ĐỜI SỐNG

Tìm hiểu về hiệu ứng sâu tai và tại sao hầu hết dân số đều gặp phải hiệu ứng này

Yellowly • 17-04-2023 • Lượt xem: 882
Tìm hiểu về hiệu ứng sâu tai và tại sao hầu hết dân số đều gặp phải hiệu ứng này

Chắc hẳn hầu như ai cũng đã từng trải qua trường hợp giai điệu của một bài hát nào đó tồn tại trong tâm trí của bạn rất lâu sau khi trải nghiệm nghe kết thúc.

Hiện tượng sâu tai là gì?

Chắc hẳn hầu như ai cũng đã từng trải qua trường hợp giai điệu của một bài hát nào đó tồn tại trong tâm trí của bạn rất lâu sau khi trải nghiệm nghe kết thúc. Các giai điệu, lời hát tự động bật lên và cứ lặp đi lặp lại, luẩn quẩn trong đầu. Mà kỳ lạ là bạn không hề cố tình ghi nhớ nó. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng sâu tai hoặc ám ảnh âm nhạc (còn được gọi là hội chứng bài hát bị mắc kẹt) phổ biến trong dân số nói chung, có tới 98% dân số phương Tây đã từng trải qua hội chứng này.

Có 98% dân số phương Tây đã từng trải qua hội chứng sâu tai

Sâu tai có thể xảy ra do não cố gắng lấp đầy khoảng trống trong vỏ thính giác, nằm ở thùy thái dương. Khi bạn nghe đi nghe lại một bài hát, não sẽ truyền thông tin âm thanh đó đến “Vòng lặp tượng thanh” (The Phonological Loop). Đây là một hệ thống trí nhớ ngắn hạn trong vỏ thính giác, chỉ lưu giữ một số lượng có hạn các âm thanh trong một thời gian ngắn. Sâu tai có thể được kích hoạt bởi bài hát, giai điệu mà bạn nghe gần đây nhất hoặc được nghe đi nghe lại nhiều lần. Một giai điệu bạn đã nghe trong khoảng thời gian căng thẳng hoặc một bài hát liên quan đến các sự kiện hoặc ký ức trong quá khứ cũng có thể gây ra hiện tượng sâu tai khi có tác nhân khơi gợi. Thông thường, các bài hát bị mắc kẹt là những bài có giai điệu hấp dẫn, bật lên một cách tự nhiên hoặc do cảm xúc, sự liên tưởng hoặc do nghe thấy giai điệu quen thuộc.  

Nguyên nhân gây ra hiệu ứng sâu tai

Một nghiên cứu thú vị từ Phần Lan xem xét liệu hiệu ứng tâm lý “Recency Effect” có gây ra sâu tai. Recency Effect là một đặc điểm bộ nhớ, trong đó chúng ta có nhiều khả năng nhớ những thông tin cuối cùng được nghe, nhìn thấy hơn, bởi vì chúng ta đã nghe, nhìn thấy mục đó gần đây hơn và đồng thời, chưa có mục nào khác xuất hiện để can thiệp vào bộ nhớ.  Nghiên cứu được thực hiện trên Internet với sự tham gia của hàng nghìn người dùng Internet Phần Lan và họ đã cố kích hoạt hiệu ứng sâu tai bằng cách yêu cầu những người tham gia hoàn thành lời cho một số bài hát. Thứ tự trình bày các bài hát rất đa dạng. Sau khi hoàn thành lời bài hát, những người tham gia đã thực hiện một “bài tập” phụ trong bốn phút, sau đó họ được hỏi liệu họ có có bị “ám ảnh” với giai điệu không. Khoảng 50% trả lời "có". Kết quả cho thấy, một số bài hát “hấp dẫn” hơn những bài khác, nên bất kể chúng được trình bày theo thứ tự nào thì cũng dễ lưu vào trí nhớ của người nghe. Ngoài ra, bài hát được trình bày cuối cùng có nhiều khả năng bị mắc kẹt trong đầu người tham gia hơn. Điều này cho thấy có sự xuất hiện của hiệu ứng tâm lý “Recency Effect”.

