VĂN HÓA

Tự hào gốm Việt: Ấm quả bòng và cảm hứng tôm cua cá

DDVN • 20-10-2021 • Lượt xem: 393
Tự hào gốm Việt: Ấm quả bòng và cảm hứng tôm cua cá

Ở thời nhà Trần (1225 - 1400), những loài thủy tộc đời thường như tôm sông, cua đồng, cá thòi lòi (bống cạn)… là đề tài thiên nhiên thú vị được nghệ nhân đưa vào gốm, định hình một phong cách trang trí gốm độc đáo, đầy nghệ thuật.

Trong mỹ thuật tạo hình gốm Việtmọi thời đại, riêng thời Trần, những tôm, cua, cá… gắn với đời sống thuần nông, được đưa lên gốm qua lối thể hiện khi cực thực, khi gợi hình, đầy sinh động. Nguyên do nhà Trần xuất thân là dân chài lưới, hình ảnh thủy tộc vùng ruộng đồng, ven biển đã ảnh hưởng sâu sắc lên sinh hoạt đời thường, tư tưởng và lan tỏa vào phong cách, kỹ thuật, tạo hình… trong chế tác gốm.


Quai ấm thời Trần với hình tượng cá thòi lòi gợi hình đầy sinh động

Lối vận dụng hình ảnh thủy tộc vào gốm khác biệt với các dòng gốm hiện hữu quanh khu vực lúc đương thời. Trong số hiện vật gốm cổ còn lưu lại từ thời Trần, có thể nhận ra điểm chung ở những chiếc ấm sử dụng hình tượng thủy tộc trang trí, phần nhiều có dáng tròn căng - được gọi dáng quả bòng. Chi tiết thủy tộc có tôm, cua, cá… được tả hình rõ nét, đắp nổi ở vị trí quai ấm, đăng đối với vòi, tỷ lệ và kích thước mang tính ước lệ, trang trí hơn là công năng sử dụng.

Trên ấm gốm thời Trần có thủy tộc, thấy rõ sự thừa hưởng tinh hoa từ thời Lý trong tạo hình, men thuốc, nhưng chi tiết trang trí mang nhiều sáng tạo. Nhà Trần xuất thân từ Tức Mặc - nay thuộc P.Lộc Vượng, Nam Định - một trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa nổi bật toàn vùng. Nghề gốm phát triển nhưng không tách khỏi tư duy người thuần nông ở đề tài trang trí.

Trong đồ gốm gia dụng, tế tự của gốm Việt cổ, ấm luôn được xếp vào hệ trân phẩm, giá trị cao. Các cuộc khai quật khảo cổ, hay cả với người đi rà - đào cổ vật vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… cho thấy ấm luôn là hiện vật ít gặp nhất so với chén, bát, đĩa, âu, ang, hũ… Mỗi hố đào, tương đương một mộ táng, thường được chôn theo nhiều đồ dùng, vật phẩm, nhưng ấm chỉ có một.

Quan sát trên dáng ấm Việt cổ được giới thiệu trong bài, có thể thấy ở đó một kỹ thuật bàn xoay, tạo hình mang độ khó cao, từ chân đế con tiện, dáng bầu căng tròn, đến cổ ấm, miệng đấu... Trong nghề gốm, tạo ra một sản phẩm hoàn thiện như thế, đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, đặc biệt là kỹ thuật lò. Nghề gốmxưa khi dùng kỹ thuật nung lò củi, yếu tố lửa lò, hỏa biến thật khó điều chỉnh, cũng là lý do khiến kiểu dáng ấm không nhiều.


Kỹ thuật tạo dáng khác lạ của ấm cổ thời Trần làm nền, tôn lên nét trang trí thú vị của con cua đồng trên vai ấm

Sự kết hợp hai yếu tố kỹ thuật cao trong chế tác gốm, và giản dị, bình dân trong đề tài trang trí qua hình ảnh thủy tộc, đem lại sự tương phản, đối lập cực đại, nhưng khi thể hiện lại thấy sự hòa nhịp thú vị. Lấy hình tượng cua đồng làm ví dụ, ngay trong ca dao xưa, sự bình dị của con cua đồng từng được dân gian ví von sánh hàng cùng vua chúa.

Lấy anh thì sướng hơn vua

Anh đi xúc giậm được cua kềnh càng

Đem về nấu nấu, rang rang

Chồng chan vợ húp lại càng hơn vua.

Nhìn dáng ấm có thể thấy trên tạo hình căng tròn thân ấm, con cua bò trên vai ấm trông rất tự nhiên. Chỉ qua một chấm phá, điểm đúng vị trí của cua, chiếc ấm đã có được bố cục chặt chẽ, cân đối, hài hòa ở cả tổng thể. Vẻ tối giản của tạo dáng, của nước men độc sắc, lại làm nền tôn lên kỹ thuật đắp nổi dáng cua đầy sinh động.

Một hiện vật khác, cũng dáng ấm quả bòng thời Trần, trên vai ấm ngự con cá bống cạn (cá thòi lòi, bống sao) đang đảo người, mắt trợn thô lố nhìn đời, dáng thế thanh thoát, uyển chuyển tự nhiên, cảm giác thật thoải mái, thư thái. Con cá bống sao ở vị trí này đóng vai trò là chiếc quai bình xinh, chẳng nặng tính công năng, nhưng chi tiết trang trí thực xuất sắc.


Tôm sông với chi tiết đôi càng to quen thuộc cũng là đề tài trang trí trên gốm Trần

Các loài thủy tộc đưa lên gốm ở thời Trần, bên cạnh tôm, cua, hình tượng cá bống sao lặp lại khá nhiều. Giống cá này xuất hiện vùng đầm lầy, nước lợ, các cửa sông, mỗi khi thủy triều rút, cá chui lên từ hang hốc, chạy, nhảy như bay, leo được cả lên thân cây bần, đước, sú, vẹt… tìm bạn, khoe dáng, thậm chí đấu đá nhau chí chóe, tạo thành tiểu vùng giang sơn với những hoạt náo đầy thú vị, vui mắt. Có thể hình dung ở thời Trần, chắc chắn vùng sông nước ven biển, tôm cá dạt dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú, cá bống cạn cũng phát triển dày đặc, mới trở nên quen thân, gần gũi đến mức được người thợ gốm chọn làm đề tài trang trí.

Chỉ với một đường vê tròn, dán, cùng vài vết khắc kỹ thuật… rất giản đơn, nhưng tạo thành con bống cực kỳ duyên dáng, đậu trên vai bình. Đôi mắt thòi lòi láo liên, như đang quan sát nhân tình thế thái, tạo nên cái duyên cho ấm là ở chỗ đó.

Vẻ đẹp của những chiếc ấm trang trí thủy tộc, không hào nhoáng, xa hoa, không bóng bẩy, láng mướt, nhưng đong đầy dung dị, thân thương và đẫm hồn Việt.

Theo Phong An/Thanhnien.vn