VĂN HÓA

Tự hào gốm Việt: Gốm thời Trần với hào khí bình vôi

DDVN • 21-10-2021 • Lượt xem: 511
Tự hào gốm Việt: Gốm thời Trần với hào khí bình vôi

Bình vôi gốm Việt cổ qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… xuất hiện với tạo hình đa dạng hơn hẳn hiện vật khác về kiểu dáng, chủng loại và số lượng. Riêng bình vôi hình tượng đấu sĩ chỉ thấy ở thời Trần (1225 - 1400) và số lượng đếm trên đầu ngón tay.

Không thể phủ nhận hào khí 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông của nhà Trần đã tác động nhiều đến lĩnh vực mỹ thuật, đặc biệt là chế tác gốm. Có thể thấy trong nhiều dòng gốm men của thời Trần, đặc biệt các hiện vật thuộc men trắng ngà, men hoa nâu, đã sử dụng nhiều hình ảnh gợi nhớ đến cuộc chiến chống ngoại xâm, với hoạt cảnh voi chiến, đấu sĩ luyện võ, săn bắn…

Trở lại câu chuyện bình vôi. Tục ăn trầu nước ta có từ thời Việt cổ, định hình văn hóa trầu cau, và trong đó bình vôi là chi tiết không thể thiếu. Rất hiếm đồ gia dụng được nhân cách hóa, xưng tụng thành “ông” như bình vôi. Cũng hiếm hiện vật khi đã qua sử dụng lại được trân trọng quy tụ về một nơi ngoài đầu làng, gốc đa… những chốn thiêng trong tín ngưỡng dân gian, như bình vôi. Bình vôi cũng là một “gia sản” tùy táng, được gửi gắm vào huyệt mộ để người âm sử dụng.


Hình ảnh đấu vật được biến tấu trở thành quai bình vôi trên gốm cổ thời Trần

Bình vôi gồm hai phần chính là bầu đựng vôi và quai bình. Với bình vôi thông thường, quai bình thường tạo hình buồng cau, dây trầu, phần bầu tượng trưng cho tảng đá. Hình ảnh này gợi về sự tích Trầu cau với câu chuyện tình buồn của hai anh em Tân - Lang và cô gái họ Lưu.

Qua từng thời kỳ phát triển gốm Việt, tạo hình bình vôi cũng phát triển theo, nhìn trên đó có thể phần nào hiểu được nhân tình thế thái của xã hội đương thời. Lấy ví dụ chiếc bình vôi dòng gốm men rạn trắng ngà, điểm hoa nâu, với hình tượng đô vật đang trong tư thế chuẩn bị giao đấu được gán vào vị trí thay thế cho quai bình. Nét tác tạo hình người rất duyên, vừa tả, vừa gợi, từ khuôn mặt đến thần thái, cử chỉ, điệu bộ…

Chiếc quai bình hình đô vật được biến đổi công năng, không còn là chiếc quai thông thường, mà gửi gắm trong đó tinh thần một đấu sĩ, tinh thần thượng võ của con người dưới vương triều Đại Việt. Thật nể phục tài nghệ thợ gốm, khi tận dụng hình ảnh, khí chất đương thời, biến tấu vào bình vôi. Quan sát có thể thấy người đô vật như đang chồm lên, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, thể hiện sự tài tình, duyên dáng, khéo léo và sáng tạo của người thợ gốm Việt xưa.


Bình vôi thời Lê Sơ có tạo hình với tảng tá, buồng cau, dây trầu… gợi về tích truyện Trầu cau

Hào khí Đông A qua môn đấu vật dân gian

Một hiện vật tiêu biểu khác của gốm Trần, nêu bật hào khí Đông A lẫy lừng, là chiếc bình vôi với phần quai bình là hai đô vật đang tranh tài đầy gay cấn.

Môn võ vật, từ thời dựng nước, qua đến các vương triều Đinh, Lê, Lý, Trần… luôn là bộ môn quan trọng để binh sĩ và người dân trui rèn thể lực. Ở thời bình thì đấu vật là môn giải trí ở các mùa hội làng, hội đình. Qua thời chiến, đấu vật là một trong những cách tuyển chọn người tài xung quân, gìn giữ non sông.

Hoạt cảnh đấu vật trên bình vôi thời Trần cũng gợi nhớ đến tích truyện thú vị về Trần Bà Liệt, em cùng cha khác mẹ của vua Trần Thái Tông và là một đô vật nổi tiếng trong đội đô vật Xuân Trường. Sử kể lại Thượng hoàng Trần Thừa (1184 - 1234) trong một lần đi săn, gặp cô gái ở thôn Bà Liệt, huyện Tây Chân và đem lòng yêu mến, khi chia tay đã cắt vạt áo tía làm tin. Cô gái thôn quê sau đó sinh được người con trai đặt tên là Trần Bà Liệt, và nghĩ rằng người thương đã quên mình nên ở vậy nuôi con. Người con lớn lên, khôi ngô, giỏi võ, tham gia đội đánh vật. Trong giải vật lớn của kinh đô chọn người tài, có dự khán của vua và thượng hoàng, Trần Bà Liệt khi giao đấu sơ hở, bị đối phương chẹn cổ, gần tắt thở, chiếc khăn vấn bị tuột, bung ra vạt áo tía. Thượng hoàng nhìn thấy, nhận ra huyết thống, ông dừng keo vật và thừa nhận làm con. Sau đó, Trần Bà Liệt được phong tước là Hoài Đức vương.


Thần thái một đô vật trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trên bình vôi

Trở lại hình ảnh hai đô trên quai bình vôi, chỉ với đường nét thô mộc, chấm men giản đơn, vậy mà lột tả được nhiều ngữ cảnh, không khí gay cấn, sôi động của võ vật, của sự rèn luyện binh nghiệp, của mùa vui hội làng trên sới độ xuân về.

Dựa trên đường nét tạo hình của quai bình vôi, có thể thấy rõ miếng đánh “túc ly địa” của một đô đang cố nhấc bổng địch thủ hổng hai chân khỏi mặt đất, nhưng đòn “đánh nhịp nhì” của đô thất thế có vẻ đã hóa giải được miếng đánh “chống bốc” hiểm hóc khi một chân dù đã bị hổng khỏi đất, nhưng chân còn lại vẫn bám trụ. Ở góc nhìn khác, đô yếu thế có cánh tay phải đang khóa đè nhằm trở về thế “hạ thổ” (nằm bò), vô hiệu hóa miếng đánh “túc ly địa”.

Có thể nói việc đưa hình ảnh hai đô vật quần nhau trên sới, cách điệu thành quai bình vôi, vừa không mất đi công năng sử dụng, lại đưa được cả hào khí thời Trần, cả môn đấu vật dân gian lên hiện vật. Ý tưởng tác tạo ấy hẳn phải xuất phát từ khối óc của nghệ nhân mang tâm hồn nghệ sĩ, hội tụ những hào hoa, bay bổng để cho ra chiếc bình vôi đẹp - độc đến vậy.

Một hình ảnh trên hiện vật gốm cổ từ cách đây hơn 6 thế kỷ, vậy mà vẫn không lỗi thời, lạc điệu khi môn đấu vật dân gian ấy cho đến nay vẫn là hoạt động không thể thiếu, là điểm nhấn đẹp trong các hội làng nơi quê xa Bắc bộ mỗi mùa hội xuân.

Theo Phong An/Thanhnien.vn