Các giai điệu được nghe gần đây hoặc đã được nghe đi nghe lại nhiều lần dễ gây ra sâu tai

Các trường hợp dẫn đến sâu tai còn là do được nghe gần đây hoặc đã được nghe đi nghe lại nhiều lần. Một trường hợp phổ biến khác kích hoạt sâu tai là do liên tưởng - ví dụ: khi bạn ra đường và nhìn thấy chiếc chong chóng nhỏ xinh xoay đều được gắn trên mũ bảo hiểm của một người nào đó, trong đầu đột nhiên nhớ đến bộ phim hoạt hình tuổi thơ Doraemon, rồi đoạn nhạc phim quen thuộc cứ vang lên trong đầu bạn.

Tâm trạng cũng đóng một vai trò quan trọng, vì khi bạn buồn bã hoặc căng thẳng cũng có thể kích hoạt một số giai điệu nhất định trong đầu. Trường hợp này xảy ra hoàn toàn mang tính cá nhân. 

Một trường hợp khác dẫn đến hiện tượng sâu tai chính là sự rảnh rỗi, buồn chán, khi tâm trí bắt đầu lang thang, không thực sự chú tâm vào điều gì thì sẽ có chỗ trống cho hiện tượng này xuất hiện

Cách hạn chế sự xuất hiện hiệu ứng sâu tai

Đối với đa số mọi người, hiện tượng này là vô hại, gần như không ảnh hưởng đến cuộc sống. Chỉ một tỷ lệ nhỏ cho rằng chúng gây phiền nhiễu và/hoặc gây mất ngủ. Bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây nếu đang gặp khó khăn bởi hiệu ứng này.

Chuyển động cơ thể có thể làm gián đoạn và kết thúc quá trình phát lại giai điệu trong não

Nên tránh nghe nhạc trước khi đi ngủ, vì nó có thể còn dư âm trong đầu bạn và tâm trí không thể tĩnh lặng để chìm vào giấc ngủ bởi hiệu sâu tai xuất hiện. Từ đó dễ gây ra mất ngủ.

Cố gắng không nghe đi nghe lại liên tục một bài hát, đặc biệt là những bài hát có giai điệu bắt tai hoặc dễ gây nghiện. Như đã nói ở trên, các bài hát có vẻ "hấp dẫn" sẽ dễ lưu lại trong trí óc và dễ bị khơi gợi trong tâm trí khi có tác nhân liên quan tác động. Chúng sẽ dễ luẩn quẩn trong tâm trí của chúng ta bất cứ khi nào trí óc có vẻ trống trải.

Vận động cơ thể hoặc đi bộ nhanh hơn hoặc chậm hơn nhịp của bài hát trong đầu bạn. Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen nghe bài nhạc yêu thích của mình trong lúc tập thể dục. Nó giúp tinh thần trở nên phấn chất, kích thích sự yêu thích vận động, nhưng cũng dễ dẫn đến hiệu ứng sâu tai. Việc giữ cho nhịp điệu cơ thể lệch so với nhịp của bài hát giúp hạn chế việc này. Nó cho phép bạn sử dụng chuyển động cơ thể để làm xáo trộn trí nhớ của bạn về nhịp độ âm nhạc, điều này có thể làm gián đoạn và kết thúc quá trình phát lại giai điệu một cách dường như là tự động trong trí óc.

Chuyển sự chú ý của bạn ra khỏi âm nhạc bằng cách tham gia vào các hoạt động khác. Đừng quá cố gắng để cố ý kiểm soát suy nghĩ của bạn. Điều này có thể có tác dụng ngược lại và khiến não của bạn tập trung vào cùng một bài hát hoặc phần bài hát lặp đi lặp lại, khiến bạn khó thoát ra được. Sâu tai không phải là bệnh - nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, đôi khi xảy ra thường xuyên và thường tự biến mất trong một thời gian ngắn. Trong trường hợp sâu tai gây khó chịu hoặc căng thẳng, ngăn cản bạn tận hưởng cuộc sống và các hoạt động hàng ngày hoặc làm phiền giấc ngủ của bạn, hãy chuyển hướng sự chú ý của bạn bằng cách tham gia vào các hoạt động khác và hạn chế nghe các bản nhạc phổ biến hoặc dễ gây nghiện.