VĂN HÓA

Trí tuệ nhân tạo liệu có làm mất đi sự sáng tạo của con người?

Nguyễn Hậu • 09-09-2022 • Lượt xem: 1102
Trí tuệ nhân tạo liệu có làm mất đi sự sáng tạo của con người?

Tại triển lãm nghệ thuật bang Colorado dành cho các tác phẩm hội họa, một bức tranh vẽ bằng phần mềm Midjourney (một công cụ trí tuệ nhân tạo AI ) đã đạt giải nhất gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.

Jason Allen, chủ nhân của tác phẩm có tên Théâtre D'opéra Spatial, tạm dịch là Không gian nhà hát thính phòng đạt giải nhất cuộc thi triển lãm nghệ thuật bang Colorado đã kiến tạo tác phẩm của mình theo cách sáng tạo không ngờ. Theo đó Jason Allen đã sử dụng phần mềm MidJouney, một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) vẽ tranh theo mô tả của người dùng để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Midjourney là một hệ thống trí tuệ nhân tạo, với cơ sở dữ liệu là những bức tranh của hàng trăm họa sĩ nổi tiếng khác nhau trên thế giới, giúp trí tuệ nhân tạo có thể nhận dạng và xây dựng nên những phong cách nghệ thuật cho riêng mình theo từ khóa do nghệ sĩ nhập vào.

Được biết ngay từ khi nộp tác phẩm dự thi của mình thì Jason Allen đã nói rõ mình sử dụng công cụ MidJourney để vẽ tranh. Thêm vào đó Allen còn hoàn thiện những từ khóa ( thuật ngữ gọi là các “prompt”) để máy tính cho ra tác phẩm cuối cùng. Ngoài ra Allen còn sử dụng cả phần mềm photoshop để chỉnh sửa tranh. Có thể nói Allen không che dấu cách tạo ra tác phẩm của mình và anh không có âm mưu chiếm đoạt giải nhất bằng sự hỗ trợ từ AI. Tuy thiên sự thật vẫn là sự thật. Đó là tác phẩm tạo ra bởi một công cụ trí tuệ nhân tạo lại được ban giám khảo đánh giá cao hơn mọi bức tranh được tạo ra bằng phương pháp truyền thống.

Công cụ Midjourney, công cụ AI vẽ tranh theo mô tả của con người đang làm khuấy đảo cộng đồng yêu nghệ thuật. Con người chỉ cần nhập một từ khóa cụ thể, Midjourney sẽ tự lục tìm trong số dữ liệu khổng lồ những hình ảnh khớp với từ khóa đó, rồi thông qua một quy trình xử lý phức tạp của hệ thống logic máy tính để tạo ra tác phẩm cuối cùng. Các chi tiết trong bức tranh sẽ phụ thuộc vào số từ khóa được nhập vào.

Sự tranh cãi trái chiều trong giới nghệ thuật xảy ra xung quanh bức tranh Théâtre D'opéra Spatial cũng giống như mọi thành tựu khác từ cổ chí kim. Thậm chí có những bình luận rất tiêu cực là nghệ thuật của con người sẽ bị diệt vong bởi AI và tất cả các nghệ sĩ đều bị máy móc thay thế. Một bình luận khác thì cho rằng việc một công cụ vẽ tranh vô tri giật giải từ tay những nghệ sĩ bằng xương bằng thịt khiến con người hoang mang trước tương lai thất nghiệp. Những cỗ máy giờ không còn lặp đi lặp lại nhàm chán nữa mà giờ đã là hệ thống trí tuệ nhân tạo giàu dữ liệu mon men tiến tới cảnh giới của sáng tác... Những bình luận tiêu cực này có sức lan tỏa rất mạnh mẽ trên không gian mạng xã hội.

