ĐỜI SỐNG

Vì sao trẻ em béo phì ở nước ta ngày càng tăng?

DDVN • 11-10-2023 • Lượt xem: 1331
Vì sao trẻ em béo phì ở nước ta ngày càng tăng?

Ngoài béo phì do bệnh lý thì tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, cha mẹ có xu hướng quan tâm quá mức khiến trẻ nhỏ có chế độ ăn thụ động, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng cao.

Đó là nhận định của PGS-TS-BS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương vừa được đưa ra tại Hội thảo chuyên gia Việt Nam- Nhật Bản về dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Trong 10 năm trẻ béo phì tăng hơn gấp đôi

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là khu vực thành phố. Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.

Thực tế, trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng nhanh báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tại các thành phố. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Theo bác sĩ Điển, nguyên nhân chứng béo phì của trẻ ở Việt Nam được chia làm 2 loại chính là béo phì do bệnh lý và béo phì do thói quen ăn uống. Đối với béo phì do nguyên nhân bệnh lý thì cần tìm hiểu căn nguyên do thần kinh trung ương, nội tiết...

Sự phổ biến ở thành phố lớn hiện nay là béo phì do ăn uống. Tại thành phố, thường các gia đình chỉ có 1 - 2 con. Vì vậy cha mẹ quan tâm chăm sóc dinh dưỡng quá mức khiến trẻ nhỏ có chế độ ăn thụ động, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng cao.

“Vấn đề béo phì do thói quen ăn uống sẽ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm kèm theo như: tim mạch, đái tháo đường..., đồng thời béo phì sẽ gây nên các vấn đề tâm lý cho trẻ”, bác sĩ Điển cảnh báo.

1.000 ngày đầu đời của trẻ rất quan trọng

Từ thực tế trên, để giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ, bác sĩ Điển cho rằng cha mẹ cần có kiến thức đúng về chăm sóc trẻ nhỏ, đặc biệt là thời điểm 1.000 ngày đầu đời ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Điển, dù Bộ Y tế đã có chương trình hướng dẫn thực hành chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai... nhưng việc thực hiện vẫn còn rất nhiều bất cập.

Vì vậy để đảm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, chính phủ đã và đang hoàn thiện các hướng dẫn, chính sách và khuyến nghị cho trẻ em và phụ nữ. Song song với đó cũng rất cần các cơ quan truyền thông lan tỏa các hướng dẫn tới cộng đồng.

“Việc chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ là rất quan trọng. Thời gian khi trẻ em hình thành trong bụng mẹ là giai đoạn đầu đời rất quan trọng để phát triển các cơ quan, đặc biệt là não bộ. Không chỉ vậy, để đảm bảo thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ, việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ từ khi thụ thai đến trên 2 tuổi là việc rất quan trọng. Vì thế để đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ trong giai đoạn từ 12 - 18 tháng, song song với đó là việc trẻ nhỏ ăn đa dạng theo từng giai đoạn thời kỳ đặc biệt trong 1.000 ngày đầu đời sẽ giúp cho trẻ em phát triển toàn diện hơn thông minh hơn”, bác sĩ Điển chia sẻ.

Nói về việc phòng chống thiếu vi chất cho bà mẹ và trẻ em, bác sĩ Điển nói cần có khẩu phần dinh dưỡng phù hợp để cung cấp đủ dưỡng chất cho cả bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, mẹ cần có chế độ ăn phong phú để đảm bảo hấp thụ đủ các loại dưỡng chất từ thực phẩm như chất béo, chất đạm, chất bột, vitamin, dưỡng chất. Việc phát triển các chức năng của trẻ nhỏ trong quá trình thai kỳ phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của bà mẹ mang thai.

Bác sĩ Điển lưu ý các bà mẹ không nên chỉ ăn một vài món hoặc chỉ tập trung vào một nhóm dưỡng chất.

Sau khi trẻ ra đời, theo bác sĩ Điển, dinh dưỡng cần phân theo từng giai đoạn để giúp trẻ nhỏ phát triển phù hợp.

Trong 6 tháng đầu tiên là thời kỳ cần nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ, để cung cấp dưỡng chất và kháng thể tốt nhất cho trẻ. Sau đó trẻ có thể ăn bổ sung một số các loại thức ăn phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ như bột dinh dưỡng.

Từ 6 - 18 tháng trẻ cần được bổ sung thức ăn thô, cùng với sữa mẹ. Trong thời gian này những thức ăn sẵn có tại địa phương cũng là một nguồn thực phẩm tươi cung cấp dinh dưỡng tốt cho trẻ.

Ngoài ra, các bà mẹ tại thành phố không có nhiều thời gian để nấu ăn cho bé cũng có thể tham khảo thêm một số các loại sản phẩm chế biến sẵn theo giai đoạn của các nhãn hàng đã nghiên cứu dành riêng cho trẻ em.

Theo Hồ Quang/1thegioi.vn