VĂN HÓA

Triển lãm tranh nghệ thuật Trúc chỉ từ chất liệu truyền thống

Lan Hương • 17-07-2023 • Lượt xem: 1429
Triển lãm tranh nghệ thuật Trúc chỉ từ chất liệu truyền thống

Triển lãm tranh Trúc chỉ có tên gọi “Năng” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã đưa công chúng đến với môn nghệ thuật mới được sáng tác dựa trên nền chất liệu truyền thống vô cùng độc đáo và đẹp mắt.

Ý nghĩa công cuộc triển lãm

Đây là lần thứ hai nghệ thuật Trúc chỉ được giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật Đà Nẵng. Trong lần này, triển lãm trưng bày 52 tác phẩm được chia thành 2 không gian bao gồm “Nghệ thuật Trúc chỉ” và “Mỹ thuật ứng dụng”. Các tác phẩm được chế tác hoàn toàn thủ công theo tôn chỉ Thẩm mỹ - Giáo dục -Xã hội.

Các tác phẩm nghệ thuật độc đáo được trưng bày trong triển lãm.

Sự kiện này nằm trong chuỗi kỷ niệm 10 năm hành trình nghiên cứu, phát triển nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam. Thông qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn chia sẻ đến công chúng cách nhìn về khả năng đáp ứng của hình thức nghệ thuật mới mẻ này qua các biểu hiện về kỹ thuật, ứng dụng và khả năng lan tỏa năng lượng tích cực đến người thưởng lãm mà chặng đường 10 nghệ thuật Trúc chỉ đã làm được.

Chương trình cũng là dịp công ty Nghệ thuật Trúc chỉ giới thiệu các họa sĩ tài năng của mình đến với công chúng và mở ra hành trình 10 năm kế tiếp cùng đoàn kết, nghiên cứu, phát triển và đưa Trúc chỉ thành giá trị văn hóa mới của nước nhà.

Đông đảo công chúng yêu nghệ thuật đến tham quan triễn lãm.

Tìm hiểu về nghệ thuật Trúc chỉ

Tranh Trúc chỉ là một loại hình nghệ thuật mới, sử dụng phương pháp thủ công truyền thống để biến giấy thành một tác phẩm độc lập, có ý nghĩa và có hồn bằng việc sử dụng áp lực nước trên nền giấy dó, cùng với kỹ thuật và quy tắc mỹ thuật truyền thống để tạo nên những kiệt tác tinh xảo. Đây là quá trình nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo đột phá của họa sĩ Phan Hải Bằng (giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế) cùng các cộng sự của ông từ năm 2011.

Tinh thần cốt lõi của Nghệ thuật Trúc chỉ chính là mong muốn mang đến cho giấy một khả năng mới, thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân và độc lập. Trúc chỉ, loại hình giấy - nghệ - thuật, nghệ - thuật – giấy mới của người Việt đã được Nhà văn, Dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4/2012.

Trúc là tre, chỉ là giấy, tuy nhiên không phải chỉ giấy tre mà còn từ những nguyên liệu tự nhiên như cỏ, rơm, tre, mía, chuối, bèo bắp… họa sĩ Hải Bằng cùng các cộng sự đã nghiên cứu thành công phương pháp làm giấy hoàn toàn thủ công, các vật liệu đều thân thiện với môi trường.

Quy trình chế tác Trúc chỉ gồm hai công đoạn chính.

+ Một là quy trình làm giấy truyền thống, nguyên liệu thô ban đầu sẽ được ngâm rửa sạch, nấu với vôi, nghiền thành bột giấy sau đó xeo thành tấm giấy nền.

+ Hai là quy trình Trúc chỉ, với những hình ảnh đã được phác thảo trước, họa sĩ sẽ tiến hành thao tác ngay trên giấy ướt. Phương thức tạo hình bằng việc sử dụng một vòi phun tạo áp lực nước để bóc từng lớp bột giấy, thay đổi cấu trúc xơ sợi, tạo nên độ dày mỏng khác nhau trên tấm giấy. Thao tác được thực hiện nhiều lần, kết hợp việc vận dụng kỹ thuật tạo áp lực nước theo nguyên lý đồ họa, vòi nước được dùng như một chiếc bút vẽ để tạo nên những đường vân chìm nổi, mang đến hiệu ứng đặc biệt và khác biệt cho tranh Trúc chỉ. Đây cũng được xem là bước quan trọng, tạo nên cái hồn và sự độc đáo cho tranh.

Họa sĩ tạo hình tác phẩm bằng vòi xịt nước áp lực, công đoạn quan trọng mang đến sự độc đáo khác biệt trong mỗi bức tranh.

Đặc tính của tranh Trúc chỉ là sự linh hoạt về biểu hiện và tinh tế theo thứ lớp dày mỏng, nhất là khi có sự tương tác với ánh sáng. Mỗi loại xơ sợi sẽ có một biểu hiện khác nhau, chẳng hạn sau khi xử lý, xơ tre non cho màu sáng, tre già cho màu tối, từ đó mà người họa sĩ sẽ lựa chọn và sử dụng cho phù hợp để thể hiện tính thẩm mỹ và sự sáng tạo cho tác phẩm của mình.

Cùng một tác phẩm, các bức tranh Trúc chỉ sẽ mang lại hai hiệu ứng khi có sự can thiệp của ánh sáng. Hiệu ứng bề mặt khi được chiếu ánh sáng thuận, chỗ dày cho sắc độ sáng, chỗ mỏng cho sắc độ tối. Hiệu ứng xuyên sáng khi ánh sáng được chiếu từ trong ra, chỗ mỏng cho sắc độ sáng, chỗ dày lại có sắc độ tối hơn. Đây chính là điểm thu hút, mang đến cảm hứng cho người xem sáng tạo.  

Hiệu ứng ánh sáng đậm nhạt, dầy mỏng mang đến cho người xem cảm giác thu hút và sáng tạo.

Không những mang tính nghệ thuật cao, các tác phẩm Trúc chỉ còn có tính ứng dụng trong thực tiễn. Các họa sĩ trong quá trình sáng tạo luôn tìm tòi và phát triển loại hình nghệ thuật này khi kết hợp với các nghề thủ công như đan lát, thêu, các loại hình thiết kế sản phẩm, thời trang, trang sức, nội ngoại thất… để làm phong phú hơn cho môn nghệ thuật mới của người Việt.

Không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, Trúc chỉ còn mang tính ứng dụng vô cùng sáng tạo và độc đáo.