VĂN HÓA

Triển lãm ‘Về nhà ăn cơm’: Thông điệp từ bữa cơm gia đình

Hoài Việt • 26-08-2022 • Lượt xem: 1193
Triển lãm ‘Về nhà ăn cơm’: Thông điệp từ bữa cơm gia đình

“Về nhà ăn cơm” được xem là một trong những câu nói quen thuộc gắn liền với người Việt. Ý tưởng về triển lãm “Về nhà ăn cơm” có lẽ cũng hình thành từ việc nhìn thấy các tầng ý nghĩa ẩn sau bữa cơm quen thuộc. Triển lãm do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá (UNESCO) phối hợp cùng Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thực hiện.

Sợi dây liên kết thế hệ

Với chủ đề chương trình đưa ra là về “đối thoại giữa các thế hệ và làm sao để mọi người gắn kết hơn”, chị Nguyễn Thị Hoài Giang (hay còn được gọi là Giang Kawado) bắt đầu định hướng suy nghĩ. Gia đình luôn được xem là tế bào xã hội, do đó gia đình bền vững thì xã hội, cộng đồng mới có thể ngày một vươn xa. Và mấu chốt chính là sự liên kết giữa các thế hệ.  Cộng thêm vào đó, nhờ vào một sự kiện tình cờ khi nhìn thấy được cuộc đối thoại thú vị, đầy sôi nổi giữa mẹ và con gái trong một bữa ăn tại nhà hàng, Giang Kawado nhận ra được sợi dây liên kết này tồn tại ngay trong chính những bữa ăn hàng ngày của gia đình chứ chẳng đâu xa.

Những câu chuyện đằng sau bữa cơm gia đình

Được biết, thời gian xác định ý tưởng và triển khai dự án, chị Giang Kawado cùng các đồng nghiệp chỉ có thời gian trong năm tuần, bao gồm thêm cả việc mời gọi các bạn trẻ đồng hành cùng triển lãm.Và kết quả dường như vượt ngoài mong đợi khi nhận được lượng tương tác hưởng ứng mạnh mẽ từ các bạn trẻ. Từ đó, hội tụ 30 gương mặt tác giả với  các tác phẩm vô cùng đa dạng với các chất liệu, thể hiện nên những màu sắc câu chuyện khác nhau, tạo sự sống động không ngờ.

Không gian trưng bày của “Về nhà ăn cơm” bao gồm 3 khu vực chính: đầu tiên là phòng khách cùng các món ăn, phòng ăn – nơi hiện hữu bữa cơm gia đình và cuối cùng là bức tường cảm xúc – nơi các bạn trẻ có thể bày tỏ, gửi gắm lại những suy nghĩ về bữa cơm nhà. Tất cả tạo cảm giác vô cùng ấm cúng, tựa như một bữa cơm thật sự. Từ đó, người tham quan như được đưa về miền ký ức, trở lại với những hình ảnh quen thuộc thường ngày như gian bếp của mẹ, chiếc lồng bàn úp gọn, mâm cơm tươm tất, bát đũa sắp xếp ngay ngắn sẵn sàng…

Mặt khác, chúng còn là những câu chuyện chưa kể, giờ đây được thể hiện bởi những tâm hồn trẻ. Các bạn luôn ghi nhớ món cháo được cha nấu cho khi ốm, món cá kho đầy yêu thương của mẹ gửi lên cho người con đi học xa, bữa cơm gói ghém giữa đại dịch hay câu chuyện về “cơm cá gỗ” của ngôi nhà nghèo khi xưa…

Thông điệp gửi gắm

Thông qua buổi triển lãm, các thành viên cùng các tác giả thực hiện mong muốn có thể tạo cơ hội để nối kết các thành viên gia đình gần lại với nhau hơn, cũng như sau trải nghiệm mà nhớ về gia đình. Cuối cùng là gửi đến thông điệp với mọi người rằng hãy nhớ về nhà để cùng ăn cơm với những người thân yêu nhất ngay khi có thể. Các thành viên của dự án hy vọng sự hiện diện của mỗi người trong không gian này là cơ hội để kết nối và thấu hiểu hơn với những con người ngồi cùng mâm, ăn cùng món với mình. Họ tin sau trải nghiệm này, ai cũng sẽ nghĩ về gia đình mình nhiều hơn.

Có thể nói, bữa cơm gia đình mang giá trị tinh thần vô cùng lớn, có ý nghĩa theo năm tháng trong tâm trí mỗi người con Việt. Không hẳn mỗi bữa ăn đều sẽ luôn vui vẻ, ấm êm mà đôi lúc vẫn xen lẫn xung đột, không thể tránh các mâu thuẫn. Các mùi vị đắng, cay, ngọt bùi hiện diện cũng tựa như các sắc thái cảm xúc. Tuy nhiên, đó mới là lúc để các thành viên có thể hiểu về nhau hơn, trao đổi về mọi vấn đề trong cuộc sống. Không những vậy, ở đó còn chứa đựng những kỉ niệm ấm áp, hàn gắn yêu thương. Cuộc sống dẫu có mệt mỏi đến nhường nào, về nhà ăn cơm mẹ nấu, có ba đón chờ, mọi chuyện hẳn hoá bình yên.