ĐỜI SỐNG

Vì sao cơ thể có mùi?

Cẩm Chi • 16-07-2023 • Lượt xem: 811
Vì sao cơ thể có mùi?

Ai cũng nghĩ mùi cơ thể xuất phát từ mồ hôi. Thế nhưng sự thật là bản thân mồ hôi không có mùi. Mùi cơ thể thực chất là sản phẩm của rất nhiều vi khuẩn sinh sống ở vùng da nơi mồ hôi tiết ra.

Mỗi cơ thể có một mùi đặc trưng nhất định và thường không giống nhau. Mùi cơ thể có sự khác biệt khá rõ giữa nam và nữ.

Nguyên nhân gây mùi 

Trên cơ thể chúng ta, tuyến mồ hôi phân bố khắp nơi và được chia ra hai loại.

Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) xuất hiện hầu hết ở cơ thể và mở trực tiếp trên bề mặt da. Loại này chỉ bao gồm muối và nước, vì vậy không có mùi.

Tuyến mồ hôi tiết mùi (apocrine) tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein và steroid qua các ống lông tại khu vực da đầu, nách, bẹn. Tuyến này thường xuất hiện phản ứng với các kích thích cảm xúc lo lắng và sợ hãi (đổ mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân và nách). Nó tạo ra một môi trường đặc biệt quyến rũ cho vi khuẩn. Tuyến này tiết ra các chất gọi là axít béo không no, tạo ra mùi đặc trưng của cơ thể và khác nhau ở mỗi người.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố khác đóng vai trò không nhỏ như:

- Hoạt động thể thao mạnh: Một số người hoạt động nhiều (khi hoạt động thể thao, lao động) gây tăng tiết mồ hôi kèm theo vệ sinh không đảm bảo, cũng dễ viêm nhiễm các vi khuẩn ở bề mặt da và gây nên hôi nách. 

- Thừa cân: Những nếp gấp ở da có thể giữ mồ hôi và vi khuẩn, trở thành “ngôi nhà” lý tưởng cho mùi cơ thể tích tụ.

- Thói quen ăn uống: Những người có thói quen ăn uống cay nóng hay nhiều dầu mỡ dễ kích thích hoạt động của tuyến mồ hôi. Những đồ ăn này không góp phần tạo mùi cho mồ hôi. Nhưng mùi hăng của đồ ăn có thể thấm qua da bạn và khiến mùi cơ thể tệ hơn.

- Bệnh mãn tính: Một số vấn đề sức khỏe như đái tháo đường, tiểu đường, bệnh liên quan đến gan, thận, cường giáp, rối loạn chuyển hóa cũng khiến mùi cơ thể thay đổi. Điển hình, mùi cơ thể bị nồng hay hơi khai là cảnh báo cho vấn đề sức khỏe tại gan, thận; vì vậy hãy đi khám bác sĩ kịp thời.

- Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết có thể dẫn đến thay đổi mùi cơ thể và tăng tiết mồ hôi. Thay đổi nội tiết thường xảy ra trong thai kỳ hoặc sự sụt giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh.

- Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp chịu trách nhiệm điều chỉnh sự trao đổi chất, và trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức, như bệnh Grave, gây ra đổ mồ hôi kết hợp với vi khuẩn trên da và tạo mùi.

- Stress: Căng thẳng khiến tuyến apocrine phải làm việc nhiều. Và tuyến này khiến cho mồ hôi có mùi.

- Di truyền: yếu tố di truyền có thể khiến vài người có mùi nặng hơn những người khác. Một số trường hợp hôi nách do các bất thường ở tuyến mồ hôi và có yếu tố gia đình. Một số nghiên cứu cho thấy trong số những người mắc chứng hôi nách thì có tới 50-80% các trường hợp trong gia đình cũng có người mắc.

