Duyên Dáng Việt Nam

Khi các con không hòa thuận - chuyện không nhỏ

Cẩm Tú • 06-04-2020 • Lượt xem: 980
Khi các con không hòa thuận - chuyện không nhỏ

Xích mích hay cãi vã giữa các thành viên con cái trong gia đình tưởng như rất đỗi bình thường nhưng lại không thể xem thường. Những mâu thuẫn có thể bắt nguồn từ quyền lợi vật chất, nhu cầu được quan tâm, yêu thương… và dù to hay nhỏ, nếu không được hóa giải kịp thời thì chẳng khác nào một thứ virut độc hại tàn phá tinh thần của những đứa trẻ, thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Thiên vị - ngọn nguồn của mọi xích mích

Theo Michele Levin, nhà tâm lý trị liệu gia đình: “Chuyện bố mẹ yêu thích hoặc cảm thấy gần gũi một đứa con hơn những đứa con khác là vô cùng bình thường”. Đúng vậy, con người  thường có tâm lý đề cao giá trị của bản thân, vì vậy khi có những đứa con có ngoại hình giống và tính cách tương đồng với mình, cha mẹ sẽ có cảm giác thú vị, tự hào hơn và có xu hướng ưu ái, thiên vị những đứa trẻ này hơn.

Sự thiên vị đôi khi xuất phát từ thể chất của đứa trẻ, khi một trong những đứa con có thể chất yếu hơn, cần chăm sóc cẩn thận, cha mẹ sẽ nâng niu và dồn mọi thứ vật chất, tình cảm để bù đắp, che chở cho đứa trẻ đó. Đứa trẻ may mắn hơn vô tình lại phải nhường nhịn, thậm chí thay cha mẹ gánh thêm trách nhiệm chăm sóc cho người còn lại.

Với những người nặng về chuyện thành tích, danh dự, sĩ diện trước “bàn dân thiên hạ” thì thành tích học tập, sự vượt trội về ngoại hình sẽ trở thành thước đo tình cảm. Những đứa trẻ thua kém sẽ ngày càng tự ti, tự ái và bất mãn khi bị mang ra làm vật so sánh.

Cũng có những đứa trẻ ngay từ sinh ra đã không được yêu thương, thậm chí bị xua đuổi, bỏ rơi khi bị xem là “đứa con khắc cha, khắc mẹ”. Nhưng cũng có nhiều trẻ khi ra đời được cung phụng yêu thương khi được “thầy” phán là “quý tử”.

Chính sự thiên vị vô lý của cha mẹ đã làm nảy sinh tâm lý tự ái, ghen ghét trong đứa trẻ chịu bất công; nuôi dưỡng tư tưởng ích kỷ, tự phụ của đứa trẻ được dung dưỡng.

Có thể nói thiện vị là “liều thuốc độc” cho mối quan hệ gia đình đẩy các xích mích sẽ phát sinh từ cấp độ thấp đến cao. Lúc này, xích mích không dừng lại ở việc tranh giành nhau con búp bê hay quả bóng, chúng sẽ tiếp tục leo thang, thậm chí dẫn đến những hành vi lệch lạc gây ra hậu quả đau thương.

Xích mích - chuyện nhỏ nhưng không nhỏ

Ở mức độ nhẹ nhàng, sự bất công đơn giản chỉ làm những đứa trẻ bớt phần gẫn gũi cha mẹ, anh, chị, em. Nhưng nếu để sự thiên vị hiện lên quá rõ rệt, qua nhiều cuộc mâu thuẫn không được xử lý triệt để sẽ trở thành công cụ bào mòn tâm hồn của bạn nhỏ. 

“Sự phân biệt đối xử này đặc biệt gây hại với đứa trẻ khi chúng nhận ra mình là người duy nhất không được bố mẹ quan tâm. Tâm hồn dễ tổn thương hơn khi chúng đều ghi nhớ tất cả những lời nói, hành động tồi tệ từ người lớn mà bản thân phải hứng chịu. Điều này có thể có tác động khủng khiếp đến lòng tự trọng của chúng”, giáo sư Helen Dent, người từng dành nhiều năm nghiên cứu vấn đề này, cảnh báo.

Đầu tháng 7 năm 2014, một thảm kịch đã xảy ra tại Đông Quản Đông Khanh, Trung Quốc, chị gái 14 tuổi tự tay giết chết em gái 9 tuổi, cô bé đã bị cha mẹ để lại cho ông bà nuôi nấng, thiếu đi tình thương của cha mẹ, cho rằng e trai là nguyên nhân khiến mình bị bỏ rơi đã khiến cô bé ra tay tàn độc.

Dư luận đã đặt ra câu hỏi lớn cho trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ, và trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Cũng được sinh ra bởi cha, bởi mẹ tại sao lại không được đối xử như nhau, yêu cũng được, không yêu con cũng được nhưng làm ơn hãy cho con sự công bằng – điều con đáng được nhận.

Công bằng- chìa khóa vạn năng tháo gỡ mọi xích mích

"Công bằng" là một nguyên tắc được sử dụng để điều chỉnh các hành vi trong xã hội. Khi phải vào vai một vị “quan tòa bất đắc dĩ” cha mẹ cũng cố gắng công bằng, nhưng trong phiên tòa tình cảm này, cha mẹ đôi khi không công bằng như mình nghĩ.

Những giải pháp hữu hiệu cho tình trạng bất công vô tình:

1. Luôn lắng nghe từ hai phía: Con người thường có xu hướng kể câu chuyện sao cho phần đúng thuộc về mình, trẻ em cũng vậy. Vì vậy đừng vội kết luận điều gì khi chưa lắng nghe câu chuyện từ hai phía. Việc lắng nghe không chỉ giúp cha mẹ hiểu rõ căn cơ sự việc còn là cách cha mẹ thể hiện sự tôn trọng với con cái, bởi ai cũng cần được lắng nghe

2. Dạy con khiếu nại: Thay vì dạy con nhường nhịn vô lý, hãy chỉ cho con cách khiếu nại, dám nói lên những điều bất công. Bởi nếu để chúng câm lặng chịu đựng thì làm sao cha mẹ biết con đang phải chịu tổn thương ra sao.

3. Khuyến khích con biết tự nhận lỗi: Biết tự nhận lỗi là thành thật với chính bản thân mình. Cha mẹ phải cho con thấy ai cũng có lỗi lầm, có lỗi không phải là có tội. Cha mẹ không nên khiển trách khi con nhận lỗi mà nên khuyên khích, động viên, biểu dương con, để con hiểu rằng làm một người “đường đường chính chính” là như thế nào. Khi một trong hai, hoặc tất cả những đứa trẻ nhận ra mình đều có lỗi, tự bản thân chúng sẽ hóa giải được  xích mích.

Gia đình là xã hội đầu tiên mà trẻ em tiếp xúc, và người thầy đầu tiên của con là cha mẹ.  Từ gia đình và cha mẹ, trẻ dần bắt đầu có ấn tượng với xã hội. Chúng cảm thấy sự kỳ vọng và tình yêu của mọi người dành cho bản thân, từ đó hình thành thái độ, hành vi cơ bản trong cuộc sống. Khi có một đứa con tình yêu thương được dành trọn vẹn cho một người, nhưng khi gia đình có thêm thành viên khác, việc san sẻ tình yêu cho những đứa con đôi khi không công bằng như cha mẹ nghĩ. Do đó, nếu con bạn thường xuyên phàn nàn rằng bạn “không công bằng” thì xin đừng xem nhẹ khiếu nại này, đó là khi những xích mích cần được giải quyết.