Duyên Dáng Việt Nam

Tôn trọng sự khác biệt của con, những điều cha mẹ nên biết

Cẩm Tú • 23-06-2020 • Lượt xem: 1956
Tôn trọng sự khác biệt của con, những điều cha mẹ nên biết

So sánh hơn thua con mình với con người khác dường như đã trở thành phản xạ tự nhiên của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em thiếu tự tin và tổn thương lòng tự trọng. Đôi khi cha mẹ quên mất rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và cần tôn trọng sự khác biệt của con.

Tin bài liên quan:

Khi các con không hòa thuận - chuyện không nhỏ

Đừng đặt ra những tiêu chuẩn chung cho những đứa trẻ

Trẻ em cảm thấy không tự tin ở trường nếu chúng không làm bài kiểm tra tốt như các bạn. Chúng cũng cảm thấy không hạnh phúc trong gia đình nếu anh chị em khác làm tốt hơn hoặc có tố chất đặc biệt hơn chúng. Sự thiếu tự tin ở trẻ càng gia tăng khi cha mẹ có sự so sánh và dành nhiều tình cảm hơn cho những đứa trẻ có biểu hiện nổi trội.

Gần như không có một thước đo nào chính xác để đánh giá toàn diện một con người. Hầu hết các kì thi chỉ tập trung vào một số tiêu chuẩn chung thay vì giúp trẻ tìm thấy tài năng và sở trường riêng của chúng trong cuộc sống.

Trong gia đình, cha mẹ có thể vô tình làm tăng mâu thuẫn giữa anh chị em bằng cách trực tiếp so sánh hoặc khen ngợi một đứa trẻ thành công. Cha mẹ thường có xu hướng yêu thích, ưu tiên hơn đối với một đứa trẻ trong gia đình. Đây thường là một “công thức cho thảm họa”. Điều này dẫn đến một đứa trẻ kém hơn cảm thấy bất an. Sự ganh tỵ, phẫn nộ trong mối quan hệ giữa các anh chị em trong gia đình cũng vì thế ngày càng tăng. 

Bởi vậy, để giải quyết tình trạng xích mích giữa những đứa trẻ trong gia đình, cha mẹ cần tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ. Hãy yêu cả những điều tốt và chưa tốt, yêu sự độc đáo, khác biệt của con.

Mỗi đứa trẻ là một sự khác biệt độc đáo

Dù đứa trẻ nhạy cảm, hay năng động; ít nói hay hoạt ngôn; thẳng thắn hay khôn khéo… chúng đều đáng được yêu quý và tôn trọng. Không có một mẫu số chung cho những đứa trẻ tốt.

Vì vậy, để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và các con, cha mẹ cần phải tham gia vào sở thích riêng của từng đứa trẻ. Ví dụ, cùng đọc sách với đứa con lớn nhưng cũng cùng con nhỏ tập thể thao... Điều này có nghĩa là cha mẹ nên tôn trọng sở thích, năng lực, cá tính của mỗi đứa trẻ; đừng nên cố gắng so sánh chúng với bất kỳ ai.  

Mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình đem đến cảm giác an toàn, ấm cúng cho trẻ nhỏ. Cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ ấy là “tận hưởng” những gì thuộc về con. Đáng buồn thay, những thách thức, căng thẳng của cuộc sống có thể khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách.

Nếu như với trẻ nhỏ, chỉ cần dành ra 15 phút hàng ngày để chơi cùng con hoặc kể chuyện trước khi đi ngủ là một cách tốt để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, thì với những đứa trẻ lớn hơn điều đó trở nên khó khăn hơn.

Những đứa trẻ lớn hơn, nhất là khi chúng bước vào tuổi thanh thiếu niên, bản thân chúng cũng bị cuốn theo cuộc sống của chính mình, lúc này con cần được tôn trọng nhiều hơn.

Sự phán xét quá mức của cha mẹ về cách ăn mặc, sở thích... của con đôi khi trở thành thiếu tôn trọng. Điều này làm cho mối quan hệ càng thêm căng thẳng. Hãy cố gắng tìm kiếm những điểm chung và kết nối với chúng nhiều hơn. Đọc cùng một cuốn sách, thích cùng một bản nhạc hoặc chia sẻ tình yêu với việc làm vườn, nấu ăn hoặc bất cứ điều gì khác, những việc tưởng như đơn giản nhưng tạo nên sự gắn kết kỳ diệu.

Thời gian cha mẹ ở bên con rất quan trọng. Càng được gần gũi con càng cảm nhận được sự an toàn, tôn trọng và hiểu được ý nghĩa của một gia đình.

Thông thường trẻ em nhận được những sự quan tâm khác nhau từ cha và mẹ. Nếu như con có thể học được tình yêu âm nhạc và giá trị làm việc chăm chỉ từ mẹ thì có thể có niềm đam mê thể thao và giá trị đối xử tốt với mọi người từ cha. 

Cha, mẹ cũng có những giá trị khác nhau, có điểm tốt và điểm xấu. Những giá trị khác biệt của cha, mẹ mang đến cho các con nguồn cảm hứng trong cuộc sống cho phép họ phát triển ý thức cá nhân của riêng mình. Vì vậy, trong gia đình, cần tôn trọng sự khác biệt của các thành viên.

Toni Morison nữ nhà văn nổi tiếng người Mỹ từng tâm sự trong chương trình Oprah “con bạn bước vào phòng, mặt bạn có sáng lên không? Bởi vì đó là tất cả những gì chúng thực sự mong muốn từ bạn. Hãy để khuôn mặt của bạn nói lên những gì trong trái tim”. Có thể con bạn kém ở mặt này nhưng lại nổi bật ở phương diện khác. Hãy luôn tôn trọng sự khác biệt của con bạn sẽ luôn rạng ngời, hạnh phúc với những đứa trẻ của mình.