Cách để giảm mùi cơ thể

Vệ sinh sạch sẽ cơ thể

Tắm hàng ngày bằng xà bông hoặc sữa tắm, thoa đều và đồng thời massage cơ thể. Điều này không chỉ giúp bạn thơm tho, sảng khoái mà còn giúp giãn cơ, giảm stress, giảm mồ hôi tạo mùi.

Sau khi làm việc hay vận động xong, hãy tắm ngay khi có thể. Khi tắm, hãy chăm sóc kỹ các vùng kín, có da gập. Bạn hãy dùng khăn tắm nhỏ lau và massage vùng nách, dưới cánh tay, háng sẽ loại bỏ bớt vi khuẩn.

Nếu mùi cơ thể nặng hơn, hãy dùng xà bông chống khuẩn hay các sản phẩm xà phòng chứa benzoyl peroxide. 

Vi khuẩn phát triển mạnh ở những môi trường ẩm ướt và lông nách có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho chúng phát triển và gây mùi. Vì vậy hãy triệt lông nách thường xuyên và vệ sinh vùng này một cách thích hợp.

Dùng sản phẩm khử mùi phù hợp

Các chất khử mùi (deodorant) giúp vùng dưới cánh tay bạn không còn là nơi phát triển của vi khuẩn, cũng như giúp mùi cơ thể được “che lấp” bởi mùi hương dễ chịu. Còn nếu bạn tiết mồ hôi quá nhiều, hãy đảm bảo các bạn dùng sản phẩm vừa chứa chất khử mùi và chống đổ mồ hôi (antiperspirant). Nếu mùi cơ thể quá nặng, hãy tìm sử dụng các sản phẩm mạnh hơn với nồng độ phần trăm các thành phần cao hơn.

Mặc chất vải thông thoáng

Các loại vải có nguồn gốc tự nhiên như cotton, lụa và sợi len thoáng hơn so với các chất vải nhân tạo khác. Khi tập luyện, hãy chọn những loại quần áo mỏng từ chất liệu tổng hợp hút ẩm.

Thay đổi chế độ ăn

Những thực phẩm và gia vị nhiều mùi như hành tây, tỏi, cà ri có thể trộn lẫn với hơi thở của bạn, mùi hôi cũng có thể đi qua các lỗ chân lông nhiều giờ sau khi bạn ăn những thực phẩm này. Nếu bạn đang có một chế độ ăn nhạt nhẽo và đang phải đối mặt với mùi cơ thể, các chuyên gia khuyên bạn nhỏ vài giọt dầu bạc hà lên lưỡi. Các thành phần của dầu được bài tiết qua các tuyến dầu từ đó cải thiện mùi cơ thể.

Giảm mức độ stress

Khi bạn tập luyện hoặc nếu bị quá nóng, tuyến nội tiết (mồ hôi) sản sinh chất lỏng có vai trò điều chỉnh thân nhiệt. Nhưng stress khiến các tuyến tiết rụng đầu (chủ yếu ở nách và khu vực háng) và chúng bài tiết dịch trắng đục như sữa. Loại dịch này là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn gây mùi. Ngồi thiền, tập yoga và các bài tập thực hành khác có thể có lợi.

Mẹo dân gian

Nhiều người chọn phương pháp chữa hôi nách theo bài thuốc dân gian như: dùng phèn chua, khử mùi bằng chanh, khử mùi bằng mướp đắng, củ gừng, giấm táo... Tuy vậy nên thận trọng khi sử dụng vì giấm táo và nước chanh có thể gây kích ứng da. Bạn có thể thoa một vài giọt vào nách bằng bông gòn nhưng cần chắc chắn là vùng da này không có vết trầy xước.

Một số loại dầu như dầu cây trà, hương thảo, cây xô thơm cũng được cho là có tính kháng khuẩn, giúp điều trị mùi cơ thể (bôi chiết xuất tại chỗ).

Tuy nhiên các biện pháp này có thể khử được mùi hôi nhưng không loại trừ được hoàn toàn được bệnh và bệnh thường tái phát. Nếu bị quá nặng, có thể phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi ở nách, tiêm botox hoặc điều trị bằng laser…