VĂN HÓA

Trung thu ở Huế

Nam Triều Y Trang Viện • 21-09-2021 • Lượt xem: 2368
Trung thu ở Huế

Nhắc đến Tết Trung thu xưa, chúng ta liền nhớ đến những lễ rước đèn, bày mâm cỗ, hát trống quân... dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Và ẩn sau những mâm cỗ Trung thu là ý niệm trình diễn của con người với trăng, với trời bằng những sản vật mùa thu như thanh trà, mứt củ sen, bánh nướng, bánh dẻo, các loại bánh nếp... và hương hoa của đất.

Tin và bài liên quan: 

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa: Âm vọng con người

Tưởng nhớ thầy Trần Văn Khê - Thiên tài Nhân ái 

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

'Phá Cỗ Tranh' - Cuộc triển lãm mùa Trung thu độc đáo của Gallery 39

Theo chân nàng Kiều đến ngôi chùa thứ tư trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du

Với người Huế, Trung thu thực sự là một mùa lễ hội lớn, là tết của những trẻ nhỏ và người già. Lồng đèn cho con trẻ, bánh quà cho mẹ cha, một cái tết ấm áp đoàn viên. Đột nhiên, Cố đô trầm mặc trăm năm bỗng chốc những ngày náo nhiệt lạ thường. 


Thật ra, từ sau rằm tháng bảy, thì tiếng trống tập múa Lân đã thùng thình vang vọng khắp các ngõ các xóm xứ Huế.

Ở khoảng sân này, ở góc nhà thờ họ kia, hoặc khu đất trống cuối xóm nào đó, tiếng cười trẻ thơ giòn giã, tiếng thanh niên thảo luận về các động tác biểu diễn hòa vào tiếng trống lân...

Thì thùng thì thùng từ khi mặt trời bắt đầu lặn cho đến tận đêm khi sương lạnh bắt đầu rơi.

Và Tết trung thu thực sự bắt đầu từ ngày 12/08 âm lịch trở đi, rộn rã cho đến tận khuya của đêm mười lăm mới kết thúc. Các đoàn Lân nhảy múa trên đường phố. Lũ trẻ reo hò rồng rắn đi theo, hoặc nài nỉ cha mẹ ông bà dắt đi xem múa lân quên cả ăn cơm.  

Nhưng cho dù Cố đô Huế vẫn còn là một không gian văn hóa lưu giữ được nhiều phong tục cổ xưa về Tết trung thu thì đâu đó vẫn có những giá trị dần bị phai nhạt, dần bị quên lãng. Ví dụ như những làng nghề truyền thống làm lồng đèn giấy đang dần mất đi, hoặc những loại bánh cổ truyền bị quên lãng.

Và ánh điện sáng choang làm lu mờ dần sự huyền diệu của ánh trăng thu, ánh nến lung linh. Câu chuyện chú Cuội, chị Hằng Nga cũng trở nên biến hóa khôn lường. Người ta ngày càng bận bịu với cuộc đời hơn, cứ lần lữa với những sự trở về đoàn viên, sum vầy bên gia đình...

Những nếp sinh hoạt truyền thống của mùa trung thu tại không gian mái nhà xưa trăm tuổi, nơi nhiều thế hệ sống chung, dưới một mái ấm luôn rộn ràng tiếng nô đùa của trẻ nhỏ và lời răn dạy của người lớn được tái hiện lại rõ nét qua bộ ảnh.

Mục đích tái hiện lại đôi nét văn hóa xưa vốn không chỉ của riêng Huế mà còn là của chung Đất Việt này là để người trẻ được hiểu thêm về những giá trị văn hóa của đất nước, để những người con không kịp trở về nhà mùa trung thu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có dịp hồi tưởng lại một vài ký ức tươi đẹp thuở ấu thơ.

Còn là để nhắc nhớ rằng, nơi đâu có “tình thân” nơi đó là nhà. 

Xin chân thành tri ân sự hỗ trợ nhiệt tâm của  TS. Thái Kim Lan đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi thực hiện bộ ảnh này tại không gian Thái Tộc Từ Đường và khu trang viên. 


Xin chân thành gửi lời cảm ơn đến các bậc phụ huynh của Model nhí vô cùng dễ thương, đã giúp đỡ tận tình để chúng tôi có được những khoảnh khắc vô cùng giá trị. 

 

Concept: Nguyên Phong
Model: T.S Thái Kim Lan – Bé Bo
Photo: Trung Phan (team Tiệm Ảnh An Nam)
Makeup: Kelvin Lee (Lê Nhật Trình)