Duyên Dáng Việt Nam

Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc giảm che giấu tình trạng thiếu việc làm cho giới trẻ

Nhân Hoàng • 21-06-2021 • Lượt xem: 833
Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc giảm che giấu tình trạng thiếu việc làm cho giới trẻ

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã giảm dần từ đỉnh đại dịch COVID-19 năm ngoái, nhưng tình trạng thiếu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thiếu công nhân sản xuất có tay nghề cao cho thấy những vấn đề tiềm ẩn trên thị trường lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm là 5% tính đến tháng 5.2021, nhưng tỷ lệ thất nghiệp với những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 (gồm cả tốt nghiệp trung học và đại học) cao hơn gấp đôi ở mức 13,8 %.

Các báo cáo này cho thấy sự không phù hợp giữa công việc và kỹ năng trong nền kinh tế Trung Quốc, điều này có thể ngăn tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống nhiều nữa. Một phần nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng kinh tế không cân bằng của Trung Quốc kể từ sau đại dịch COVID-19, với các ngành dịch vụ - vốn phù hợp hơn với việc làm sau đại học - phục hồi chậm hơn so với ngành sản xuất.

“Xuất khẩu và đầu tư, bao gồm cả trong các ngành công nghiệp nặng và bất động sản, đang thúc đẩy sự phục hồi nhưng nhu cầu này không tạo ra loại việc làm phù hợp cho nhiều sinh viên tốt nghiệp ngày nay”, Shaun Roache, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho biết.

Vấn đề cấu trúc đã kéo dài trong phần lớn năm nay. Trong một cuộc khảo sát với 90.000 công ty do cục thống kê của Trung Quốc công bố vào giữa tháng 4.2021, khoảng 44% doanh nghiệp công nghiệp cho biết tuyển dụng lao động là trở ngại lớn nhất của họ, mức cao nhất trong những năm gần đây.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuần trước cho biết khoảng 14 triệu người dự kiến ​​sẽ gia nhập lực lượng lao động thành thị năm nay, trong đó 9,09 triệu người là sinh viên tốt nghiệp. Trung Quốc đặt mục tiêu cả năm là có thêm hơn 11 triệu việc làm ở thành thị.

“Hiện tượng sinh viên mới ra trường chật vật tìm việc và các công ty khó tuyển dụng lao động tồn tại đồng thời”, Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, nói.


Người mua sắm và người đi bộ đi dọc đường Phố Nam Kinh ở thành phố Thượng Hải vào ngày 6.6

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều công nhân sản xuất, đặc biệt là người nhập cư, vào ngành dịch vụ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra một số yếu tố dài hạn đang làm giảm số lượng lao động cổ cồn xanh: Các công việc sản xuất không hấp dẫn với lao động trẻ hơn, lương thường thấp hơn và thiếu đào tạo kỹ năng trong công việc.

***Nhân viên cổ cồn xanh là người lao động làm công việc tay chân hay công việc cần trực tiếp dùng sức lực để hoàn thành. Tên gọi "cổ cồn xanh" xuất phát từ màu áo xanh dương của các công nhân xây dựng, kỹ thuật.

“Việc tái cân bằng, từ đầu tư sang tiêu dùng và từ sản xuất sang dịch vụ, đã bị đình trệ kể từ thời COVID-19 nhưng nó sẽ cần phải tiếp tục để nền kinh tế bắt đầu tạo ra đủ việc làm ở thành thị được trả lương cao cho những người mới tham gia thị trường việc làm”, Shaun Roache nói.

Mỹ cũng đang đối mặt với vấn đề thiếu lao động cùng hàng triệu người thất nghiệp không thể tìm được việc làm. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Jerome Powell đã trích dẫn khoảng cách về kỹ năng, cũng như nghĩa vụ chăm sóc trẻ em và nỗi sợ hãi COVID-19 kéo dài, là những lý do có thể cho vấn đề đó.

Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh đào tạo kỹ năng nghề như một cách để giảm bớt vấn đề cơ cấu trong việc làm, với Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề cập vấn đề này tại một cuộc họp hồi đầu tháng. Các nhà chức trách cũng cam kết sẽ mở rộng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho luồng thông tin giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng.

Fu Linghui cho biết: “Áp lực công việc nói chung vẫn còn đó. Trong bước tiếp theo, chúng ta cần duy trì sự hỗ trợ cần thiết cho sự phục hồi kinh tế, thúc đẩy tạo việc làm mới, thực hiện chính sách ưu tiên việc làm và mở rộng việc làm cho các nhóm người lao động chính”.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu vào cuối năm nay sẽ đào tạo hơn 50 triệu người, bao gồm lao động nhập cư, học sinh tốt nghiệp trung học, công nhân thô sơ và cựu quân nhân, bằng sử dụng trợ cấp của chính phủ. Theo kế hoạch, lao động có tay nghề cao sẽ chiếm hơn 25% tổng lực lượng lao động vào cuối năm 2021.

Với việc lực lượng lao động ngày càng thu hẹp và già đi, giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Trung Quốc sẽ cần đến từ việc tăng năng suất nhờ các kỹ năng và sự đổi mới được cải thiện, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey đề cập trong báo cáo được công bố vào tháng 1.2021.

Ước tính đến năm 2030, khoảng 220 triệu công nhân Trung Quốc, tương đương 30% lực lượng lao động, có thể cần chuyển sang các công việc có kỹ năng cao hơn.

Theo 1thegioi.vn