Duyên Dáng Việt Nam

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa: Âm vọng con người

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 18-09-2021 • Lượt xem: 3013
Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa: Âm vọng con người

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (sinh năm 1947) vừa qua đời để lại bao thương tiếc cho bạn bè. Cả cuộc đời ông được biết đến như một Dịch giả đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng về Triết học, Sống đẹp, Danh nhân... nhưng ít ai biết rằng ông còn là một Thi sĩ. Ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75 tại nơi phố núi Đà Lạt lúc 6h15 ngày 16-9 để lại nhiều bản thảo giá trị... 

Tin và bài liên quan: 

Bức ảnh trong phòng ngủ Cha tôi

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nhớ nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre: Khi ngôn từ hay thời gian đã tắt

Cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà văn Trần Hữu Lục: 'Sông Hương là người tình...'

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu thi phẩm 'Vỉa Từ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh bản tiếng Tây Ban Nha

Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nghiệm ra tất cả mọi điều trên đời sống chỉ tựu trong một chữ Duyên. Có người ta may mắn được duyên gặp cố tri, có người duyên chỉ tới mức hình dung qua giọng nói.

Với tôi, Đỗ Tư Nghĩa chỉ là một giọng nói. Một giọng nói giữa non cao, rừng thẳm.

Dạo ấy có một người bạn yêu văn chương tên là Văn Cát Tiên. Cuộc đời cũng lạ! Thi sĩ làm thơ chỉ muốn "giải nghiệp" vì khổ quá. Vậy mà bao kẻ cứ muốn đâm đầu vào thơ. Lại chạm đến chữ duyên chăng? Văn Cát Tiên có mang đến cho tôi tập thơ "Phù Hoa" mà anh rất tâm huyết. Viết đến thổ cả máu. "Cải ngồng còn đó hay thôi / Ai đem dưa muối một thời xanh non". Tôi đọc tập đó mới thấy Tiên bị thơ hành như thế nào? "Phù hoa" dễ gợi nhớ đến nhưng chắc chắn là không phải cái "hội chợ phù hoa" của nhà văn William Makepeace Thackeray, tiểu thuyết gia xuất sắc của nền văn học Anh, điển hình cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19. Nhưng có lẽ Tiên cũng đã đọc nó nên mang tham vọng viết về xã hội "kim tiền" đương đại hôm nay sau hai thế kỷ vẫn "chảy máu" và băng hoại.

Tôi có nói với Tiên dù thơ không chủ trương phải cách tân, hiện đại nhưng cũng cần cắt bỏ phần thối rữa của truyền thống. Tiên rất tâm đắc với nhận xét này của tôi nên có nhờ tôi edit lại thi phẩm. Sau đó chúng tôi đã lấy được giấy phép của nhà xuất bản Văn Học để in ra. "Phù Hoa" của Văn Cát Tiên có phần trình bày rất nhã của người bạn thơ họa "đề huề" tài hoa là Huỳnh Lê Nhật Tấn.

Câu chuyện có lẽ sẽ bắt đầu từ đây. Trong những ngày vui vì cuốn sách ra đời đó, Tiên mới kể cho tôi nghe mình có một ông cậu đang sống ở Đà Lạt có làm thơ, dịch văn tên là Đỗ Tư Nghĩa. Tôi nghe xong giật mình bất ngờ cái tên dịch giả đó tôi vốn không xa lạ gì! Thú vị là giai đoạn đó tôi đang đọc lại cuốn sách khá quan trọng "Đường sống - Thơ Văn, Nghị luận chọn lọc" của nhà văn  Lev Tolstoy.

Để hiểu thêm về một nhà văn có vĩ đại, tầm vóc bao trùm lên nhân loại nhiều thế kỷ, tửng nổi tiếng với những bộ tiểu thuyết như "Chiến tranh và hòa bình", "Anna Karenina"... mà bất cứ kẻ nào có tham vọng viết văn muốn "đi ra" cúng thế giới thì cũng cần phải đọc hay bắt buộc phải đọc. Để qua tiếp một "cầu nối văn nghệ" là họa sĩ Trần Văn Duy, từ Đà Lạt xuống lúc này đang công việc editor, design cho dòng sách mang thương hiệu "Sách Hà Nội" có văn phòng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Dài dòng chút vì đều kể lại câu chuyện văn chương cả. Đây là một chi nhánh của Trung tâm ngôn ngữ Đông - Tây do nhà văn Đoàn Tử Huyến sáng lập khá nổi tiếng phía bắc, bây giờ mở thêm phía nam, ở Sài Gòn. Duy giới thiệu thêm cho tôi hai cuốn "Đời Tolstoy" của Romain Rolland và tự truyện "Tự thú" của chính Lev Tolstoy viết. Thật lạ lùng của hai cuốn này đều của cùng một dịch giả là Đỗ Tư Nghĩa. Và ông dịch, chú một cách cẩn trọng chưa từng thấy. 


Cuốn "Tự thú" của nhà văn Lev Tolstoy do dịch giả Đỗ Tư Nghĩa chuyển ngữ. 

