để tác phẩm không quá nặng tính kịch, đạo diễn Andrea Arnold mang đến nhiều khung hình bắt mắt.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai – mối tình nghịch thiên

Câu chuyện tình yêu giữa Meggie Cleary và Ralp de Bricassart, một cô bé và vị cha xứ cách nhau 19 tuổi trở thành một mối tình ngang trái nổi tiếng suốt nhiều thập kỷ. Ngay từ bắt đầu đã không thể có kết thúc trọn vẹn, để từ đó mở ra liên tiếp những bi thương kéo dài suốt cả ba thế hệ.

Mẹ của Meggie vì có thai với người yêu nên bị bắt phải lấy người chăn cừu. Đến thời của Meggie, vì đem lòng yêu vị cha xứ, nhưng đành trao mình cho một kẻ ích kỉ, tằn tiện. Con của Meggie, một người phải trải qua muôn ngàn khó khăn mới đến được với người mình yêu, lại phải ra đi mãi mãi. Ba câu chuyện tình bi thương của 3 thế hệ như một lời khẳng định kết quả của một tình yêu không được chấp nhận không bao giờ được tồn tại. Đau đớn hơn, tư duy vô hình buộc chặt lấy họ, khiến họ không còn khao khát mưu cầu hạnh phúc. Và ngay cả gia đình của họ cũng không cho phép ranh giới vô hình đó được phá bỏ.

"Tiếng chim hót trong bụi mận gai" giành giải Quả cầu vàng năm 1983 với sự diễn xuất tinh tế của Richard Chamberlain ( Ralph) và Rachel Ward (Meggie)

Trong số đó, tình yêu thuần khiết của Meggie nguyện một đời yêu một người những trái ngang thay đó là cha Ralp. Là cô gái mạnh mẽ, Meggie nhiều lần như muốn đập tan mọi rào cản để đến được với người mình yêu. Đối với cô, không có bất cứ một bụi mận gai nào có thể khóa được tâm hồn tự do của mình, cô một khi đã yêu là sống hết mình cho tình yêu đó, bất chấp sự trả giá.

Cha Ralp, cho đến cuối cùng vẫn lựa chọn một tình yêu lớn hơn, đó là Chúa. Có lẽ cần phải hiểu cho quyết định này của cha, bởi đó là số phận của cha. Nhưng ông vẫn luôn hướng sự quan tâm về Meggie. Và họ quyết định dành sự trân trọng cho nhau mà không cần phải ở bên nhau.

“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” chính là bài học về cái đẹp của tình yêu bắt nguồn từ sự hi sinh nhiều hơn là sự phân biệt giai cấp. Họ chấp nhận hiện thực, và biến tình yêu nằm ở sự thấu hiểu và đồng cảm. Bởi họ hiểu, khi hai tâm hồn đồng điệu, mặc nhiên, nó sẽ trở thành tiếng hót đẹp nhất thế giới.