VĂN HÓA

Vĩnh biệt Cún con - Tùy bút Lê Quý Nghi

Lê Quý Nghi • 20-11-2021 • Lượt xem: 860
Vĩnh biệt Cún con - Tùy bút Lê Quý Nghi

Tôi loay hoay nắn lại cái cổ cho Cún Con, lại đặt Cún Con nằm xuống chỉnh hai cái bánh. Không hồi sức được! Chẳng lẽ Cún Con chết rồi sao? Tôi u sầu vác Cún Con lên vai, lắc nhắc bước lên cầu Sài Gòn.

Tin và bài liên quan: 

Ngõ hẹp - Truyện ngắn Nguyễn Hữu Hồng Minh

Mê cung Từ điển - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Những chuyến xe ngược tối - Tùy bút Lê Quý Nghi

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 3)

Một thưở chưa xa hoang đường và đẹp đẽ - Tùy bút Lê Quý Nghi

Tôi mất xe đạp, là chiếc xe đòn dông mà tôi đem từ dưới quê lên để đi học. Bấy giờ mà tính chuyện mua xe mới thì thật nan giải! Tôi sực nhớ đến tiệm cầm đồ ở đầu hẻm đường cách mạng tháng tám, nơi tôi ở trọ. Nhiều lần tôi đi ngang thấy treo cái bảng “Xe đạp thanh lý” cùng với mấy chiếc xe cũ trưng bày phía trước. Xe cũ, người cầm cố không đến chuộc nên chắc giá “mềm”. Nghĩ vậy, tôi cuốc bộ ra đó. Tiệm có khoảng chục chiếc xe, đủ kiểu. Tôi dòm một lượt rồi hỏi giá, chiếc nào cũng ba bốn trăm ngàn. Không đủ tiền, tôi định quay về thì chủ tiệm gọi với:

- Có chiếc mini giá rẻ, em đi được không, anh để sau kho?


Phụ bản: Tranh thi sĩ Nguyễn Quang Thiều 

Tôi nán lại chờ. Chủ tiệm vào kho dắt ra một chiếc mini kiểu Pháp cũ. Chiếc xe thấp chũng  màu đỏ sậm phủ đầy bụi. Bánh xe xíu xiu, đường kính chỉ hơn hai gang tay. Ghi-đông xe hình chữ U khá ấn tượng, cao nhồng như cổ Hươu! Tôi săm soi, quay thử vài vòng bánh rồi hỏi giá.

- Sinh viên hả, anh để lại trăm rưỡi, giá hữu nghị đó!

Chủ tiệm vừa nói vừa cầm cây chổi lông gà quét bớt bụi. Tôi đắn đo một lúc rồi quyết định mua, thôi kệ, về đôn cái yên xe lên cao một chút chắc cũng vừa tầm chân.

Về đến nhà trọ, tôi lôi bộ đồ nghề sửa xe của anh Sáu chủ nhà ra, đôn cao cái yên xe lên, chỉnh lại dè với ba-ga trước sau rồi xách xô nước ra lau rửa sạch sẽ. Chiếc xe gần như lột xác! Tôi cẩn thận tra nhớt vào mấy cái ổ bi xong dắt ra hẻm đạp một vòng. Xe nhỏ, vòng tua nhanh nên hơi mỏi chân nhưng được cái nhẹ đạp. Tôi tạm hài lòng rồi ngẫu hứng đặt luôn cho nó cái tên: Cún Con.

Một lần, tôi tập tành viết xong bài thơ khá ưng ý, lúc này đã gần chín giờ đêm. Ngồi nhà nôn nao khó chịu, tôi dắt Cún Con ra, quyết định qua thằng Trường khoe bài thơ rồi sẽ ở lại bên đó sáng mai về. Thằng Trường là bạn học phổ thông với tôi, cũng làm thơ như tôi. Hắn thuê phòng trong dãy nhà trọ bên đường Trần Kế Xương quận Bình Thạnh, sát ngay bãi cát khu Miếu Nổi. Từ nhà trọ của tôi qua hắn khá xa, nhưng mặc kệ! Tôi ghé quán tạp hóa của chị Thẩm đối diện mua thiếu bịch rượu với mấy gói đậu phộng, móc trước ghi-đông. Tôi cùng Cún Con lên đường.

Qua đến thằng Trường cũng gần mười giờ, chủ nhà trọ đã khóa cổng ngoài. Tôi gọi với vào, một lúc, Trường ở trần mặc quần cộc đi ra. Tôi chỉ vào bịch rượu cho Trường thấy rồi nói:

- Vô mặc đồ, ra bãi cát có bài mới, nhớ cầm cây đàn!

Cổng khóa nên Trường chuyền cây đàn cho tôi rồi leo rào ra. Tôi dắt Cún Con cùng với Trường đi sâu vào bãi cát. Gió nhẹ. Vừa qua rằm nên trăng sáng vằng vặc. Bãi cát khu Miếu Nổi rộng bằng cả chục cái sân banh, đây đó chất đống ngổn ngang cống hộp mà mỗi cái cao quá đầu người, chắc là chuẩn bị thi công công trình gì đó! Tôi đặt Cún Con nằm xuống cát, cùng với Trường ngồi bệt. Chúng tôi uống rượu, rồi tôi đọc bài thơ mới cho Trường nghe, xong lại quay qua đàn hát. Đêm trăng đó, tôi và Trường đắm mê trong giai điệu và ca từ bài “Trở về bến mơ” của Ngọc Bích. "Ngày nào một giấc mơ, đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ…”.