Văn Cát Tiên đã gọi điện thoại cho "ông cậu" của mình là dịch giả Đỗ Tư Nghĩa trò chuyện với tôi. Để tôi nghe được một giọng nói nhẹ nhàng, tình cảm như cơn gió thổi trên dòng sông Thạch Hãn. Dịch giả nói ông ngạc nhiên và rất vui khi chúng tôi đã biết nhau. Những bạn trẻ yêu văn chương. Trong cuộc đời văn chương là chốn đáng để sống và dấn thân nhân vì sau thời gian mọi thứ sẽ tan biến hết cả, chỉ có văn chương còn lại.

Câu chuyện lan man kéo dài để tôi còn biết thêm hóa ra ông là em ruột của nhà thơ Đỗ Tư Nhơn, một người bạn học cùng lớp Văn khoa với Cha tôi, nhà thơ Đông Trình ở Đại học Sư Phạm Huế. Thế hệ này có nhiều tài năng văn nghệ từ thưở đó như Đông Trình, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Tần Hoài Dạ Vũ... và nhiều cái tên khác. Như thế hóa ra từ trong "hạch nhân" nảy nòi chữ nghĩa chúng tôi đã có một "duyên cơ" không ít. Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa hẹn tôi cùng Văn Cát Tiên, Huỳnh Lê Nhật Tấn... một buổi gặp gỡ ở Đà Lạt. Sau này khi tôi gọi điện nói chuyện với Cha để hỏi thêm nhiều điều cha tôi cho hay cả "hai chú", hai anh em Đỗ Tư Nhơn và Đỗ Tư Nghĩa đều rất yêu văn chương và từng làm thơ từ thời sinh viên. Ở nhóm Hồng Sơn với tờ báo mang tên VIỆT quay roneo hồi ấy ở Huế, họ đã in những tác phẩm thơ, truyện ngắn đầu tay. 


Thủ bút của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa trên bài thơ "Bi khúc 1" tặng thi sĩ Tâm Nhiên 

Rồi qua nhiều tư liệu, tôi biết thêm về Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa. Ông đã từng tốt nghiệp Triết học trường Đại học Văn khoa - Huế. Sau đó từ Quảng Trị, ông chuyển lên sống hẳn ở Đà Lạt. Ngoài một thời gian đi dạy bậc Trung học ở Blao, ông đã thu xếp để thì giờ và toàn tâm, toàn lực cho công việc sáng tạo, dịch thuật. Với biến cố sau 1975, có lẽ cũng như nhiều người, ông đã trải qua những ngày tháng thăng trầm. Khi đối diện với chính mình và những ngày tháng đó, ông đã viết nên những bài thơ đặc biệt trong thi phẩm "Gởi tình yêu, gởi cuộc đời" vào năm 1999. 

Tuy nhiên, sau này khi Đỗ Tư Nghĩa đã chọn được cho mình một cuộc sống thanh đạm, thuần khiết và đơn giản, vui thú trong dịch thuật, tạo nghiệp duyên lành. Ông thổi đời mình qua từng trang chuyển ngữ các tác phẩm mang hương vị thiền, đạo hạnh như của Đạo sư Osho, Thánh thi Kahlil Gibran, Ni sư Charlotte Joko Beck... Hay tìm thấy tận chốn sâu thẳm của tâm hồn bản nguyên vẻ đẹp kỳ diệu của những Con người vượt lên trên số phận như của Helen Keller. Một người phụ nữ vừa mù, vừa câm và điếc mà bản ngã đặc biệt cao thượng... thì chính ông thấy nỗi đau thân phận mình là quá nhỏ nhoi để ông gần như quên đi những bài thơ rất hay của mình từng thổn thức viết ra.

Dưới đây là một bài thơ của dịch giả do người bạn thân thời trẻ khi họ gặp nhau từ những ngày đầu tiên trên cao nguyên Đà Lạt là thi sĩ Trần Thoại Nguyên đã may mắn giữ lại được.  


Thi sĩ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (trái) và người bạn văn nghệ thân thương từ những tháng năm còn trẻ, nhà thơ Trần Thoại Nguyên tại Đà Lạt. 

Có những ngày

Có những ngày hồn tôi lênh đênh
như lá khô
chẳng biết chọn nơi nào đậu xuống.

Có những ngày
tôi như con chuột nhỏ
chui rúc nơi những cống rãnh của cuộc đời
dù trên đầu tôi vẫn có trăng sao
dù quanh tôi
vẫn có lá cây xanh
và trên bàn tiệc cuộc đời
mỗi ngày
vẫn đổ tràn rượu đỏ.

Có những ngày
hồn tôi như con gà đói thóc
chạy kiếm những hạt vàng
nhưng mùa gặt đã xa
chẳng còn hạt nào vương vãi!

Có những ngày
Tôi kinh ngạc
Ôi, cuộc đời đó ư?
Những chuỗi dài vô lý
những ràng buộc vô danh
những muộn phiền vô nghĩa...

Xin đừng ai dạy tôi
phải biết mỉm cười
khi bão dông kéo đến.

