Ngay từ lúc này trên Facebook, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch tụ tập để chuẩn bị xem hiện tượng nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21, hay còn được gọi là hiện tượng "trăng máu".
Lịch nguyệt thực toàn phần 2018
0h14: Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối. Ở pha nửa tối nhìn bằng mắt thường chúng ta sẽ khó nhận thấy sự thay đổi màu sắc của Mặt Trăng.
1h24: Bắt đầu pha một phần.
2h30: Bắt đầu pha toàn phần.
4h13: Kết thúc pha toàn phần.
5h19: Kết thúc pha một phần.
5h36: Mặt trăng lặn.
Việt Nam xem ở đâu?
Để theo dõi hiện tượng nguyệt thực toàn phần trọn vẹn nhất, nơi quan sát cần thoáng đãng, bầu trời trong, không mây và không mưa. Tuy nhiên theo dự báo, điều kiện thời tiết nhiều nơi trên cả nước nhìn chung không thuận lợi để chứng kiến nguyệt thực đêm ngày 27 rạng sáng 28/7.
Theo đó vào đêm 27 và rạng sáng 28/7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng có mưa vừa đến mưa to; trời sẽ rất âm u và không thể quan sát được mặt trăng trong thời điểm từ 0h đến 6h30.
Mặc dù vậy các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Nam Bộ, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, trời ít mây, không mưa, thời tiết mát mẻ, nhiệt độ khoảng 25-28 độ C; vì thế có thể có điều kiện lý tưởng để quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần tháng 7 này cùng mưa sao băng một ngày sau.
Hiện tại, một vài câu lạc bộ nghiên cứu thiên văn học đã bắt đầu lập ra sự kiện ngắm nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 ở những địa điểm như Sân bóng Đầm Hồng (Hà Nội) hay Hồ Trị An (Đồng Nai), thu hút hàng trăm bạn trẻ tham gia.