VĂN HÓA

Tuyên chiến với hung thần karaoke phi pháp

Nguyễn Văn Mỹ • 04-03-2021 • Lượt xem: 3224
Tuyên chiến với hung thần karaoke phi pháp

Karaoke không có lỗi. Lỗi là ở người sử dụng và cấp quản lý. Không ai cấm karaoke nhưng phải cấm việc gây tiếng ồn, cấm làm phiền hàng xóm và người bên cạnh.

Cần nói rõ chỉ đề cập đến karaoke đường phố và sân nhà, vì đó là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của cư dân, trừ những người trong cuộc. Tiếng ồn âm thanh có thể xa nửa cây số và vang nhức óc mọi nơi mọi lúc. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ thành thị đến nông thôn, bất kể sáng trưa chiều tối hay đêm khuya. Lý do để hát karaoke thì vô số. Buồn, hát giải khuây. Vui, hát để mừng. Không vui không buồn thì hát cho thiên hạ chú ý hoặc chỉ để hát, không rõ mục đích…

Trước đây, karaoke chỉ được tổ chức trong phòng cách âm, khi có biến tướng về ý đồ và mục đích thì bị xã hội lên án kịch liệt; hoặc chỉ tổ chức trong từng gia đình với âm thanh chừng mực. Vài năm nay, nhờ công nghệ phát triển, loại loa thùng gọn nhẹ, dễ di chuyển có âm lượng khủng, giá rẻ nên karaoke dạo phổ biến nhanh chóng và rộng khắp. Loại loa này có thể mang lên ô tô, vừa chạy vừa hát ầm ĩ.

Loại karaoke hè phố và sân nhà còn kinh hơn cả khủng bố tinh thần. Vô phúc ở bên cạnh nó chả khác bị tra tấn, không làm gì được. Đến cả đi vệ sinh cũng bị ảnh hưởng, nói chi chuyện làm việc, học bài hay nghỉ ngơi. Không ít người phải bỏ nhà lánh nạn. Khổ nỗi các nạn nhân đều không biết giờ giấc hoạt động của karaoke. Đã di tản còn phải thập thò chờ đợi từ xa, ngưng hẳn mới dám về nhà.

Karaoke dạng này thường đi liền với bia rượu. Rượu vào lời ra, không phải lời nói bình thường mà là lời hát. Rượu làm các giác quan đều có vấn đề. Hát to cỡ nào cũng tưởng chưa đủ. Người sau phải hét karaoke to hơn người trước. Rượu vào, ai cũng có vẻ dũng cảm hơn, không còn biết xấu hổ hay sợ hãi. Đố ai khuyên bảo hay cấm cản được.

Cũng như người say không bao giờ chịu cho là mình xỉn, các hung thần karaoke cũng không bao giờ nhận mình quấy. Họ càng không biết mình đang tra tấn, làm khổ cả cộng đồng. Đã có không ít tai nạn, từ thương tật đến tử vong không đáng có, từ những điểm karaoke kiểu này. Chưa kể những tổn thất về tinh thần và thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc.

Karaoke kiểu tra tấn âm thanh là kẻ thù của ngành du lịch, là vũ khí đuổi du khách hiệu quả nhất. Đáng buồn là nhiều viên chức, những người được giao nhiệm vụ quản lý văn hóa, trật tự, trị an không nhận ra điều đó. Không chỉ du di, dĩ hòa vi quý, sợ đụng chạm, mà có khi họ còn hào hứng tham gia, nói chi việc ngăn chặn.

Ông Inoue Daisuke (ở Nhật Bản) là người phát minh ra loại hình giải trí karaoke vào năm 1971. Ý tưởng hình thành trong một quán bar, khi người chơi guitar bị bệnh. Chủ cửa hàng nhanh trí lấy bǎng nhạc thu sẵn để ca sĩ hát theo. Hình thức này được nhiều khách hưởng ứng và muốn hát thử. Nhận thấy thị trường đầy tiềm năng,người Nhật cho ra đời các đầu máy karaoke và không ngừng cải tiến.

Karaoke là từ ghép gồm Kara (nghĩa là không) và Oke (okesutora, nghĩa là ban nhạc). Nôm na, karaoke là hát không có ban nhạc đệm. Thay vào đó là nhạc đệm thu sẵn, lời bài hát chạy chữ trên màn hình, có hình ảnh minh họa. Ca hát vốn là loại hình giải trí phổ biến ở nhiều nước châu Á. Tại Việt Nam, hình như ai cũng có thể làm thơ, dù không ít là những bài thẩn, thiếu cả tứ lẫn vần điệu. Ai cũng có thể làm ca sĩ, bất chấp giọng và không cần nhạc lý.

Karaoke không có lỗi. Lỗi là ở người sử dụng và cấp quản lý. Không ai cấm karaoke vì đó là loại hình giải trí phổ biến được nhiều người ưa thích. Chỉ cấm tiếng ồn, cấm làm phiền hàng xóm và người bên cạnh. Làm gì cũng phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng cách. Khi có bất cứ phàn nàn nào, chính quyền tại chỗ phải xử ngay, không đổ tại, bị, do… Sửa nhà rất ồn ào cũng chỉ được làm trong giờ hành chính. Sửa nhà không thể cách âm, còn karaoke hoàn toàn có thể.

Điều lạ là karaoke hung thần tra tấn âm thanh chỉ bành trướng mạnh ở các tỉnh phía nam. TP.HCM, trung tâm văn hóa cả nước mà tệ nạn này hoành hành thì hết chỗ nói.

Mãi gần đây tệ nạn karaoke hung thần mới được lãnh đạo TP.HCM ra chỉ đạo dứt điểm. Ngày 2.3.2021, tỉnh Kiên Giang ban hành lệnh cấm loa karaoke lưu động. Việc làm nhanh, kiên quyết, người dân ai cũng đồng tình, rất cần nhân rộng.

Cần phải mạnh tay và rõ ràng hơn. Không chỉ cấm mỗi karaoke lưu động. Thế karaoke cố định ồn ào được phép chăng? Rồi không chỉ karaoke mà còn văn nghệ đám cưới đám ma đinh tai nhức óc thì sao. Phải nói rõ là “Cấm tất cả mọi tiếng ồn tra tấn người khác”. Không du di kiểu “Tết mà” hay tặc lưỡi “Thông cảm” bởi vì đám ma, đám cưới.

Chợt nghĩ ngoài việc phạt thật nặng, tịch thu phương tiện, nên bổ sung hình thức nhẹ nhàng là buộc các hung thần karaoke phải ngồi nghe các hung thần karaoke khác hét tra tấn vài ngày để cảm nhận sự khổ sở và giận dữ vì tiếng ồn mình gây ra cho cộng đồng.

Thích tra tấn nhau thì ra đồng vắng hoặc vào phòng cách âm. Ra rừng, thú cũng bỏ chạy trối chết nữa là người. Môi trường sống vốn đã ô nhiễm mọi thứ. Lơ là việc xử lý ô nhiễm âm thanh làm tổn hại đến tinh thần lạc quan của người Việt và suy giảm sức khỏe giống nòi. Thích ồn ào, khoái làm khổ người khác là thói quen xấu cần đoạn tuyệt.

“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Những ai không thích bị tra tấn nhưng cứ muốn khủng bố tinh thần người khác, sẽ không có chỗ đứng trong bất cứ cộng đồng nào, nói chi thành phố thông minh mà chúng ta đang hướng tới.

Theo /1thegioi.vn