Tôi đã cười to
nhưng tiếng cười có nghĩa gì
giữa vũ trụ bao la
giữa cát khô
giữa hoang vu
ngàn sa mạc!

Đà Lạt, 1983 / Đỗ Tư Nghĩa

Tác phẩm dịch đầu tay của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa không phải sách triết học mà là một tiểu thuyết "Như cơn mưa bay đi" của nhà văn Xô Viết Xecgây Karutulin

Về những bản dịch của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa nhiều người biết tên tuổi ông qua những tác phẩm: Con đường tuổi trẻ (Daisaku Ikeda, 2005); Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra (2007); Tự thú (Lev Tolstoy, NXB Văn Hóa Sài Gòn); Tìm lại nụ cười (Philip Martin, 2009); Kahlil Gibran ngọn lửa vĩnh cửu (Barbara Young, 2009); Suy niệm mỗi ngày (Lev Tolstoy, 2016); Khi bố còn thơ (Alexander Raskin, 2020)...


Từ năm 1986, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa đã có những tác phẩm dịch đầu tiên in trên giấy đen. 

Tuy nhiên tôi lại tìm ra bản dịch đầu tay của Đỗ Tư Nghĩa mà có lẽ bây giờ ít ai còn nhớ đó là cuốn tiểu thuyết "Như cơn mưa bay đi" của nhà văn Xecgây Karutilin (Nga - Xô Viết?) do Sở Văn hóa thông tin Lâm Đồng xuất bản năm 1986. Sách in trên giấy đen, theo thời gian ngã màu đùng đục, khó đọc, chữ in typo bò lổm nhổm trên những xác mía non ép không kỹ của thời bao cấp bấy giờ.

Từ những bước khởi động này ông đã tìm đến với dòng sách dạy làm người, sống đẹp hay triết học. 


Thi sĩ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa bên bàn làm việc  

Cũng kể thêm những giá trị từ bản dịch ông. Đó là những bản dịch khó và phức tạp. Ví như hai bản dịch "Đời Tolstoy" của Romain Rolland và tự truyện "Tự thú" của chính Lev Tolstoy viết. Lần đầu tiên qua Đỗ Tư Nghĩa tôi mới biết con người thật của một nhà văn là hoàn toàn không đơn giản. Âm u và đen tối. Để hiểu được Lev Tolstoy sau những trang viết của ông lại là điều chẳng hề dễ dàng. Xin trích một vài câu mặt trái của cái thế giới ấy khi được vẽ lại trong tự thú: "Tôi đang sống một cuộc sống hoàn toàn thú vật", "Tôi sa xuống thấp như người ta có thể rơi xuống"... 

Và còn nhiều, nhiều nữa! Nhưng như thế nào là đủ nếu như bạn không chịu khó tìm nguyên bản chuyển ngữ của dịch giả để đọc?  

Nhưng phải chăng dám "tự thú" chỉ có thể có ở trong những tâm hồn lớn, nhà văn lớn? 

Và câu hỏi tại sao dịch giả dám chọn những tác phẩm lớn như vậy, bộc lộ dữ dội như vậy để "khai mở" nó? Vậy ông vẫn còn những gì giấu kín? Một tâm hồn quá cao đẹp, quá tinh khiết mà không ai có thể hiểu nổi?

Thời đại nào rồi cũng không thể dung chứa những sáng tạo lớn, mang vác những tâm hồn lớn? Người nghệ sĩ trong cuộc dấn thân sáng tạo bao giờ cũng cảm thấy lạc điệu, không thỏa và quá sức... Đó là những mệnh đề nan vấn như tảng đá huyền thoại mà chàng Sisyphus hàng ngày phải lăn từ dốc lên núi cao để được nửa đường hay gần đến đỉnh lại rơi xuống!  Bí ẩn của đời người và những vòng lặp vô lý giữa cuộc sống toàn những giả trá, phi lý!

Nhưng những khuôn định không thể áp đặt được Tự do!

Tôi như vẫn còn nghe tiếng cười dịch giả Đỗ Tư Nghĩa văng vẳng trên điện thoại và cuộc hẹn hò hội ngộ ở Đà Lạt. Nhưng cuộc đời xuôi ngược nào ai biết trước?

Lâu lắm tôi cũng không còn gặp Văn Cát Tiên. Ôi. những phù du nông nổi của hội chợ phù hoa...


Thi sĩ những ngày còn trẻ trên cao nguyên Đà Lạt xanh...

Chúng tôi đã trễ muộn! Chuyến đi về Cao nguyên xanh thắm đã thành một chuyến đi không bao giờ tới với một Tài hoa và Hào hoa Chữ nghĩa! 

Cầu mong thi sĩ - dịch giả Đỗ Tư Nghĩa hãy yên nghỉ!

Vẫn nghe trên cao rơi xuống từng âm vọng Con Người hãy biết chọn thái độ sống Cao đẹp!

Những tác phẩm Ông để lại như những đóa hoa lung linh để lại cho đời...     

Sài Gòn, chiều 18.9.2021 

Nguyễn Hữu Hồng Minh