ĐỜI SỐNG

Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 1: Niềm vui và nỗi lo với thanh long xuất khẩu

DDVN • 31-03-2023 • Lượt xem: 708
Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 1: Niềm vui và nỗi lo với thanh long xuất khẩu

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết hiện nay giá thanh long xuất khẩu đã tăng rất mạnh so với hai năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, người trồng thanh long còn nhiều nỗi lo.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, sau đại dịch, người trồng thanh long te tua do phải cầm cự hơn 2 năm trong giá thấp, thua lỗ, hàng bán như cho. Sức chịu đựng về kinh tế của người trồng thanh long gần như chạm đáy, “hết hơi”. Hơn 12.000ha đất canh tác thanh long trước kia nay ước còn khoảng 10.000ha. Với diện tích này, mỗi năm sản lượng thanh long tỉnh Long An còn khoảng 300.000 tấn.

Những vườn thanh long nay được quan tâm, chăm sóc tốt hơn - Ảnh: Mỹ Tho

Một số nông dân bỏ trồng thanh long chuyển sang cây trồng khác mong có kinh tế cao hơn. Trong số 10.000ha thanh long còn lại hiện nay, người trồng tăng cường đầu tư chăm sóc trở lại, mong thu nhập cao hơn để bù đắp những thiệt hại thời gian qua.

Hiện nay thanh long ruột đỏ loại 1 giá 45.000 đồng/kg, loại 2 giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, loại 3 từ 25.000 - 30.000 đồng/kg tùy thời điểm. Thanh long ruột trắng giá thấp hơn, chỉ bằng nửa giá thanh long ruột đỏ. Với giá này người trồng thanh long vẫn lời khoảng 50%.

 Nông dân thu hoạch thanh long - Ảnh: M.T

Ông Nguyễn Xuân Lập, xã viên HTX Bình Quới (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) cho biết: “Thanh long ruột đỏ có giá từ 30.000 - 45.000/kg, người trồng lời rất khá. Tuy nhiên, khi thanh long có giá cao thì nông dân lại không có thanh long nhiều để bán. Do mấy năm dịch bệnh, giá thanh long bán dưới mức đầu tư, nhiều người trồng sạt nghiệp. Nhiều vườn thanh long xuống cấp. Nay muốn cho vườn thanh long có trái để bán, nông dân phải đầu tư khôi phục lại, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tốn chi phí tiền điện xông đèn kích thích thanh long ra hoa… Bên cạnh niềm vui còn bao nhiêu nỗi lo".

Ông Nguyễn Văn Năm, nông dân xã Bình Quới (H.Châu Thành, Long An) phấn khởi cho biết gia đình ông vừa bán được 6 tấn thanh long ruột đỏ với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ đủ mọi chi phí tiền điện xông đèn kích thích ra hoa; phân, thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê nhân công... tính ra ông lãi hơn 100 triệu đồng.

Tại Tiền Giang, nơi có 8.990ha đất trồng thanh long, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho biết diện tích thanh long cho trái của tỉnh hơn 7.400ha, sản lượng ước khoảng 307.000 tấn/năm. Với diện tích thanh long lớn thứ nhì miền Tây, đứng sau Long An, người trồng thanh long ở Tiền Giang đang thu nhập tốt từ thanh long xuất khẩu giá cao.

Ông Lê Văn Năm, nông dân trồng thanh long ở xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo cho biết: “Gia đình tôi vừa bán được 6 tấn thanh long ruột trắng với giá 18.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí tiền điện xông đèn kích thích ra hoa và phân, thuốc bảo vệ thực vật, tiền nhân công... khoảng 50 triệu đồng, thu lãi khoảng 60 triệu đồng".

Tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc nói chung hiện nay khá thuận lợi. Vì vậy các mặt hàng nông sản của ĐBSCL như mít, sầu riêng, thanh long, khoai lang… giá tăng nhiều so với trước. Tuy nhiên khi đi sâu vào từng mặt hàng, giá cả và điều kiện xuất khẩu, mới thấy được hai mặt của vấn đề. Chỉ riêng về xuất khẩu thanh long cũng nhiều thuận lợi và khó khăn.

Một doanh nghiệp cung ứng thanh long xuất khẩu có những nỗi lo khá thiết thực: Thương nhân Trung Quốc hiện nay họ thâm nhập rất sâu vào thị trường nông sản của ta. Họ thuê kho đóng hàng, họ thu mua tận vườn thanh long. Vì vậy, họ nắm sản lượng thanh long của ta từng đợt thu hoạch. Giá cả thu mua do họ đưa ra từng ngày, vì họ có thông tin từ thị trường chính quốc. Ví dụ giá thanh long ruột đỏ loại 1 giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, nghe nói vậy chứ chẳng phải vậy. Trong 10 tấn thanh long, họ chọn ra chưa được 1/10 loại mà họ mua giá loại 1, còn lại dạt xuống loại 2, loại 3. Khi họ biết đợt nào thanh long thu hoạch nhiều thì họ có thể thống nhất mua với giá thấp.

Thu hoạch thanh long ở Long An - Ảnh: Internet

Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, hiện nay tình hình xuất khẩu thanh long có nhiều thuận lợi. Do thị trường Trung Quốc mở cửa sau dịch COVID-19, thanh long xuất khẩu tăng giá rất mạnh, người trồng thanh long được bù đắp những thiệt hại sau đợt dịch bệnh kéo dài. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có hai đường. Nếu theo đường tiểu ngạch, bán hàng qua biên giới thì kiểm tra về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không gắt gao theo tiêu chuẩn. Nếu theo đường xuất khẩu chính ngạch thì phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của họ.

Để hạn chế những khó khăn, tiềm ẩn rủi ro về xuất khẩu nông sản, bà Châu Thị Lệ có ý kiến: “Với các nông sản xuất khẩu nói chung và thanh long nói riêng, nên mở rộng diện tích theo kế hoạch, không chạy theo nông sản giá cao mà phát triển diện tích. Cần cấp và quản lý theo mã số vùng trồng; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; an toàn vệ sinh thực phẩm với nông sản. Nên sản xuất rải vụ, sản xuất theo hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp. Mở rộng thị trường xuất khẩu đi nhiều nơi khác như: châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Và điều quan trọng nhất, là các tỉnh ĐBSCL nên có nhà máy chế biến và xuất khẩu nông sản để cân đối giữa hàng xuất khẩu tươi và hàng nông sản, trái cây chế biến xuất khẩu… Có như vậy tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản ĐBSCL sẽ ổn định hơn.

Theo Văn Kim Khanh/1thegioi.vn