Sự tranh cãi về nghệ thuật cũng xảy ra vào những năm 1800 khi phát minh máy ảnh ra đời. Bởi máy ảnh dường như đã làm được tất cả công việc của một nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng tay và bút lông, bút chì. Khi đó một số lo sợ rằng các họa sĩ sẽ mãi mãi lạc hậu so với nhiếp ảnh màu. Tuy nhiên thực tế đã cho ta thấy rằng máy ảnh không thể thay thế được họa sĩ bởi máy ảnh chỉ có thể ghi lại được hình ảnh trước mắt còn hội họa có thể do trí tưởng tượng tạo thành. Trong nhiếp ảnh bạn có thể lựa chọn bất cứ điều gì bạn muốn thể hiện nhưng không thể làm thay đổi vật thể tồn tại được nhưng trong hội họa bạn có thể sắp đặt, tổ chức bố cục các yếu tố hình thức theo trí tưởng tượng phong phú của mình. Hội họa là siêu hình và màu sắc của nó cũng siêu thực trong một chừng mực nào đó.

Tóm lại nhiếp ảnh và hội họa đều phản ánh cái đẹp của cuộc sống bằng hình thức khác nhau. Để các công cụ nhiếp ảnh tổng hợp được hình ảnh đẹp đòi hỏi người sử dụng các công cụ đó cũng phải ở một trình độ cao. Việc máy ảnh ra đời đã mở ra nhiều cơ hội và lĩnh vực mới trong nghệ thuật khiến nghệ thuật phát triển nhanh chóng.

Nghệ thuật AI ra đời là một phát minh vĩ đại nhất của lịch sử hiện đại, nó nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Nhưng nó cũng làm lung lay nhiều khái niệm truyền thống và đặt ra nhiều vấn đề đó là nghệ thuật AI có phải là nghệ thuật đích thực không? Hình ảnh cuối cùng có phải là sản phẩm sáng tạo của người miêu tả không? Chúng ta có nên coi trọng những tác phẩm nghệ thuật AI hơn những tác phẩm nghệ thuật tương tự nhưng được tạo ra thủ công từ con người và tốn nhiều thời gian, công sức và kỹ năng hơn không? AI có quyền sở hữu đối với tác phẩm đó không bởi xưa nay quyền sáng tác, hay nói cách khác là hành động sáng tạo vốn dĩ chỉ thuộc về con người.

Một số tác phẩm được tạo ra từ công cụ Midjourney

Ông Pye Jirsa, một nhiếp ảnh gia, một doanh nhân thành đạt thì đưa ra quan điểm thú vị rằng 99% những người nghệ sĩ chọn không theo đuổi những thay đổi công nghệ đã bị hủy hoại và đào thải. Ông cũng đặt câu hỏi rằng liệu thế hệ tương lai có coi trọng và dành thời gian để học bất kỳ một loại hình nghệ thuật cụ thể nào không? Khi mà AI chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã tạo ra những thứ tuyệt vời và phức tạp, vượt xa những thành tựu mà con người cố gắng đạt được trong hàng thập kỷ. Liệu nghệ thuật AI có làm mất đi sự sáng tạo của con người, có làm thay đổi cách con người sử dụng, tiêu thụ và đánh giá nghệ thuật trong tương lai không?

Để trả lời cho câu hỏi này bà Anne Ploin, nhà nghiên cứu tại Viện Internet Oxford và là thành viên của nhóm các nhà nghiên cứu phân tích tác động tiềm ẩn của AI đối với công việc sáng tạo cho rằng: Các chương trình nghệ thuật dùng trí tuệ nhân tạo AI sẽ không thay thế được nghệ thuật đích thực mà chỉ có thể hỗ trợ bằng cách giúp các nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm chất lượng cao trong một thời gian ngắn.

Sự sáng tạo của con người sẽ không mất đi bởi cho dù một số giai đoạn trong quy trình sáng tạo có thể được thay thế bằng AI, nhưng về mặt ý tưởng thì AI không thể thay thế được con người. Sáng tạo nghệ thuật bao gồm rất nhiều công đoạn như lựa chọn chất liệu, lên ý tưởng sáng tạo, quyết định thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải... điều này một cỗ máy AI không thể làm được mà chỉ có thể thực hiện được khi có sự trợ giúp của con người.

Ngoài ra nghệ thuật phản ánh mọi mặt của cuộc sống, sự thay đổi của thế giới xung quanh những thứ này không thể tái tạo được bằng AI mà không có sự hỗ trợ của người nghệ sĩ đích thực. Tóm tại trí tuệ nhân tạo AI chỉ là một công cụ thông minh nhất mà con người tạo ra để hỗ trợ con người sáng tạo nên những tác phẩm kinh điển.