VĂN HÓA

Trưng bày ‘Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên’

Duy Dũng • 01-12-2023 • Lượt xem: 1823
Trưng bày ‘Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên’

Đây là lần đầu tiên, mô hình hình thái kiến trúc điện Kính Thiên - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng thành Thăng Long - được giới thiệu tới giới chuyên môn và công chúng sau nhiều năm nghiên cứu phục dựng.

Chiều 29/11/2023, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội khai mạc Trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên”.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Trưng bày đã giới thiệu tới công chúng 22 hiện vật đặc sắc, liên quan trực tiếp đến kiến trúc Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ. Đây là kết quả quá trình nghiên cứu trong nhiều năm của Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc trao đổi học thuật, điều tra nghiên cứu, so sánh kiến trúc cung điện cổ tại các nước này.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi (1428), và về sau này trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng.

Năm 1816, tòa điện này được vua Gia Long nhà Nguyễn cho xây dựng lại. Điện Kính Thiên trở thành hành cung cho các vị vua triều Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc Thành. Vua Thiệu Trị đã cho đổi tên điện Kính Thiên thành Long Thiên vào năm 1841. Đôi rồng chầu và bậc thềm đá phía trước điện được giữ nguyên từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15) cho đến nay.

Năm 1886, điện bị thực dân Pháp phá hủy để xây nhà chỉ huy pháo binh, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay).

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành giới thiệu các tư liệu, hiện vật được nghiên cứu và sử dụng để phục dựng hình ảnh điện Kính Thiên.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, so sánh về kỹ thuật, kiểu thức kiến trúc, các nhà nghiên cứu đã phục dựng 3D kiến trúc điện Kính Thiên.

Gần 4 năm qua (từ 2020 đến nay), dựa vào các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở khu vực Đông Á, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh thành đã tập trung nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái và sau đó phục dựng thành công hình ảnh 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ.

Việc phục dựng điện Kính Thiên thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và công chúng Thủ đô.

Việc nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên nhằm giải mã những bí ẩn kiến trúc điện trong Hoàng cung Thăng Long, qua đó làm sáng rõ hơn giá trị khoa học của những phát hiện khảo cổ học và những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Lần đầu tiên, người dân Thủ đô được thấy kiến trúc nguy nga, lộng lẫy của điện Kính Thiên.

Kết quả nghiên cứu phục dựng cho thấy, Kính Thiên là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, rộng 7 gian, sâu 3 nhịp, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần.

Mô hình điện Kính Thiên được Viện Nghiên cứu Kinh thành phục dựng chi tiết, tỉ mỉ sau nhiều năm nghiên cứu.

Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son màu đỏ. Kiến trúc này có quy mô to lớn, thuộc loại kiến trúc "đấu củng, trùng diêm", 2 tầng mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều.

Mô hình điện Kính Thiên thu hút sự quan tâm của công chúng.

Một người dân chăm chú xem mô hình điện Kính Thiên.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, tuy đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng, nhưng hình ảnh phục dựng điện Kính Thiên được giới thiệu tại trưng bày dựa trên nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp công chúng và giới khoa học có thể hình dung rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa cùng với những nét tương đồng và sự khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Trưng bày thu hút đông đảo du khách tới Bảo tàng Hà Nội.

Trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (2/12/1953 - 12/12/2023). Trưng bày sẽ kéo dài đến sau Tết Nguyên đán 2024.