Khuya, Trường vác đàn, tôi dắt Cún Con chuẩn bị về phòng trọ của Trường thì vấp khó. Làm sao đưa được Cún Con qua tường rào khi hai thằng đã ngà ngà say? Trường xuê xoa:

- Ở đây chẳng có ma nào bắt Cún Con đâu, cứ để Cún Con trong cống hộp, sáng ra dắt về!

Tôi nghe theo, đặt Cún Con ngay ngắn trong lòng hộp cống rồi rảo bước về cùng Trường. Trăng vẫn còn soi nhưng nhức trên đầu.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi Trường đã đi học. Tôi lật đật xõa nước rửa mặt qua loa rồi chạy ra bãi cát. Chết rồi! Hình như nửa khuya về sáng người ta chở đến đặt thêm nhiều cụm cống hộp nữa? Tôi nhìn quanh đến hoa mắt, biết tìm Cún Con nơi đâu? Tôi dáo dác dõi tìm từng cụm, thiếu điều gọi to lên “Cún ơi!” mà mong cho nó nghe thấy. Thiệt may, đến một cụm khác tôi tìm được Cún Con, nó vẫn nằm ngoan như đêm hôm qua tôi đã dặn.


Tranh họa sĩ Đinh Trường Chinh 

Lần Huy dưới Tiền Giang lên chơi là lần tôi xa Cún Con lâu nhứt. Tôi với Cún Con ra bến xe Chợ Lớn đón Huy. Về đến nhà trọ, biết Huy cũng chưa ăn trưa, tôi qua tạp hóa chị Thẩm mua mì tôm về nấu hai đứa ăn. Huy quá rành tôi từ những ngày hai đứa ở chung với nhau,nên hỏi:

- Bộ hết tiền rồi à?

- Ừ, mới giữa tháng.

Huy ngần ngại:

- Tao chỉ đủ tiền xe lên.

- Không sao, để tao tính…

Chiều, Huy nằm nghỉ, tôi loay hoay đắn đo rồi quyết định dắt Cún Con đi. Tôi với Cún Con nấn ná, lề rề từng vòng bánh chậm ra đầu hẻm, quẹo vào tiệm cầm đồ quen cũ. Tôi an ủi Cún Con rồi gửi lại đó, nhận năm mươi ngàn.

Sau bận đó, tôi hứa sẽ không bao giờ xa Cún Con thêm lần nào nữa, vậy mà…!

Hôm ấy, Cún Con cùng tôi ra ký túc xá trường đại học Sư Phạm Kỹ Thuật mãi tận Thủ Đức thăm thằng Giang, quãng đường xa nhứt mà Cún Con từng đi. Sáng, tôi với Cún Con cứ tà tà rẽ đường Điện Biên Phủ, leo dốc cầu Saigon rồi dọc theo xa lộ Hà Nội… Đến gần trưa thì chúng tôi tới chỗ thằng Giang. Giang mời cơm trưa ở căng-tin, sau đó thêm vài người bạn nữa kéo nhau ra quán cà phê gần trường hàn huyên. Sấp chiều, tôi với Cún Con quay trở lại Sài Gòn. Bận về, chúng tôi thong thả vượt cầu Rạch Chiếc qua ngã ba Cát Lái…gần đến chân cầu Sài Gòn thì xảy ra chuyện! Đang đi, tôi nghe tiếng xe máy rồ ga sát sau lưng rồi bóng xe vụt ngang qua. Tay trái tôi bị quẹt một phát đau điếng! Tôi với Cún Con lảo đảo lăn vô lề đường, va vào dãy cọc tiêu bằng xi măng bên cạnh. Tôi chỉ kịp nhìn cậu nhóc loai choai trên xe máy ngoái lại rồi kéo ga mất hút.


Thi sĩ Lê Quý Nghi, tác giả thi phẩm "Hoa không mùa" nổi tiếng  

Tôi lồm cồm ngồi dậy, cái hông tôi ê ẩm, tay chân trầy trụa khắp nơi. Quay nhìn Cún Con, trông nó thảm thương hơn nhiều! Cái cổ bị bẻ ngoặt, bánh trước bánh sau cong queo, tăm bung lả tả…

Tôi đỡ Cún Con dậy mà tan nát cả lòng!

Tôi loay hoay nắn lại cái cổ cho Cún Con, lại đặt Cún Con nằm xuống chỉnh hai cái bánh. Không hồi sức được! Chẳng lẽ Cún Con chết rồi sao? Tôi u sầu vác Cún Con lên vai, lắc nhắc bước lên cầu Sài Gòn. Chưa bao giờ tôi có cảm giác cầu Sài Gòn cao và dài như thế! Đến giữa cầu, người tôi mệt rã rượi. Đặt Cún Con dựa vào thành cầu, tôi ngồi nghỉ lấy sức.

Chiều xế, trời nhá nhem và nhiều mây, Cún Con vẫn nằm dựa thành cầu bất động. Tôi vói tay lay khẽ hai cái bánh, cứng đơ! Dưới chân cầu, nước ăm ắp, giấc này chắc đang nước lớn, sông sẽ sâu hơn…

Không thể được nữa rồi, thôi thì mày hóa kiếp, tao còn ở lại Cún Con à! Tôi nhấc bổng Cún Con lên, vói qua khỏi thành cầu  từ từ thả xuống rồi hoe mắt nhìn theo cho đến khi nghe một tiếng động nhẹ, thiệt nhẹ!

Vĩnh biệt Cún Con!

Lê Quý Nghi