ĐỜI SỐNG

“Trẻ em như búp trên cành..."

HaoKhanh • 06-09-2024 • Lượt xem: 605
“Trẻ em như búp trên cành..."

Không có gì đẹp và đáng yêu hơn nụ cười con trẻ. Những khuôn mặt non nớt, ngây thơ trong sáng, những ánh mắt tròn xoe lấp lánh, những bước chân lững chững chạy ào tới ôm lấy chúng ta. Đó là hình ảnh thật ấm áp và thân thương. Hạnh phúc đến từ những điều giản dị ấy.

Trẻ em xứng đáng được sống trong môi trường tốt đẹp, được ẵm bồng, nâng niu, được yêu thương, được quan tâm chăm sóc. Thế nhưng ở một góc khuất nào đó, nhiều em nhỏ bị bạo lực đã gây ra những nỗi đau không thể xóa nhòa.

Hôm nay, trong lúc trông con ngủ, vô lình lướt facebook thấy được hình ảnh một số bảo mẫu ở một mái ấm tại Quận 12, TP.HCM có hành vi bạo lực đối với con trẻ, tôi đã lặng mình đi. Vì cũng là một người mẹ tôi cảm thấy chạnh lòng và thương các con biết bao. Niềm xót xa dâng trào, tôi thiết nghĩ mình nên viết bài này để gửi gắm thông điệp của mình đến tất cả mọi người rằng hãy yêu thương con trẻ bằng cả trái tim.

Tình trạng bao lực đối với trẻ em ngày càng gia tăng

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia (số 111) của Bộ Lao Động – Thương Binh Xã Hội đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến, tư vấn cho 15.991 trường hợp, trong đó hỗ trợ, can thiệp và bảo vệ 845 trẻ em. Đây là một con số đáng báo động. Tình trạng bạo lực trẻ em diễn ra ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, là một tội ác cần nghiêm trị. Dù thời gian đã trôi qua, chúng ta không thể quên được những vụ án đau lòng như bé V.A (TP.HCM) bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành, vụ án bảo mẫu đánh đập em bé 15 tháng tuổi ở Hà Nội, bé gái 6 tuổi bị bố đánh chỉ vì con không tập trung khi học…gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề, hằn sâu lên những vết thương không bao giờ xóa nhòa trong tim mỗi con người.

Hành vi bạo lực gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhân cách của trẻ

Những nghiên cứu và thực tế đã cho thấy rằng những trẻ em chịu bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực sẽ không thể phát triển toàn diện về mọi mặt. Khi con trẻ bị bạo lực sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, gây ra những nỗi đau trên thân thể các em. Các em luôn trong tình trạng sợ hãi, căng thẳng tột độ, tâm lý khép kín. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tính cách và hành vi trẻ. Các em dễ rơi vào stress, trầm cảm, sống thu mình, tách biệt với xã hội. Một số trẻ sẽ có chiều hướng, suy nghĩ và hành động tiêu cực như bỏ học, hút thuốc, rượu bia, tệ nạn xã hội, có khuynh hương gây rối, bạo lực với người khác. Đây là những hậu quả vô cùng nặng nề, gây ảnh hưởng tới xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em

Trong nhiều gia đình vẫn còn quan niệm “Thương cho roi cho vọt” vì nghĩ rằng đòn roi sẽ làm con ngoan hơn, lần sau sẽ không vi phạm lỗi mà không biết rằng như vậy sẽ làm tổn thương đến con trẻ nhiều hơn, kích thích sự bướng bỉnh, chống đối, phó mặc của các con.

Trong xã hội, nhiều người sống thiếu đạo đức, vô cảm, không có sự kiên nhẫn, không có tấm lòng yêu thương trẻ nhỏ đã gây ra những tội ác chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu, bộc phát cảm xúc cá nhân.

Không chỉ là những người xa lạ, sự dồn nén cảm xúc, áp lực kinh tế, cũng khiến ba mẹ lựa chọn việc trút giận vào con cái của mình như một cách để bộc phát những gánh nặng về tâm lý và cảm xúc.

 Vậy đâu là giải pháp phòng chống bạo lực trẻ em?

Gia đình là cái nôi của xã hội và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng và hình thành tính cách, thói quen và hành vi của con trẻ. Vì vậy cần nâng cao trách nhiệm của gia đình đối với việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực. Bố mẹ hãy như những người bạn sẻ chia, tâm sự với các con nhiều hơn. Dạy con không phải bằng roi vọt mà hãy dạy con bằng tình yêu thương. Kiên nhẫn làm bạn với con để hiểu được tâm sinh lý trẻ và có hành động giáo dục sao cho đúng đắn. Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Tìm cho con một môi trường học tập tốt và an toàn, chú ý tới những biểu hiện trên cơ thể trẻ như những vết thương hay sự thay đổi về tính cách của con như con lầm lì, ít nói, con sợ đi học, con khóc nhiều khi tới lớp,…hỏi chuyện và chia sẻ với con nhiều hơn.

Những người làm công tác giáo dục, dạy dỗ nuôi dưỡng con trẻ cần có trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ em. Phải có tấm lòng yêu thương trẻ, hiểu biết cảm xúc của các con để từ đó có biện pháp khuyên bảo, hướng dẫn con sửa sai, làm việc tốt. Chúng ta trước hết phải là tấm gương sáng để con học tập và noi theo.

Tố cáo hành động bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Xử phạt nghiêm khắc hành vi xâm hại và bạo lực trẻ em. Tuyên truyền giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật nhằm mang tính răn đe với các hành vi vi phạm.

Hi vọng rằng, với những hoạt động tích cực, sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội sẽ tạo cho các con một môi trường sống lành mạnh, an toàn. Các con cảm thấy hạnh phúc khi được học tập, vui chơi, sống hồn nhiên, ngây thơ và tận hưởng thế giới tươi đẹp như đúng lứa tuổi của mình:

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”