VĂN HÓA

Tú Lệ đẹp như tranh vẽ

Khuê Việt Trường • 28-09-2022 • Lượt xem: 910
Tú Lệ đẹp như tranh vẽ

Ngủ đêm ở Tú Lệ có gì vui?. Và chắn hẳn trên những dặm đường đi đây đi đó, không ít lần bạn đã chọn dừng chân ở một nơi nào đó để ngủ đêm. 

Tú Lệ không phải là một điểm du lịch, chỉ là một làng nhỏ, con đường qua làng cong xuống giống như một chiếc võng. 

Đôi khi, lãng quên những tiện nghi đời thường, bỏ lại phía sau lưng những nhà hàng đặc sản hay những con phố rực rỡ ánh đèn, ngủ đêm ở một thung lũng đang vào mùa gặt, trộn trong không gian hương nếp, đã là kỳ diệu.


Đồng lúa xanh mát

Thu hoạch lúa tại Tú Lệ

Nếp Tú Lệ là một trong những đặc sản của vùng đất này

Đường qua Tú Lệ

Thường thì các tỉnh miền núi có những địa danh mang âm sắc của các dân tộc nơi đây. Nhưng cái tên Tú Lệ là một tên đẹp. Trong cuộc hành trình đi Mù Cang Chải, chúng tôi quyết định ở lại đêm ở Tú Lệ, bởi ở đây có đặc sản nếp, gạo và có con suối nước nóng mà dẫu nhiệt độ bên ngoài có thể chỉ 10 độ, nước suối vẫn có độ nóng 38 độ, một nhiệt độ vừa đủ cho cảm giác như được gột rửa bao nhiêu bụi bậm và xóa tan mệt nhọc.


Du khách đến với Tú Lệ vẫn chưa nhiều, vùng đất này vẫn còn giữ nguyên nét đơn sơ như thuở ban đầu.

Tú Lệ là một làng của xã Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.  Trong rừng núi của đất nước, người xưa luôn phát hiện ra một nơi chốn dừng chân, Tú Lệ là điểm đến đó, một thung lũng đẹp rộng 3000 ha, bao bọc bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Đây là nơi sinh sống của người dân tộc Thái, con đường đi qua Tú Lệ trùng xuống như lòng chảo, đi bộ cũng toát mồ hôi khi muốn dạo quanh nơi này để ngắm nhìn. Kết thúc Tú Lệ chính là đèo Khau Phạ, cuộc hành trình đền Mù Cang Chải để ngắm ruộng lúa bậc thang còn 50 km nữa.

Người Thái ở đây thường kể rằng, xưa kia Tổ tiên của họ khi đi khai hoang mở đất đã vô tình tìm thấy giống lúa nếp có bông to, hạt tròn và mùi thơm ngào ngạt. Thấy vậy, họ liền quyết định ở lại lập làng, lập bản rồi vỡ ruộng, nhân giống lúa để gieo trồng, từ đó tạo nên vùng Tú Lệ với với gạo và nếp lừng danh được trồng khoảng 300 hec-ta, ấp ủ bởi dòng suối nước nóng chảy qua đây quanh năm.


Một ngôi nhà dân tộc Thái

Khách sạn ở Tú Lệ không nhiều, tuy nhiên có một khu nghỉ dưỡng 5 sao đẹp, nằm dựa theo núi, lại thường xuyên hết phòng bởi chính sự tò mò của bao người tìm đến. Chúng tôi chỉ chọn nơi này ăn bữa tối, trên độ cao chừng 50 mét, nhìn xuống Tú Lệ lấp lóa ánh đèn. Còn ngủ đêm tại tầng 4 của một khách sạn không có thang máy, không có luôn hệ thống cáp để xem tivi.Bỏ qua tiện nghi khách sạn, buổi chiều nhập nhoạng đi dạo phố. Nơi nào cũng treo bảng bán nếp Tú Lệ và gạo đặc sản. Bây giờ là mùa thu hoạch, dạo qua những cánh đồng ươm vàng màu lúa chín đã thấy những chiếc xe chở lúa dập dìu. Trước nhiều căn nhà đang làm cốm. Cốm Tú Lệ làm từ nếp ở đây là đặc sản, để du khách tò mò dừng chân, cùng giả nếp thử cho vui, rồi mua ít ký đem về cho bè bạn. Cái thú dạo đêm chính là xem giả cốm, còn quán cà phê thì bán cà phê “ba trong một” hiếm hoi có quán cà phê phin, tất nhiên là bàn ghế tềnh toàng. Trong nhập nhoạng tối đấy, mọi người rủ nhau đi tắm suối, từng đoạn suối một cứ được chèn đá cho người dân tắm. Con suối nước nóng chảy qua Tú Lệ trở thành đặc sản nếu khách cũng muốn nhảy xuống đó.

Du khách tò mò xem làm cốm tại Tú Lệ

Sàng cốm

Giả cốm

Buổi sáng, giả từ Tú Lệ chúng tôi kiếm một nơi ăn sáng. Quán ăn sáng pha cho một bình trà thơm, bà chủ quán dọn ra một đĩa xôi nóng hổi, chấm với đậu phộng rang giả nhỏ trộn muối hay với chà bông. Rửa tay sạch, bóc xôi mà ăn, vậy mà ngon đến lạ.

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường